Cao Bằng: Học sinh sử dụng xe gắn máy - nguy cơ tiềm ẩn TNGT

Thứ năm, 12/11/2020 07:56
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, số lượng xe máy có dung tích dưới 50 phân khối tăng khá nhanh. Theo quy định thì loại phương tiện này người từ 16 tuổi trở lên có thể điều khiển mà không cần phải có giấy phép lái xe, vì vậy nhiều gia đình đã lựa chọn làm phương tiện phục vụ cho con em đi lại. Nhưng thực trạng học sinh sử dụng xe gắn máy cho thấy tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông.

Nhiều học sinh điều khiển xe gắn máy
dưới 50 phân khối vi phạm trật tự an toàn giao thông

Hằng ngày, rất nhiều xe dung tích dưới 50 phân khối biển kiểm soát (BKS) AA lưu thông trên các tuyến đường, đặc biệt là trong giờ cao điểm. Tại các trường THPT trên địa bàn tỉnh, loại xe dưới 50 phân khối đang dần chiếm ưu thế và được nhiều học sinh sử dụng bởi những đặc tính vượt trội so với các loại xe đạp điện, xe máy điện như: không phải sạc điện, thay ắc quy, các học sinh THPT từ 16 tuổi trở lên đều có thể điều khiển được mà không cần có giấy phép lái xe.

Có mặt tại một số điểm trường THPT trên địa bàn Thành phố, loại xe dưới 50 phân khối và xe máy thông thường rất khó nhận ra bởi hình dáng xe và tốc độ tương đồng. Dù có dung tích thấp nhưng các loại xe này đều có thể di chuyển với tốc độ trên 60 km/giờ. Trong khi phần lớn học sinh điều khiển xe máy BKS AA chấp hành nghiêm chỉnh các quy định an toàn giao thông, cũng không hiếm gặp nhiều trường hợp vi phạm một cách ngang nhiên. Một số học sinh điều khiển xe máy BKS AA dàn hàng ngang, có em lái xe một tay, vừa đi vừa cười đùa…

Em Hoàng Văn Hướng, xã Hưng Đạo (Thành phố) chia sẻ: Em chưa đủ tuổi thi bằng lái xe nhưng em đủ tuổi để đi xe dưới 50 phân khối nên bố mẹ em mua cho xe để đi học. Đi xe đạp điện nếu hết điện phải dắt về, mua xe máy chỉ cần đổ xăng là đi được đường dài hơn.

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có gần 1.500 phương tiện xe gắn máy dưới 50 phân khối, trên 2.000 xe máy điện. Xe gắn máy chủ yếu được học sinh  từ 16 đến dưới 18 tuổi sử dụng. Luật Giao thông đường bộ cho phép người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi lanh dưới 50 phân khối mà không cần bằng lái xe, điều này cho thấy nhiều trường hợp điều khiển xe máy dưới 50 phân khối lại không có kỹ năng điều khiển và xử lý tình huống khi tham gia giao thông không tốt.

Đặc biệt trong thời gian qua, trên địa bàn Thành phố xuất hiện tình trạng nhiều nhóm thanh, thiếu niên điều khiển xe máy chạy thành từng đoàn với tốc độ cao, lạng lách, đánh võng, bốc đầu xe gây mất an toàn giao thông khiến dư luận bức xúc. Một thực trạng đáng báo động, nhiều trường hợp vi phạm các lỗi đặc biệt nguy hiểm này lại nằm trong độ tuổi dưới 18 tuổi.

Hiệu trưởng Trường THPT Thành phố Bế Thị Thúy cho biết: Trường THPT Thành phố rất chú trọng công tác tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho học sinh. Từ đầu năm học, nhà trường tổ chức cho học sinh ký cam kết chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ. Thường xuyên duy trì đội xung kích, thực hiện tốt mô hình “Cổng trường An toàn giao thông”.

Theo kế hoạch, trường thường xuyên tổ chức các chương trình ngoại khóa, các tiểu phẩm, tuyên truyền trực quan giúp học sinh nắm được kiến thức khi tham gia giao thông an toàn. Mong rằng, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của nhà trường, các bậc phụ huynh cũng cần nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, thường xuyên nhắc nhở con em mình chấp hành tốt các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông.

Việc thanh, thiếu niên, học sinh sử dụng, điều khiển xe gắn máy dưới 50 phân khối có nhiều bất cập vì người điều khiển xe BKS AA chưa được đào tạo kỹ năng lái xe, chưa hiểu Luật Giao thông đường bộ dẫn đến dễ vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông. Ðiển hình nhất là các lỗi: đi ngược chiều, lấn làn, đi vào làn đường dành riêng cho ô tô và nhất là không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông…

Theo Thượng tá Hoàng Văn Long, Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông Công an  tỉnh, việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đối với các phương tiện này gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, Ðiều 60 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi lanh dưới 50 phân khối. Thực tế có rất nhiều học sinh dưới 16 tuổi đã đi xe gắn máy dưới 50 phân khối đến trường và vi phạm các quy định về điều khiển giao thông đường bộ, tuy nhiên chế tài xử lý hiện còn nhiều bất cập.

Theo Ðiều 21, Nghị định số 46 của Chính phủ về xử phạt các hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới quy định rõ: Phạt cảnh cáo người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự xe mô tô hoặc điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô. Như vậy, người dưới 16 tuổi điều khiển phương tiện vi phạm sẽ không bị phạt tiền mà chỉ bị phạt cảnh cáo; còn từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thì phải nộp 50% tiền phạt áp dụng với người thành niên.

Để ngăn chặn tình trạng học sinh đi xe gắn máy dung tích xi lanh dưới 50 phân khối vi phạm Luật Giao thông đường bộ, gây tai nạn giao thông trong khi chế tài chưa đủ sức răn đe, ngoài nỗ lực của lực lượng chức năng thì trách nhiệm của nhà trường và các bậc phụ huynh rất quan trọng. Khi giao xe cho con em mình, các bậc phụ huynh phải hướng dẫn, giám sát chặt chẽ để tránh những hậu quả đáng tiếc.

kieuanh

Nguồn: Báo Cao Bằng

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)