Để thực hiện có hiệu quả Nghị định 100 của Chính phủ và Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia cũng như chủ đề của năm ATGT 2020 “Đã uống rượu, bia không lái xe”, ngay từ những ngày đầu năm, Ban ATGT tỉnh chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch cũng như sâu sát, quyết liệt trong chỉ đạo lực lượng chức năng đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng về tác hại của rượu, bia khi lái xe, đồng thời tăng cường tuần tra kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nồng độ cồn.
Sau 1 năm thực hiện Luật và Nghị định 100 dần đi vào đời sống, ý thức và hành vi của người tham gia giao thông chuyển biến tích cực, góp phần kéo giảm TNGT trên cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và bị thương.
Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100 ra đời đã nhanh chóng được triển khai, áp dụng sâu rộng vào cuộc sống và đi vào thực tiễn một cách hiệu quả, thiết thực. Không chỉ qui định cụ thể đối với từng đối tượng như: Người chưa đủ 18 tuổi không được uống rượu, bia; sử dụng rượu, bia thì không được lái xe; cán bộ, công chức và người lao động không được uống rượu, bia trong giờ làm việc hay quy định khung giờ không được quảng cáo rượu, bia... Luật và Nghị định 100 còn qui định rõ mức xử phạt đối với các vi phạm liên quan đến nồng độ cồn, áp dụng cho cả người điều khiển xe đạp, xe thô sơ... Vì thế sau khi có hiệu lực, Luật và Nghị định 100 đã thực sự đi vào cuộc sống, góp phần không nhỏ kéo giảm TNGT trên cả 3 tiêu chí, đồng thời lan toả sâu rộng thông điệp “Đã uống rượu, bia không lái xe” đến người dân.
Năm 2020, mặc dù đời sống kinh tế-xã hội bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. Cùng với các cấp, ngành tích cực tham gia phòng, chống dịch, lực lượng CSGT toàn tỉnh vẫn chủ động, tăng cường nhiều giải pháp bảo đảm trật tự ATGT theo chủ đề của năm cũng như các chuyên đề, kế hoạch... của ngành đề ra. Nhờ đó tình hình trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến rõ rệt, đặc biệt nhận thức về tác hại của rượu, bia đối với lái xe được nâng lên. Anh Trần Đức Vĩ, lái xe taxi cho hay: Kể từ khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100 được triển khai, bản thân tôi cũng như anh, em lái xe trong công ty đều được quán triệt và tự giác chấp hành nghiêm theo qui định. Chủ trương đúng lại phù hợp với thực tế nên chúng tôi rất ủng hộ. Bởi tất cả cũng vì sự an toàn cho bản thân và mọi người khi tham gia giao thông.
Lực lượng chức năng kiểm tra nồng độ cồn và ma tuý
đối với lái xe lưu thông trên Quốc lộ 1A.
Theo báo cáo của Ban ATGT tỉnh, năm 2020 toàn tỉnh xảy ra 98 vụ TNGT, làm chết 72 người, làm bị thương 34 người. So với năm 2019 giảm 6 vụ (5,8%), giảm 8 người chết (10%), giảm 4 người bị thương (8,1%). Lực lượng chức năng toàn tỉnh lập biên bản và xử lý 24.775 trường hợp vi phạm, thu nộp Kho bạc Nhà nước hơn 32 tỷ đồng. Trong đó có 1.586 trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị xử lý. Số liệu thống kê này khẳng định sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả của lực lượng chức năng trong triển khai và thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là sự ủng hộ, đồng tình của đông đảo người dân trong triển khai, thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu và Nghị định 100 của Chính phủ.
Để ngăn chặn tình trạng “ma men” cầm tay lái, thời gian qua, Bắc Ninh đã triển khai thực thi nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ bằng các chuyên đề, kế hoạch gắn với quyết liệt xử lý người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm về nồng độ cồn, bảo đảm tính nghiêm minh, ứng xử văn minh, văn hoá khi tham gia giao thông. Bên cạnh việc xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, lực lượng chức năng cũng như các cơ quan thông tấn báo chí đều tăng cường đẩy mạnh tuyên truyền về Luật và Nghị định 100, tạo hiệu ứng tích cực trong xã hội, được người dân quan tâm và theo dõi thường xuyên trên mọi phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội, góp phần thay đổi nhận thức và hành vi tham gia giao thông của người dân.
Trên thực tế đã có nhiều ý kiến đề xuất giải pháp, chính sách có tính đổi mới như áp dụng giảm chỉ số nồng độ cồn đối với người điều khiển xe máy (sửa Nghị định 46 và Luật Giao thông đường bộ); tăng cường công tác kiểm tra nồng độ cồn ngẫu nhiên; tăng mức phạt tiền và bổ sung các hình phạt mới (Luật xử lý vi phạm hành chính, lao động công ích); tăng cường cảnh báo từ người thân trong gia đình; chương trình giáo dục cho người tái vi phạm… nhằm thay đổi nhận thức và hành vi. Ngoài ra, các giải pháp về công nghệ và dịch vụ như tăng cường dịch vụ taxi đưa người uống về nhà an toàn; khuyến khích sản xuất và tiêu thụ đồ uống có nồng độ cồn thấp hoặc không cồn; ứng dụng các phần mềm cảnh báo nồng độ cồn trên điện thoại thông minh…
Tuy nhiên, để chấm dứt tình trạng sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông vẫn cần lực lượng chức năng tăng cường, phối hợp đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp mạnh, quyết liệt trong thời gian dài tới. Theo ông Nguyễn Thanh Phương, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh thì ngoài việc tăng cường mức phạt và các hình thức phạt bổ sung đối với người điều khiển xe vượt quá nồng độ cồn cho phép…thì lực lượng chức năng và các cơ quan thông tấn báo chí cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng về tác hại của rượu, bia đối với lái xe, góp phần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, đưa Luật và Nghị định 100 đi vào cuộc sống.