Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, trong năm 2020, do tác động của hiện tượng ENSO nên thiên tai tiếp tục có diễn biến phức tạp, nhiệt độ trung bình trên cả nước có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm. Với tinh thần không chủ quan, cảnh giác trước diễn biến phức tạp của bão, lũ, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Nam Định chủ động trong công tác chuẩn bị phòng, chống thiên tai (PCTT) với phương châm phòng hơn chống nhằm bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt trong mùa mưa bão.
Tuyên truyền, hướng dẫn nhân viên bến phà Đại Nội (Trực Ninh) thực hiện tốt
các phương án đảm bảo trật tự ATGT đường thủy trong mùa mưa bão.
Hiện nay hệ thống đường bộ toàn tỉnh gồm có tuyến cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình, 5 tuyến quốc lộ, 12 tuyến đường tỉnh, 68 tuyến đường huyện và hệ thống đường đô thị, đường giao thông nông thôn. Hệ thống giao thông đường thủy nội địa gồm 4 sông lớn: sông Hồng, sông Đào, sông Đáy, sông Ninh Cơ dài 257km, cùng với hệ thống sông địa phương dài 279km, trên đó có nhiều cầu, cảng, bến thủy nội địa, bến khách ngang sông... là các điểm cần đặc biệt chú ý trong mùa mưa bão.
Ngay từ đầu năm, Sở GTVT đã tiến hành kiểm kê tổng hợp số lượng vật tư, phương tiện dự phòng cho PCTT, tìm kiếm cứu nạn (TKCN), nhất là những vật tư, thiết bị chuyên dùng như dầm cầu, rọ thép, phao, phà…; sắp xếp, điều chỉnh lại vị trí tập kết cho phù hợp, sửa chữa những thiết bị hư hỏng, mua sắm bổ sung đủ số lượng cần thiết và luôn ở trạng thái sẵn sàng sử dụng. Hiện tại, Sở GTVT đã chuẩn bị đủ nhà bạt, phao bè, phao cứu sinh, xuồng cao tốc, đất thịt, đá, cáp, nhiên liệu đốt, cưa tại các bến vượt sông, các hạt quản lý đường, sẵn sàng huy động. Sở GTVT cũng lên phương án, giao chỉ tiêu cụ thể về số lượng huy động cho các đơn vị thành viên, với tổng số 10 xe khách trên 29 chỗ ngồi, 10 xe tải các loại, 1 máy xúc và 2 xà lan tự hành. Các đơn vị được giao chỉ tiêu huy động phương tiện đều có trách nhiệm điều động người và phương tiện đến địa điểm tập kết, bàn giao cho đơn vị nhận khi có lệnh và phải trực tiếp kiểm tra, đôn đốc, theo dõi quy trình hoạt động theo điều lệnh.
Ngoài ra trên các điểm dễ xảy ra sụt trượt nền đường, ở các cung, hạt đều có vật tư dự trữ: dụng cụ như cưa, dao, đèn pin và các biển báo, barie, cọc tiêu; các bến vượt sông dự trữ 1.000 lít dầu Diezen, cáp các loại, chão ni lông, xà beng, cuốc chim, đèn bão, sào chống... Để chủ động ứng phó hiệu quả với các tình huống, Ban chỉ huy PCTT và TKCN ngành GTVT yêu cầu các Ban quản lý dự án, đơn vị thi công công trình hạ tầng giao thông tổ chức thi công đảm bảo an toàn trong mọi tình huống thiên tai đột xuất, không để xảy ra thiệt hại về người và tài sản trên công trình đang thi công, phải chịu trách nhiệm chính về thiệt hại do thiên tai gây ra khi không xây dựng và tổ chức tốt phương án PCTT công trình do đơn vị quản lý. Chuẩn bị tốt hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống cảnh báo hoạt động thông suốt trong mọi tình huống, thực hiện chế độ trực ban nghiêm ngặt trong mùa lụt, bão; có kế hoạch cụ thể về lực lượng và phương tiện để ứng cứu; nghiêm túc tổ chức trực ban trong mùa bão lũ, thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết và diễn biến của bão, lũ trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động triển khai phương án PCTT của đơn vị mình.
