Nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, kịp thời ngăn chặn xảy ra tai nạn giao thông (TNGT) do uống rượu, bia, Ban ATGT tỉnh Bến Tre đã chỉ đạo các thành viên và Ban ATGT các huyện, thành phố phối hợp triển khai thực hiện một số giải pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất TNGT trên địa bàn.
Chấp hành Luật Giao thông đường bộ góp phần kéo giảm tai nạn giao thông
Thực hiện nhiều giải pháp
Các sở, ban, ngành và các thành viên Ban ATGT tỉnh kịp thời thông tin nội dung cảnh báo nguy cơ xảy ra TNGT do uống rượu, bia trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5-2020 cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, công nhân các khu công nghiệp… đặc biệt là lứa tuổi thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên về quê nghỉ lễ thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống đại dịch Covid-19 và nghiêm chỉnh chấp hành tốt các quy định của pháp luật về ATGT; không uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông; cần đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn dành cho người đi xe mô tô, xe máy, xe đạp điện khi điều khiển phương tiện; không phóng nhanh, giành đường, vượt ẩu khi điều khiển phương tiện. Đồng thời, cảnh báo người đi bộ, đi xe đạp, xe đạp máy và các xe thô sơ khác phải nghiêm chỉnh chấp hành các quy tắc ATGT đường bộ, nhằm tránh những thiệt hại đáng tiếc có thể xảy ra.
Ban ATGT các huyện, thành phố kịp thời chỉ đạo các đài truyền thanh huyện, thành phố; các xã, phường, thị trấn phát thanh nội dung cảnh báo TNGT thường xuyên, liên tục từ nay đến qua lễ 30/4 và 1/5, để cho người dân biết và nghiêm chỉnh chấp hành.
Các hộ gia đình nên nhắc nhở người thân sắp xếp thời gian hợp lý tranh thủ khi đi qua cầu Rạch Miễu, tránh vào những giờ cao điểm để đề phòng tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài trên cầu Rạch Miễu.
“Đã uống rượu bia thì không lái xe”
Người điều khiển phương tiện giao thông đã có uống rượu, bia là một trong những nguyên nhân dẫn đến TNGT. Mặc dù Luật Giao thông đường bộ đã quy định mức xử phạt nghiêm khắc đối với người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ bia, rượu quá mức cho phép, thế nhưng các vi phạm về trật tự ATGT liên quan đến rượu, bia vẫn gia tăng.
Trong thực tế đã xảy ra rất nhiều vụ TNGT thương tâm do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia. Khi đã uống rượu, bia, người điều khiển phương tiện giao thông thường chạy xe với tốc độ cao do bị kích thích, gây ức chế lên não bộ gây mất tự chủ hoặc ngủ gật hoặc khả năng phản ứng, xử lý tình huống, phản xạ và thị lực giảm. Rượu, bia gây ảnh hưởng trực tiếp đến thị giác và quá trình xử lý, truyền tải hình ảnh tới não bộ, gây ước tính sai lệch về khoảng cách. Do đó, người say rượu, bia điều khiển phương tiện sẽ dễ gây ra những lỗi nguy hiểm như chạy xe quá tốc độ quy định, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng, đi sai phần đường, làn đường… khiến cho những người tham gia giao thông xung quanh khó tránh, từ đó dễ dẫn đến TNGT.
Dự báo dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, tình hình trật tự ATGT sẽ có nhiều diễn biến phức tạp. Đây là thời điểm lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông tăng đột biến trên khắp các tuyến đường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra TNGT.
Trước tình hình trên, để đảm bảo trật tự ATGT trong dịp nghỉ dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, cũng như kịp thời ngăn chặn những rủi ro xảy ra TNGT sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng và tài sản cho mọi người, các cơ quan, đơn vị, các hộ gia đình thường xuyên quan tâm nhắc nhở cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người thân, bạn bè nhất là con em trong gia đình thực hiện nghiêm chỉnh việc chấp hành tốt các quy định của pháp luật về trật tự ATGT. Không uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Mọi người cần ghi nhớ và nhắc nhở lẫn nhau “ATGT nói không với rượu, bia”; “Đã uống rượu, bia thì không lái xe”; “Lạm dụng rượu, bia - hiểm họa gây tai nạn giao thông”; “Uống rượu, bia và lái xe - Giá đắt phải trả”.
Khi đã uống rượu, bia cách tốt nhất để phòng ngừa TNGT là mọi người nên thực hiện các giải pháp như “Nhờ một người không uống rượu, bia điều khiển xe của mình”; “Chọn một người bạn không uống rượu, bia để đưa về nhà”; hoặc “Sử dụng phương tiện công cộng như xe buýt, taxi …”; hay “Gọi cho người thân, bạn bè đến chở về nhà”; “Nghỉ lại nhà người thân đến khi nào tỉnh hẳn rượu, bia rồi mới điều khiển xe về nhà”.