Nguyên nhân gây tai nạn giao thông (TNGT) thì có nhiều, song nguyên nhân hàng đầu chính là ý thức của người tham gia giao thông còn hạn chế. Để hình thành văn hóa giao thông - văn minh đô thị không thể làm một sớm một chiều mà cần có lộ trình, cách làm bài bản và phải làm thường xuyên, liên tục nên rất cần sự vào cuộc chung tay, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Quý I hằng năm là thời điểm lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông thường tăng mạnh bởi đây là dịp Tết, diễn ra nhiều lễ hội, trật tự ATGT thường phức tạp. Năm nay, do diễn biến của tình hình dịch COVID-19, tỷ lệ phương tiện tham gia giao thông giảm mạnh. Theo thống kê của Ban ATGT tỉnh, trong Quý I, trên địa bàn vẫn xảy ra 13 vụ TNGT, làm chết 14 người, bị thương 3 người. So với cùng kỳ năm 2019 giảm 1 vụ (7,1%), không tăng giảm số người chết, giảm 3 người bị thương (50%). Nhìn lại công tác bảo đảm ATGT trong quý 1 là việc làm cần thiết để có thể đề ra những giải pháp tích cực kéo giảm TNGT trên cả 3 tiêu chí trong thời gian tới.
Theo đánh giá của các cơ quan hữu quan, nhiều vụ TNGT trong quý I cũng như trước đây chủ yếu là do nguyên nhân chủ quan. Theo Ủy ban ATGT Quốc gia, 80% nguyên nhân gây TNGT bắt nguồn từ ý thức của người điều khiển phương tiện. Vì vậy tuyên truyền, giáo dục vẫn là vấn đề quan trọng, bởi kết cấu hạ tầng dù có tốt đến đâu nhưng ý thức kém thì TNGT vẫn cứ xảy ra.
Thời gian qua, công tác bảo đảm trật tự ATGT trong tỉnh luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và tổ chức chính trị-xã hội quan tâm chỉ đạo nên trật tự ATGT có nhiều chuyển biến tích cực. Liên tục từ năm 2012-2019, TNGT đều giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và bị thương. Kết quả trên thể hiện sự quyết tâm, đồng lòng của cả hệ thống chính trị trong công tác bảo đảm trật tự ATGT. Tuy nhiên, số người chết vì TNGT vẫn còn ở mức cao, tình trạng vi phạm về trật tự ATGT còn diễn biến phức tạp, vẫn xảy ra những vụ TNGT rất nghiêm trọng, gây bức xúc cho xã hội.
Cảnh sát giao thông tuyên truyền nhắc nhở học sinh trên địa bàn thực hiện nghiêm
các qui định của pháp luật trong tham gia giao thông năm 2019.
Để công tác trật tự ATGT được bảo đảm, thời gian qua, Ban ATGT tỉnh phối hợp tích cực, hiệu lực, hiệu quả với các lực lượng chức năng, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp, như công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT; nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe, đăng kiểm; quan tâm duy tu bảo dưỡng đường, xử lý những tồn tại bất cập trong tổ chức quản lý giao thông; tăng cường tuần tra, kiểm soát, áp dụng xử phạt nguội, xử lý vi phạm nồng độ cồn theo Nghị định 100 của Chính phủ… Trong đó, giải pháp trọng tâm, mang tính bền vững lâu dài được Ban ATGT tỉnh triển khai đồng bộ chính là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về pháp luật trật tự ATGT. Bởi như khuyến nghị của Ủy ban ATGT Quốc gia: “Xây dựng văn hóa giao thông nhằm tạo nên thói quen cư xử có văn hóa, đúng pháp luật; coi việc tự giác tuân thủ pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT như một chuẩn mực đạo đức truyền thống và là biểu hiện văn minh hiện đại của con người khi tham gia giao thông”.
Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, nhất là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, các cấp, ngành tổ chức nhiều buổi tuyên truyền trực tiếp tại cơ sở, đến từng người dân. Các cơ quan thông tấn báo chí của tỉnh tăng cường các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về công tác bảo đảm trật tự ATGT, đặc biệt là Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia; Nghị định 100 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt… Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) cấp phát 3.000 tờ rơi, 65 áo phao cho người dân và tổ chức ký cam kết cho 9 bến khách ngang sông…
Đầu năm học 2019-2020, những mô hình như “Đi đến trường an toàn - Về đến nhà an toàn”, “Bé với ATGT”, “Doremon với ATGT”… tiếp tục được triển khai, góp phần không nhỏ nâng cao nhận thức và ý thức tham gia giao thông, đặc biệt sớm hình thành “văn hóa giao thông” cho các em ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Ngoài ra, nhiều hình thức tuyên truyền trực quan như panô, hình ảnh về văn hóa giao thông, tuyên truyền về tác hại của rượu, bia đối với người điều khiển phương tiện giao thông cũng như phổ biến pháp luật về trật tự ATGT… ở nhiều cơ quan, đơn vị, đoàn thể, địa phương cũng mang lại hiệu quả cao. Đặc biệt, phong trào “Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự ATGT” có sự phát triển sâu rộng trong cộng đồng dân cư và trở thành nhân tố chủ yếu góp phần bảo đảm ATGT từ cơ sở...
Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, công tác bảo đảm trật tự ATGT đều chú trọng nâng cao trách nhiệm của chính quyền cơ sở, nhất là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác bảo đảm ATGT. Đối với việc quản lý phương tiện và người điều khiển vi phạm quy định ATGT, các lực lượng chức năng luôn quyết liệt, tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm minh, nhất là những vi phạm về nồng độ cồn, tải trọng, chở quá số người quy định, vi phạm về kiểm định phương tiện và những hành vi phóng nhanh, vượt ẩu, lấn làn, vượt đèn đỏ… tạo sức răn đe đối với các trường hợp cố tình vi phạm. Cụ thể từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng toàn tỉnh lập biên bản xử lý 5.371 trường hợp vi phạm (chở quá tải trọng 377, vi phạm nồng độ cồn 354, không đội mũ bảo hiểm 2.814…), thu nộp Khoa bạc Nhà nước hơn 7,2 tỉ đồng.
Một trong những chuyển biến tích cực về ý thức của người dân thời gian qua chính là việc chất hành nghiêm Nghị định 100 của Chính phủ, cũng như hiệu quả rõ rệt của việc triển khai lắp đặt gần 300 camera giao thông (giai đoạn I) trên các tuyến đường. Theo đánh giá, việc xử phạt vi phạm trật tự ATGT qua hệ thống giám sát camera bước đầu cho thấy hiệu ứng tích cực, các phương tiện khi đi qua các nút giao đều nghiêm túc tuân thủ việc dừng đỗ đúng qui định; tỉ lệ vi phạm các lỗi như vượt đèn đỏ, lấn làn… giảm so với trước gấp nhiều lần. Trang Web tra cứu lỗi vi phạm hàng ngày đều có hàng nghìn lượt người truy cập… Đây là tín hiệu khả quan cho thấy hiệu quả rõ rệt từ việc giám sát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự ATGT qua hệ thống camera, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao ý thức, trách nhiệm cho người dân để từng bước xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng.
Trong khi đó, nhờ làm quyết liệt, nhất là dịp trước, trong Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, tình trạng sử dụng rượu bia trước khi lái xe trên toàn tỉnh đều giảm mạnh so với những năm trước đây.
Để thông điệp “An toàn giao thông là hạnh phúc của mọi người, mọi nhà” được lan tỏa tới mỗi gia đình, cộng đồng và xã hội thì mỗi người chúng ta phải đồng lòng, quyết tâm thực hiện và vận động những người xung quanh cùng chung tay xây dựng văn hóa giao thông. Trước hết từ những việc làm hàng ngày như: Luôn đội mũ bảo hiểm khi đi xe môtô, xe máy; không chen lấn, phóng nhanh, vượt ẩu khi tham gia giao thông; đã uống rượu, bia không lái xe… góp phần giữ gìn cuộc sống an lành, hạnh phúc cho chính bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội.