Ngày 20/5, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Công văn số 2724/UBND-KTN yêu cầu các ngành, địa phương thực hiện các nội dung nhằm tăng cường công tác quản lý, đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy trên địa bàn tỉnh.
Ảnh minh họa
Trên cơ sở yêu cầu và một số nhiệm vụ trọng tâm theo Kế hoạch số 7847/KH-UBND ngày 31/12/2019 của UBND tỉnh đã ban hành về triển khai thực hiện Đề án “Các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa trong tình hình mới”, các ngành chức năng liên quan và Ban An toàn giao thông tỉnh, UBND và Ban An toàn giao thông các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương xây dựng kế hoạch chi tiết và tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt để đạt hiệu quả cao nhất.
Ban An toàn giao thông tỉnh, Công an tỉnh (Phòng Cảnh sát Giao thông đường thủy) và Ban An toàn giao thông các huyện, thị xã, thành phố chủ động phối hợp với các cơ quan Báo, Đài, chính quyền và các tổ chức đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương các xã, phường, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường thủy nội địa, Nghị định số 132/2015/NĐ-CP ngày 25/12/2015 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa và Thông tư số 75/2014/TT-BGTVT ngày 19/12/2014 của Bộ Giao thông vận tải quy định về đăng ký phương tiện thủy nội địa trên phương tiện thông tin đại chúng và thông tin cơ sở để thu hút sự quan tâm hưởng ứng của toàn xã hội, làm chuyển biến về nhận thức, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các chủ phương tiện và người tham gia giao thông đường thủy; trang bị đầy đủ áo phao, dụng cụ cứu sinh trên phương tiện, kể cả phương tiện thủy gia dụng, thô sơ và yêu cầu người đi trên phương tiện phải mặc trước khi xuất bến. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác đảm bảo TTATGT trên địa bàn tỉnh cần phải tập trung thực hiện trong năm 2020.
Giao Sở Giao thông vận tải: Chủ trì, phối hợp Công an tỉnh và các ngành chức năng liên quan nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh đề xuất Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị hoặc Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 45-KL/TW, ngày 01/02/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa để huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác đảm bảo TTATGT trên địa bàn tỉnh. Chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan nghiên cứu, sớm tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy định về quản lý phương tiện thủy thô sơ, phương tiện được miễn đăng ký theo quy định của pháp luật; Quy chế phối hợp quản lý hoặc các văn bản quy định có liên quan trong công tác quản lý hoạt động của các bến thủy nội địa, phương tiện thủy nội địa.
Phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các ngành chức năng khẩn trương kiểm tra, rà soát, lập danh mục sắp xếp các bến thủy nội địa phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, vận tải khách du lịch và hướng dẫn thủ tục, cấp phép hoạt động bến theo đúng quy định. Chủ trì, phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy Công an tỉnh và Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn tỉnh làm việc với các đơn vị có chức năng tổ chức đào tạo, cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn điều khiển phương tiện thủy nội địa cho các đơn vị, địa phương, cá nhân có nhu cầu. Rà soát, bổ sung hệ thống báo hiệu, phao tiêu trên các tuyến đường thuỷ nội địa địa phương và kiến nghị với Cục đường thuỷ nội địa bổ sung trên các tuyến đường thuỷ nội địa Trung ương;...
Công an tỉnh chỉ đạo Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy và Công an các huyện, thị xã, thành phố: phối hợp với Công an các huyện, thị xã, thành phố, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể các xã, phường, thị trấn thường xuyên tổ chức tuyên truyền lưu động và bằng các hình thức phù hợp tại các khu vực sông có tập trung đông người qua lại, các em học sinh đi học trên các tuyến sông, bến phà và các bến thủy nội địa phục vụ khách du lịch; phổ biến các quy định về an toàn giao thông đường thủy và hướng dẫn các chủ bến, người điều khiển phương tiện, hành khách chấp hành thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về đảm bảo TTATGT đường thủy, trang bị đầy đủ áo phao, dụng cụ cứu sinh trên các phương tiện. Thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp bến thuỷ nội địa, bến khách ngang sông, phương tiện và người điều khiển phương tiện thuỷ nội địa vi phạm quy định về đảm bảo TTATGT đường thuỷ nội địa trên địa bàn tỉnh; kiên quyết không để các phương tiện không đủ điều kiện hoạt động trên tuyến đường thủy nội địa.
Sở Nông nghiệp và PTNT: Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh (Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy) và các địa phương liên quan nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy định về quản lý các phương tiện thủy tại các hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh (Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy) và các địa phương liên quan kiểm tra, yêu cầu các địa phương chỉ đạo tháo dỡ ngay các đăng, rớ, đáy đánh bắt, nuôi trồng thủy sản lấn chiếm luồng và hành lang bảo vệ luồng chạy tàu, thuyền trên các tuyến sông.
Giao UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các Phòng, Ban chức năng: Phối hợp với UBND và các tổ chức đoàn thể cấp xã tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT đường thủy và quy định về đăng ký, đăng kiểm phương tiện thuỷ nội địa đến các tổ chức, cá nhân có phương tiện chưa được đăng ký, đăng kiểm trên địa bàn. Triển khai thực hiện việc đăng ký, quản lý các phương tiện thủy nội địa có động cơ tổng công suất máy chính từ 05 sức ngựa đến 15 sức ngựa hoặc có sức chở từ 05 người đến 12 người được quy định tại Khoản 3 Điều 8 Thông tư số 75/2014/TT-BGTVT ngày 19/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về đăng ký phương tiện thủy nội địa. Hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ cấp xã thực hiện đăng ký phương tiện thuỷ nội địa không có động cơ trọng tải toàn phần từ 1 tấn đến 15 tấn hoặc có sức chở từ 5 người đến 12 người, phương tiện có động cơ công suất máy chính dưới 5 sức ngựa hoặc có sức chở dưới 5 người theo quy định tại Khoản 4 Điều 8, Thông tư số 75/2014/TT-BGTVT ngày 19/12/2014 của Bộ Giao thông vận tải quy định về đăng ký phương tiện thuỷ nội địa. Kiểm tra, rà soát tất cả các bến thuỷ nội địa trên địa bàn. Đối với các vị trí đảm bảo đủ điều kiện hoạt động làm bến thủy nội địa phục vụ chở khách, vật liệu, hàng hóa chưa được cấp phép mở bến, hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu khai thác kinh doanh bến thuỷ nội địa trong việc lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động. Đối với các bến không đủ điều kiện hoạt động, chỉ đạo các Phòng chức năng phối hợp với UBND cấp xã kiên quyết giải tỏa nhằm đảm bảo TTAGT trên địa bàn.
Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn có tuyến sông và các hồ chứa thủy lợi, thủy điện: Tổ chức rà soát, lập danh sách chủ phương tiện, loại phương tiện thủy thuộc diện miễn đăng ký theo quy định; sức chở, mục đích sử dụng phương tiện; yêu cầu chủ phương tiện cam kết sử dụng đúng mục đích, trang bị áo phao, dụng cụ cứu hộ, không chở quá số người quy định. Tổ chức cho người dân có ghe, thuyền trên lòng hồ chứa nước, hồ thủy điện ký cam kết chấp hành thực hiện đúng các quy định của Luật Giao thông đường thủy, không chở quá số người, quá tải trọng ghe, thuyền theo quy định, không sử dụng phương tiện đánh bắt, nuôi trồng thủy sản trên các hồ vào chở khách du lịch,… Kiểm tra, kiên quyết tháo dỡ các công trình, vật dụng, phương tiện nuôi trồng, đánh bắt thủy sản lấn chiếm luồng và hành lang bảo vệ luồng chạy tàu trên các tuyến sông trên địa bàn. Tăng cường việc quản lý đối với các bến, phương tiện, người lái phương tiện thuỷ nội địa trong việc đảm bảo an toàn trong quá trình hoạt động. Đặc biệt là giám sát, nhắc nhở chủ phương tiện, người lái phương tiện chở khách du lịch, chở khách ngang sông chở đúng tải trọng, số người cho phép, trang bị đầy đủ trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn, hướng dẫn hành khách mặc đầy đủ áo phao và thực hiện các thao tác an toàn trong quá trình tham gia giao thông nhằm phòng ngừa, ngăn chặn tai nạn đáng tiếc xảy ra. Chủ tịch UBND cấp xã chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tai nạn giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn quản lý.
Công an các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về đăng ký, đăng kiểm phương tiện; quy định về điều kiện của thuyền viên, người lái phương tiện thuỷ nội địa./.