Tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Hồng Lĩnh yêu cầu: Các lực lượng chức năng mở đợt cao điểm xử lý vi phạm về Luật Giao thông đường bộ trong học sinh, sinh viên.
Siết chặt công tác xử lý, tăng cường phối hợp với nhà trường, gia đình và các tổ chức đoàn thể để giáo dục kỹ năng cho học sinh ngay từ “gốc” là những giải pháp trọng tâm nhằm bảo vệ con trẻ khi tham gia giao thông.
Xử lý triệt để vi phạm ATGT
Ngành chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý học sinh vị phạm quy định ATGT
Trước thực trạng đáng báo động về tình hình học sinh vi phạm ATGT, tỉnh Hà Tĩnh đã có công văn chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm về trật tự, ATGT đối với học sinh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh yêu cầu: Sở GD&ĐT, Công an tỉnh, các địa phương tăng cường đảm bảo ATGT trong học sinh, sinh viên, mở đợt cao điểm xử lý vi phạm về Luật Giao thông đường bộ trong học sinh, sinh viên.
Theo thông tin từ Phòng CSGT (Công an Hà Tĩnh), 6 tháng đầu năm 2020, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã xử phạt 1.985 học sinh vi phạm, lỗi chủ yếu là không đội mũ bảo hiểm, chưa đủ tuổi điều khiển xe máy...
Thượng úy Nguyễn Quốc Hoàng, Đội CSGT - Trật tự, Công an huyện Thạch Hà thông tin, chỉ tính riêng trong đợt ra quân tổng kiểm soát từ ngày 15/5 - 15/6, đơn vị đã xử lý 60 học sinh vi phạm. Gắn với xử phạt, CSGT huyện “cắm chốt” tại các điểm đèn tín hiệu giao thông, ứng trực tại tuyến quốc lộ 1A - nơi có số lượng lớn học sinh tham gia giao thông để giám sát, nhắc nhở.
Bên cạnh các biện pháp mà cơ quan chức năng áp dụng, theo nhiều ý kiến, việc phối hợp quản lý học sinh sau giờ học, tại nơi cư trú cần được quan tâm hơn nhằm góp phần giảm thiểu tình trạng trẻ em vi phạm.
Chị Trần Thị Hải - Phó Bí thư Huyện đoàn Lộc Hà đề xuất: “Không ít học sinh còn có tâm lý đối phó với lực lượng chức năng; chấp hành tốt quy định về ATGT tại các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ nhưng lại thường xuyên vi phạm khi đi vào đường thôn, ngõ xóm. Từ thực tế đó, tôi cho rằng, lực lượng công an, cán bộ đoàn, thôn xóm, tổ dân phố cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa để tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm không chỉ trên các tuyến đường lớn mà ngay tại các tuyến đường trong khu dân cư”.
Giáo dục về ATGT - phải vững từ “gốc”
Cần tạo ý thức khi tham gia giao thông cho trẻ em ngay từ nhỏ là ý kiến được đông đảo giáo viên đồng tình.
Cô Trần Thị Diệu Huyền - Hiệu trưởng Trường Mầm non Nguyễn Du Plus (TP Hà Tĩnh) khẳng định: “Qua lồng ghép giáo dục ATGT vào chương trình học với các mô hình trực quan sinh động, chúng tôi nhận thấy, các bé tương tác khá tốt, phản ứng nhanh với việc nhận biết các tín hiệu đèn, cách thức tham gia giao thông. Giáo dục ATGT ngay từ độ tuổi mầm non sẽ tạo cho trẻ ý thức, kỹ năng tự bảo vệ khi tham gia giao thông”.
Theo các chuyên gia giáo dục, muốn công tác giáo dục Luật Giao thông đường bộ đạt hiệu quả thì phải có lộ trình lâu dài. Giáo dục từ “gốc” đến “ngọn” là phương án “mưa dầm thấm lâu”, giúp học sinh nhận thức được tầm quan trọng của các quy tắc giao thông đường bộ; từ đó, hình thành thói quen chấp hành Luật Giao thông đường bộ ngay từ khi còn nhỏ.
Trước thực trạng vi phạm ATGT đang diễn ra phổ biến đối với học sinh bậc THCS, THPT (chiếm 70%), nhiều ý kiến cho rằng, cần tổ chức thường xuyên hơn các khóa học, cuộc thi giáo dục ATGT bổ ích.
Không chỉ học sinh, phụ huynh cũng cần được coi là đối tượng chính trong giáo dục ATGT. Thượng úy Nguyễn Quốc Hoàng trao đổi thêm: “Chúng tôi đã mời phụ huynh cùng nghe truyền tải pháp luật về ATGT với con em mình. CSGT thường xuyên tương tác với bậc cha mẹ thông qua hỏi đáp về luật ATGT. Việc tương tác trong các cuộc tuyên truyền đã giúp phụ huynh tích cực hơn trong việc tìm hiểu quy định ATGT để làm gương cho con em thay vì chỉ dặn suông như trước”. Theo nhiều ý kiến, cách làm này của Công an huyện Thạch Hà nên nhân rộng trong việc tuyên truyền, giáo dục ATGT thời gian tới.
Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, anh Phạm Hải Long (phường Bắc Hà - TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Quan điểm của tôi là bố mẹ phải giáo dục con trước khi giao trách nhiệm đó cho nhà trường, xã hội. Con cần được dạy cách nhận biết đâu là hành vi nguy hiểm và khi tham gia giao thông cùng con, cha mẹ nhất thiết phải làm gương để con noi theo”.
Một bước đi mới đang được đề xuất cần thực hiện mạnh mẽ hơn trong thời gian tới nhằm siết chặt giáo dục ATGT trong trường học đó là, từ năm học 2019-2020, ngành GD&ĐT đã tăng cường gắn trách nhiệm của người đứng đầu; xem xét đánh giá các tiêu chí thi đua đối với những cá nhân, đơn vị vi phạm.
Theo đó, các trường học để xảy ra tai nạn giao thông ở học sinh, sẽ tiến hành kiểm điểm trách nhiệm của ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm. Đồng thời, có hình thức biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác bảo đảm trật tự ATGT.
Bảo vệ trẻ em trước mối nguy tai nạn giao thông là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Với những giải pháp quyết liệt, tổng thể trong quản lý và giáo dục, cần hành động để chung tay tạo lập môi trường sống an toàn, lành mạnh cho những mầm non tương lai của đất nước.