Ngày 20/5, Ban ATGT tỉnh Gia Lai phối hợp Sở GTVT, UBND huyện Chư Pưh tổ chức điểm chương trình tập huấn ATGT và tuyên truyền, phổ biến về công tác đào tạo, cấp giấy phép lái xe mô tô 2 bánh hạng A1, xe máy kéo nhỏ hạng A4 cho 200 cán bộ, người có uy tín tại huyện Chư Pưh.
Gia Lai nỗ lực tuyên truyền người dân học GPLX để kéo giảm TNGT.
Theo Ban ATGT, mục tiêu của việc tuyên truyền về công tác đào tạo, cấp giấy phép lái xe hạng A1 và A4 tới cán bộ, người có uy tín trong cộng đồng sẽ góp phần gia tăng tỷ lệ người dân tham gia công tác đào tạo, sát hạch GPLX; góp phần hướng tới giảm thiểu nguy cơ xảy ra TNGT.
Đáng chú ý, thời gian gần đây nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra trong toàn tỉnh Gia Lai. Tỉ lệ TNGT liên quan đến người DTTS ở mức đáng báo động trong thời điểm từ đầu năm 2020 đến nay. Trong khi đó, tỉ lệ người đồng bào dân tộc thiểu số chưa có GPLX vẫn ở mức cao. Để giảm thiểu TNGT là một bài toán lớn không những các ngành chức năng, đoàn thể và những người uy tín trong khu dân cư cần phải vào cuộc.
Theo đó, các học viên sẽ được giới thiệu tuyên truyền 3 chuyên đề: Một số nội dung cơ bản của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019; tuyên truyền, phổ biến công tác đào tạo cấp giấy phép lái xe mô tô 2 bánh hạng A1, xe máy kéo nhỏ hạng A4; công tác bảo đảm trật tự ATGT.
Cũng theo Ban ATGT tỉnh Gia Lai, số liệu thống kê cho thấy, toàn tỉnh hiện có trên 800 ngàn phương tiện mô tô, xe máy; tuy nhiên, số lượng giấy phép lái xe hạng A1 đã cấp mới chỉ đạt hơn 460 ngàn giấy phép. Về xe máy kéo nhỏ, xe máy kéo phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp, toàn tỉnh hiện có gần 38 ngàn phương tiện; tuy nhiên mới chỉ có 22 trường hợp được cấp giấy phép lái xe hạng A4. Thống kê năm 2017 còn chỉ rõ ra có trên 60% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số có nhu cầu đào tạo GPLX hạng A4.
Hiện, trên địa bàn TP. Pleiku cũng có 2 đơn vị là Trường đào tạo, sát hạch GPLX và trường cao đẳng nghề đủ điều kiện để đào tạo và sát hạch GPLX hạng A4.