“Xe dù, bến cóc” đã trở thành một vấn nạn nhức nhối trong hoạt động vận tải hành khách của Quảng Ninh từ nhiều năm qua. Vào dịp cuối năm, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, điều này đồng nghĩa với việc các nhà xe cũng phải tăng đầu xe, chuyến để đáp ứng nhu cầu của hành khách. Và đây cũng là thời điểm “xe dù, bến cóc” mọc ra nhiều hơn làm mất ANTT, ATGT, cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách.
Để tìm hiểu thực tế, chúng tôi đã dành thời gian để quan sát các phương tiện dừng, đỗ đón bắt khách trước cửa Bến xe khách Bãi Cháy (TP Hạ Long). Qua quan sát của phóng viên thì rất nhiều phương tiện sau khi rời bến đã ngay lập tức dừng bên ngoài bến để đón khách, thậm chí nhiều phương tiện đi thẳng vào trong tuyến đường gom và dừng ở đó rất lâu chờ bốc hàng hoá và cho khách lên.
Nhiều phương tiện dừng, đỗ đón khách không đúng quy định
Theo Trung tá Nguyễn Quốc Trình, Đội phó Đội CSGT số 2, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an tỉnh, rất khó xử lý những phương tiện vi phạm này vì các lái xe luôn bố trí người theo dõi từ xa, chỉ cần thấy lực lượng CSGT là thông báo cho nhau bỏ chạy. Hoặc nếu đỗ trong đường tránh khi bị kiểm tra lái xe cho rằng mình đỗ để cho khách đi vệ sinh, tìm kiếm đồ bị rơi…
Theo ghi nhận của chúng tôi, không chỉ những xe xuất phát từ các bến xe, xe chạy tuyến cố định mà những xe kinh doanh bên ngoài cũng hoạt động khá nhiều. Theo những lái xe thì xe nào chạy nhanh thì có cơ hội đón được nhiều khách hơn, do vậy các nhà xe cũng tranh thủ tăng tốc mỗi khi có thể, điều này tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT rất cao.
Anh Nguyễn Thế Chanh, lái xe khách tuyến cố định Thái Bình - Quảng Ninh, cho biết: Do bến xe xa khu vực trung tâm, không thuận tiện cho người dân đi lại, hơn nữa khách đi xe thường có thói quen vẫy xe dọc đường, trong khi đăng ký vào bến lượng khách không ổn định, đến giờ quy định dù không có khách cũng phải xuất bến nên nhiều lái xe vừa ra khỏi bến vẫn chạy vòng vo để đón thêm khách. Không những vậy, một số nhà xe còn có cả đội ngũ “cò khách” và kiêm cả nhiệm vụ “cảnh giới” khi phát hiện có lực lượng chức năng tuần tra kiểm soát là báo cho lái xe đi…
Để chấm dứt tình trạng “xe dù, bến cóc”, ngày 17/1/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 10/2020/NĐ-CP: Quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và có hiệu lực từ ngày 1/4/2020. Theo đó Nghị định số 10/2020/NĐ-CP có hiệu lực sẽ siết chặt quản lý, “xe dù, bến cóc”, xe hợp đồng hoạt động trá hình xe tuyến cố định và các đơn vị kinh doanh phần mềm nhưng lại điều hành người lái, giá cước vận tải... Ví dụ như tại khoản 4 Điều 6 và điểm b khoản 2 Điều 16 của Nghị định 10/2020/NĐ-CP đã có quy định đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng hợp đồng điện tử phải gửi hóa đơn điện tử của chuyến đi đến hành khách, người thuê vận tải và gửi thông tin hóa đơn điện tử về cơ quan thuế để quản lý chặt chẽ, hiệu quả hơn.
Việc xử lý hoạt động “xe dù, bến cóc”, xe hợp đồng “trá hình” tuyến cố định cần nhiều giải pháp đồng bộ, nhiều quy định đã được bổ sung để quản lý chặt chẽ đối với xe hợp đồng, du lịch tại Điều 7, Điều 8 của Nghị định 10/2020/NĐ-CP; trong đó có quy định như: “Phải được niêm yết (dán cố định) cụm từ “Xe hợp đồng” làm bằng vật liệu phản quang trên kính phía trước và kính phía sau xe; với kích thước tối thiểu của cụm từ “xe hợp đồng” là 6x20cm; phải có phù hiệu “Xe hợp đồng” và được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe…
Để giải quyết dứt điểm tình trạng “xe dù, bến cóc”, cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và các địa phương. Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng của tỉnh cũng cần thực hiện nghiêm việc thu hồi phù hiệu, dừng cấp phù hiệu xe hợp đồng cho các tổ chức, cá nhân có phương tiện vi phạm sử dụng xe hợp đồng để vận chuyển hành khách trong và ngoài tỉnh, qua đó góp phần lập lại trật tự ATGT, ngăn ngừa TNGT trên địa bàn tỉnh.