Thanh Hóa: Tăng cường công tác bảo đảm ATGT đối với các phương tiện thủy thô sơ

Thứ năm, 18/06/2020 07:59
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Để ngăn ngừa, hạn chế các vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường thủy, nhất là trong mùa mưa bão sắp tới, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Giám đốc các sở, trưởng các ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, UBND tỉnh đã có công văn yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) phòng ngừa TNGT đường thủy nội địa đối với các phương tiện thủy thô sơ tại các bến hành khách, bến khách ngang sông.

Ảnh minh họa

Theo đó, Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giao thông đường thủy nội địa, trong đó chú trọng tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại chúng và thông tin cơ sở (truyền thanh ở thôn, tổ dân phố, xã, phường, thị trấn), những quy định về điều kiện hoạt động của phương tiện, người điều khiển phương tiện thủy; quy định về trang bị và sử dụng áo phao cứu sinh, dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân trên phương tiện vận tải hành khách ngang sông và các phương tiện thô sơ, phương tiện thủy loại nhỏ; quy định về bảo đảm TTATGT đường thủy trong hoạt động vận tải khách bằng phương tiện thủy… nhằm nâng cao ý thức chấp hành cho người dân khi tham gia giao thông đường thủy nội địa.

Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền và thực hiện cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”, “Cảng, bến sông an toàn”… Tham mưu chính sách khuyến khích, tuyên dương, khen thưởng đối với tập thể, cá nhân có thành tích và phê bình, kỷ luật các tập thể, cá nhân có hành vi vi phạm, thiếu trách nhiệm trong công tác đảm bảo TTATGT đường thủy nội địa; Xây dựng kế hoạch kiểm tra hoạt động của các bến khách ngang sông trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố trước mùa mưa bão; báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh có văn bản để chấn chỉnh những địa phương chưa thực sự quan tâm sâu sát đến công tác an toàn giao thông đường thủy nội địa; Đôn đốc Ban An toàn giao thông các huyện, thị xã, thành phố thực hiện công tác thống kê, báo cáo số lượng phương tiện thô sơ có trọng tải toàn phần dưới 1 tấn, phương tiện có sức chở dưới 5 người và bè.

Công an tỉnh chủ trì phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm quy định pháp luật về TTATGT đường thủy nội địa, trong đó tập trung xử lý các hành vi vi phạm về chở quá số người cho phép chở, vi phạm quy định về việc đưa vào sử dụng và tham gia giao thông đối với phương tiện loại nhỏ, thô sơ (phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần từ 1 tấn đến 15 tấn hoặc có sức chở từ 5 người đến 12 người, phương tiện có động cơ công suất máy chính dưới 5 sức ngựa hoặc có sức chở dưới 5 người), phương tiện không đăng ký, đăng kiểm, không trang bị áo phao, cục nổi; bến thủy nội địa, bến khách ngang sông hoạt động khi chưa được cấp phép, người lái phương tiện thủy nội địa không có bằng, chứng chỉ chuyên môn theo quy định hoặc có bằng, chứng chỉ chuyên môn nhưng không phù hợp; đồng thời phối hợp tuyên truyền đảm bảo TTATGT đường thủy nội địa; Chỉ đạo Phòng Cảnh sát giao thông phối hợp với Chi cục Đăng kiểm số 12, Công ty cổ phần Quản lý đường thủy nội địa và Xây dựng giao thông Thanh Hóa tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác phối hợp liên ngành bảo đảm TTATGT đường thủy nội địa theo Quy chế phối hợp số 01/KHLN-CC12 ngày 16/4/2020 giữa Chi cục Đăng kiểm số 12, phòng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh và Công ty cổ phần Quản lý đường thủy nội địa và Xây dựng giao thông Thanh Hóa.

Sở Giao thông vận tải phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, tổng hợp số lượng phương tiện thủy nội địa chưa đăng kiểm, đăng ký; bến thủy nội địa, bến khách ngang sông chưa cấp phép hoạt động; tiếp tục thực hiện công tác đăng kiểm, đăng ký cho các phương tiện thủy nội địa, công tác cấp phép hoạt động bến thủy nội địa, bến khách ngang sông trên địa bàn tỉnh; Chỉ đạo Thanh tra giao thông phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra trên các tuyến sông kênh, các bến thủy nội địa, bến khách ngang sông, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các quy định về TTATGT đường thủy nội địa.

Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh, Đài truyền thanh các địa phương, Phòng văn hóa thông tin các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các trang chuyên mục, trang mục các phóng sự, bản tin… về chấp hành pháp luật ATGT đường thủy nội địa, thực hiện nếp sống “văn hóa giao thông đường thủy”

UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các quy định của pháp luật về TTATGT đường thủy nội địa đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn quản lý; lập đường dây nóng từ huyện đến cơ sở trong việc giám sát, thông tin hoạt động đảm bảo ATGT đường thủy; tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc các chủ phương tiện phải trang bị đầy đủ các dụng cụ cứu sinh, cứu đắm trên phương tiện, yêu cầu người tham gia giao thông trên các phương tiện thủy phải mặc áo phao hoặc đeo cục nổi; kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với các phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật, phương tiện hoạt động tự phát không được phép của các cơ quan chức năng, phương tiện không đăng ký, đăng kiểm; bến thủy nội địa, bến khách ngang sông không được cấp phép hoạt động; người lái phương tiện không có bằng, chứng chỉ chuyên môn, đặc biệt không cho phương tiện hoạt động trong điều kiện thời tiết xấu khi có sóng to, gió lớn, sương mù, lũ quét, lũ ống, nước sông dâng cao; chủ động theo dõi các bản tin dự báo thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng để có kế hoạch vận chuyển hành khách một cách an toàn; gắn trách nhiệm của người đứng đầu cấp xã, phường khi xảy ra tai nạn giao thông đường thủy trên địa bàn.

Rà soát và thực hiện công tác bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa đối với phương tiện thô sơ có trọng tải toàn phần dưới 1 tấn hoặc có sức chở dưới 5 người (Theo nội dung chỉ đạo tại Văn bản số 237/UBATGTQG ngày 21/5/2019 của Ủy ban ATGTQG về việc thực hiện công tác bảo đảm TTATGT đường thủy nội địa đối với phương tiện thô sơ có trọng tải toàn phần dưới 1 tấn hoặc sức chở dưới 5 người hoặc bè; Văn bản số 101/BATGT-VP ngày 10/6/2019 của Ban An toàn giao thông tỉnh về việc rà soát và tăng cường công tác đảm bảo TTATGT đường thủy nội địa đối với các phương tiện thô sơ có trọng tải toàn phần dưới 1 tấn, phương tiện có sức chở dưới 5 người và bè); thông tin, hướng dẫn và tổ chức cho các chủ phương tiện thô sơ, phương tiện thủy loại nhỏ ký cam kết sử dụng phương tiện đúng quy định; khi chở người phải có đủ chỗ ngồi ổn định, an toàn và có đủ dụng cụ cứu sinh tương ứng với số người trên phương tiện; không chở quá số người quy định, người đi trên phương tiện phải mặc áo phao cứu sinh hoặc sử dụng dụng cụ nổi cứu sinh; Đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”, trên các tuyến sông, địa bàn đường thủy trọng điểm; xây dựng và phát triển các mô hình văn hóa, văn minh, an toàn, khu dân cư, xóm làng an toàn…

Các đơn vị kinh doanh vận tải thủy nội địa; kinh doanh khai thác cảng, bến thủy nội địa, bến khách ngang sông; Đẩy mạnh tuyên truyền các quy của định pháp luật về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa trong cơ quan, đơn vị; chấp hành nghiêm các quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa; trang bị đầy đủ trang thiết bị cứu sinh, cứu đắm, cứu hỏa trên phương tiện theo đúng quy định; thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện để đảm bảo an toàn trong quá trình hoạt động; từ chối vận chuyển đối với hành khách không chấp hành các quy định về đảm bảo TTATGT đường thủy nội địa như: Không mặc áo phao, cầm cục nổi hoặc không chấp hành theo sự sắp xếp của nhân viên trên phương tiện.

kieuanh

Nguồn: Báo Thanh Hóa

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)