Thời gian qua, công tác bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) đường thủy nội địa được các ngành chức năng của tỉnh quan tâm, chỉ đạo, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm bảo đảm giao thông thông suốt, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.
Sử dụng phương tiện thủy thô sơ đánh bắt thủy sản ở phường Lam Sơn (thành phố Hưng Yên)
Từ đầu năm đến nay, tình hình trật tự ATGT trên các tuyến đường thủy được duy trì ổn định, không xảy ra tai nạn giao thông. Lực lượng chức năng đã tăng cường tuần tra, tập trung xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản, vi phạm quy định bảo đảm ATGT đường thủy; phối hợp với ngành chức năng, chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ hoạt động vận tải hành khách ngang sông; kiểm tra, đôn đốc tổ tự quản về an ninh trật tự trên đường thủy, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy, phục vụ nhân dân đi lại an toàn. 3 tháng đầu năm, qua tuần tra, kiểm soát, lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã phát hiện, xử lý hơn 200 trường hợp vi phạm các quy định trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa, xử phạt với số tiền hơn 385 triệu đồng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo đảm ATGT đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh cũng còn một số tồn tại, hạn chế như: Trong quá trình triển khai thực hiện, một số địa phương chưa tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt; một số ngành chức năng phối hợp thiếu chặt chẽ, nhất là công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong các tầng lớp nhân dân về an toàn giao thông đường thủy nội địa; công tác quản lý nhà nước về trật tự ATGT đường thủy còn hạn chế; công tác điều tra, xử lý các vụ phạm pháp, vi phạm pháp luật về an toàn giao thông đường thủy còn gặp khó khăn...
Hiện nay, tình trạng lấn chiếm hành lang ATGT đường thủy diễn ra ở nhiều tuyến đường thủy nội địa, đặc biệt tại các khu vực dân cư nơi có đường thủy nội địa đi qua, gây cản trở đối với hoạt động vận tải và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông; việc khai thác cát trái phép làm thay đổi dòng chảy, gây sạt lở bờ sông… đã uy hiếp nghiêm trọng đến an toàn của các công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa, ảnh hưởng đến hoạt động của các ngành, lĩnh vực khác và cuộc sống của người dân. Bên cạnh đó, số phương tiện quá hạn sử dụng, phương tiện hoán cải không đúng quy định, phương tiện cũ nát, phương tiện hoạt động nhưng chưa đăng ký còn tồn tại ở một số địa phương, nhất là trên các tuyến sông nhỏ. Qua khảo sát trên tuyến sông Hồng, tại một số xã Hoàng Hanh, Tân Hưng, phường Lam Sơn (thành phố Hưng Yên), hiện nay còn rất nhiều phương tiện thủy thô sơ hoạt động đánh bắt thủy sản. Điều đáng nói là hầu hết các phương tiện này chủ yếu do người dân tự đóng, không có đăng ký, đăng kiểm, không trang bị đầy đủ các thiết bị an toàn như: Áo phao, phao cứu sinh…Trong khi đó, chủ các phương tiện hầu hết đều chưa có bằng lái phương tiện…
Nhằm ngăn ngừa, hạn chế các vụ tai nạn giao thông đường thủy do các phương tiện nhỏ, thô sơ gây ra, ngày 18/3/2020, Thủ tướng Chính phủ có văn bản số 347/TTg-CN yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 132/2015/NĐ-CP ngày 25/12/2015 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa theo hướng siết chặt quy định, tăng nặng chế tài xử phạt bảo đảm đủ sức răn đe để ngăn ngừa các hành vi vi phạm quy định pháp luật về trật tự ATGT đường thủy như: Ðưa phương tiện không có động cơ, trọng tải toàn phần dưới năm tấn hoặc có sức chở đến 12 người, phương tiện có động cơ công suất máy chính dưới năm sức ngựa, hoặc có sức chở dưới năm người vào hoạt động mà không trang bị, hoặc trang bị không đầy đủ dụng cụ an toàn theo quy định; nghiên cứu bổ sung chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định bắt buộc về mặc áo phao hoặc cầm theo dụng cụ cứu sinh đối với người đi trên phương tiện thô sơ…
Để công tác bảo đảm ATGT đường thủy đạt hiệu quả cao, thời gian tới, các ngành, địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân, nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường thủy nội địa; tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về an toàn bến bãi, phương tiện chở khách, kiên quyết không để các phương tiện không đủ điều kiện hoạt động.