Theo đánh giá của Thượng tá Nguyễn Anh Thoa, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) - Công an tỉnh Tiền Giang, trong thời gian qua, số lượng vi phạm trước và sau khi thực hiện Tổng kiểm soát phương tiện giao thông đường bộ cho thấy, số vụ vi phạm về nồng độ cồn được phát hiện và xử lý tăng hơn so với thời gian trước đây.
Trong đợt toàn quốc Tổng kiểm soát phương tiện giao thông đường bộ từ ngày 15/5 đến ngày 14/6/2020, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, CSGT đã ra quân 2.967 ca kiểm soát phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, với hơn 8.500 lượt cán bộ, chiến sĩ (CB-CS) tham gia.
Qua đợt tổng kiểm soát cho thấy, lực lượng chức năng đã dừng 34.890 phương tiện để kiểm soát và đã phát hiện, xử lý 8.782 vụ vi phạm trật tự an toàn giao thông với tổng tiền phạt hơn 6,2 tỷ đồng. Các lỗi chủ yếu gây tai nạn giao thông gồm: 554 vụ vi phạm về tốc độ; 490 vụ vi phạm về nồng độ cồn; 343 vụ đi sai làn đường, phần đường; 307 vụ vi phạm về dừng, đỗ xe và 1 vụ vi phạm về ma túy.
Trong đó, riêng về xử lý nồng độ cồn đã phát hiện, phạt tiền, tạm giữ, tước Giấy phép lái xe 490 vụ, với tổng tiền phạt hơn 2,6 tỷ đồng. Cụ thể, khoảng 5 tháng đầu năm (từ ngày 1/1 đến ngày 14/5/2020), CSGT chỉ phát hiện và xử lý 1.087 vi phạm về nồng độ cồn. Trong khi từ ngày 15/5 đến ngày 14/6/2020, toàn tỉnh đã phát hiện và xử lý 490 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.
Thượng tá Nguyễn Anh Thoa cho biết, để nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông, trước đợt tổng kiểm soát phương tiện giao thông, Phòng CSGT đã chủ động tham mưu Ban Giám đốc Công an tỉnh về nội dung phục vụ cho việc tuyên truyền theo Luật Giao thông đường bộ, Luật Giao thông đường thủy nội địa, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt bằng hình thức tuyên truyền trực tiếp, lưu động hoặc qua tờ bướm.
Song song đó, Phòng CSGT còn tham mưu kế hoạch ra quân xử lý các trường hợp vi phạm theo Nghị định 100 của Chính phủ về lỗi nồng độ cồn. Bước đầu kế hoạch cho thấy tín hiệu tích cực, góp phần làm số vụ tai nạn giao thông có liên quan đến rượu, bia có chiều hướng giảm hơn trước. Qua đó, tạo tiền đề quan trọng từng bước nâng cao hơn nữa ý thức tự giác của người tham gia giao thông, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.