Đối với các tuyến đường do UBND các huyện và thành phố quản lý thì các đơn vị chủ động lực lượng, phương tiện, vật tư dự phòng theo phương án của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện, thành phố để tổ chức ứng cứu kịp thời. Các đơn vị quản lý đường bộ chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư tại các Hạt quản lý đường bộ để tổ chức ứng cứu kịp thời. Khi thiên tai xảy ra, các cơ quan, đơn vị trực thuộc Sở, các đơn vị quản lý đường bộ phải thường trực 24/24 giờ hàng ngày để theo dõi sát diễn biến tình hình; tập trung lực lượng, phương tiện, thiết lập hệ thống thông tin chỉ huy, theo dõi sát diễn biến của thiên tai, lụt, bão để chủ động triển khai kịp thời các phương án PCTT.
Căn cứ vào mức độ nguy hiểm, ảnh hưởng của thiên tai, lụt, bão, điều kiện địa hình và tình hình thực tế để lựa chọn, áp dụng các biện pháp ứng phó phù hợp, kịp thời và bảo đảm các yêu cầu cứu người, bảo vệ tài sản của Nhà nước và nhân dân; tiến hành điều động, trưng dụng nhân lực, phương tiện, vật tư, thiết bị dự phòng khi nhận được yêu cầu của UBND tỉnh; Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh. Tích cực gia cố, sửa chữa ngay tại chỗ các vị trí, khu vực công trình đường bộ xảy ra sự cố để làm giảm nhẹ thiệt hại lụt, bão gây ra; bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Đối với các điểm vượt sông triển khai ngay công tác cất dấu phao, phà vào trong âu, bến khách ngang sông dừng hoạt động khi gió đạt cấp 6, lũ báo động từ cấp 2 trở lên. Đối với các cầu lớn như các cầu Tân Phong, Lạc Quần (trên tuyến Quốc lộ 21B), cầu vượt đường sắt, cầu Nam Định, tổ chức chốt chặn hai đầu cầu, cảnh báo người dân nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông nếu qua các cầu khi có gió to. Khi lụt, bão xảy ra gây hư hỏng cầu đường, làm ách tắc giao thông, các đơn vị phải nhanh chóng phối hợp cùng Sở GTVT, Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão cấp huyện xác định tình trạng hư hỏng và đề xuất phương án bảo đảm giao thông theo quy định trong thời gian ngắn nhất; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người biết và phòng tránh.
Các đơn vị quản lý đường bộ, Phòng Công Thương các huyện, Phòng Quản lý đô thị thành phố triển khai ngay các biện pháp giải tỏa ách tắc mặt đường, dọn dẹp cây xanh, khơi thông cống thoát nước nhằm đảm bảo giao thông ngay sau khi bão, lũ đổ bộ. Phương án phân luồng giao thông khi cầu phao, phà tại các bến vượt sông dừng hoạt động, để di chuyển từ Hải Hậu sang Nghĩa Hưng các phương tiện theo hướng Quốc lộ 21 đi thành phố qua tỉnh lộ 490C đến Nghĩa Hưng và ngược lại; để di chuyển từ xã Trực Nội sang xã Trực Phú (Trực Ninh), Hải Hậu các phương tiện theo hướng Quốc lộ 21B, tỉnh lộ 487 đi Xuân Trường, Hải Hậu và ngược lại; đi từ Nghĩa Hưng sang Trực Phú, Hải Hậu các phương tiện theo hướng các tỉnh lộ 490C, 487 ra Quốc lộ 21 đến Xuân Trường, Hải Hậu và ngược lại; đi từ Nghĩa Hưng sang Ý Yên đi theo hướng Quốc lộ 37B và các tỉnh lộ 487, 490C đến các Quốc lộ 10, 21 sang Ý Yên và ngược lại.
Để bảo đảm an toàn về người, tài sản của Nhà nước, của nhân dân, bảo đảm giao thông an toàn thông suốt khi có bão, lũ xảy ra, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN ngành GTVT Nam Định đề nghị Bộ GTVT, UBND tỉnh, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam tiếp tục quan tâm ưu tiên kinh phí để đầu tư xây dựng nâng cấp, cải tạo hệ thống đường giao thông nông thôn; bố trí kinh phí sửa chữa đóng mới ca nô, phà do sử dụng lâu đã hư hỏng xuống cấp; trang bị thiết bị đo tốc độ gió cho các bến vượt sông... Yêu cầu các đơn vị toàn ngành chủ động sáng tạo, sẵn sàng đối phó với mọi diễn biến của bão, lũ, thiên tai, chống tư tưởng chủ quan xem nhẹ. Thủ trưởng các đơn vị phải trực tiếp chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch PCTT và TKCN năm 2020 cụ thể chi tiết và phối hợp các cấp, các ngành triển khai thực hiện theo phương án đã đề ra; đảm bảo hệ thống giao thông của tỉnh luôn an toàn thông suốt, góp phần ổn định đời sống, phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh./.