Cao Bằng: Tăng cường tuyên truyền Luật GTĐB cho đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ ba, 19/01/2021 07:37
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Nhận thức pháp luật về an toàn giao thông trong một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tuy đã có bước chuyển biến nhưng vẫn còn hạn chế. Vì vậy, việc nâng cao nhận thức pháp luật, chấp hành quy định về Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) cho đồng bào DTTS luôn được lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) các địa phương trong tỉnh quan tâm.

Lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường tuyên truyền pháp luật
về giao thông cho học sinh là người dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa

Tình hình vi phạm pháp luật GTĐB trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh còn tiếp diễn phức tạp với các hành vi vi phạm chủ yếu như: Không đội mũ bảo hiểm, điều khiển phương tiện không có giấy phép, chở quá số người quy định, không có chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự. Đặc biệt, việc sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông còn phổ biến; ngày chợ phiên, lễ hội, bà con thường giao lưu, gặp gỡ, trò chuyện và “chúc nhau” bằng rượu… Đây là những nguyên nhân làm gia tăng số lượng và mức độ nghiêm trọng của các vụ va chạm, tai nạn giao thông.

Trước thực trạng đó, thời gian qua, lực lượng CSGT các cấp tăng cường thực hiện nhiều biện pháp nghiệp vụ; chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông cho quần chúng nhân dân nói chung, đặc biệt là đồng bào DTTS ở các xã vùng sâu, vùng xa nói riêng.

Lực lượng CSGT thường xuyên tuyên truyền bằng loa phát thanh tại các phiên chợ, các điểm tập trung đông dân cư. Tại các buổi tuyên truyền, cán bộ CSGT dành nhiều thời gian trả lời các câu hỏi của người dân về Luật GTĐB, cách phòng tránh các tình huống có thể xảy ra tai nạn khi tham gia giao thông, kỹ năng xử lý tình huống khi bị va chạm, tai nạn giao thông; vận động nhân dân thực hiện quy định "Đã uống rượu, bia, không lái xe".

Năm 2020, lực lượng CSGT các cấp phối hợp tổ chức tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông  120 lần/trên 37.000 lượt giáo viên, học sinh, quần chúng nhân dân; phát hơn 3.000 tờ rơi, cấp phát sổ tay “Đảm bảo an toàn giao thông nông thôn”; phối hợp với các trường học đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông và ký cam kết không vi phạm Luật GTĐB, nhất là các trường dân tộc nội trú.

Ủy ban MTTQ các cấp và tổ chức hội, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về GTĐB cho hội viên, đoàn viên, lồng ghép trong các hoạt động sinh hoạt cộng đồng, biểu diễn văn nghệ phục vụ đồng bào vùng cao, thông qua ngày hội “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại các xã.

Thực tế cho thấy, sau nỗ lực tuyên truyền, phần lớn đồng bào DTTS đã hiểu được tầm quan trọng trong chấp hành các quy định của pháp luật nói chung, trong đó có Luật GTĐB. Tuy nhiên, để Luật GTĐB thực sự trở thành nhận thức và biến thành hành động tích cực trong mỗi người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS cần sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, đoàn thể. 

Lực lượng CSGT Công an tỉnh với chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung làm tốt công tác điều tra cơ bản, xác định rõ phạm vi, đối tượng, tuyến, địa bàn, khu vực trọng điểm và hành vi vi phạm thường xảy ra, trên cơ sở đó tham mưu với cấp ủy, chính quyền, các ngành chỉ đạo quyết liệt nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS nâng cao sự hiểu biết, ý thức tự giác chấp hành Luật GTĐB.

Phát huy vai trò nòng cốt trong các hoạt động tuyên truyền, lực lượng CSGT cần tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ, kịp thời việc chỉ đạo, thực hiện chức năng của các cấp, ngành, cơ quan, tổ chức, đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để rút kinh nghiệm; kịp thời khắc phục những bất cập trong tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS chấp hành pháp luật GTĐB. Đổi mới nội dung, biện pháp, hình thức tuyên truyền, vận động theo hướng thiết thực, cụ thể, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện, phù hợp với đặc điểm, nhận thức của đồng bào DTTS trên địa bàn.

Chú trọng xây dựng quy chế phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trong hoạt động tuyên truyền, vận động giữa cơ quan công an, trực tiếp là lực lượng CSGT với các cơ quan, tổ chức nhằm nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, triển khai đồng bộ các chương trình, kế hoạch, phương án tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS chấp hành pháp luật GTĐB.

Thường xuyên kết hợp giữa tuyên truyền, vận động với xây dựng điển hình tiên tiến, nòng cốt là các già làng, trưởng bản, người có uy tín tại các xóm, bản, kịp thời động viên, khen thưởng những đóng góp của đội ngũ này cũng như bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông, nghiệp vụ nắm tình hình, kỹ năng tuyên truyền, vận động các cá nhân để làm hạt nhân trong tuyên truyền, động viên, khích lệ đồng bào tự giác chấp hành Luật GTĐB.

Đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật,  nghiệp vụ cũng như bồi dưỡng nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật, nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền, vận động cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ CSGT trực tiếp làm nhiệm vụ, tạo điều kiện để lực lượng CSGT thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS, góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu kiềm chế, giảm thiểu tai nạn và vi phạm pháp luật về giao thông trên địa bàn tỉnh, xây dựng văn hóa khi tham gia giao thông.

kieuanh

Nguồn: Báo Cao Bằng

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)