Thanh Hóa: Nhìn lại 1 năm việc thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100

Thứ tư, 03/02/2021 07:41
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Qua một năm thực hiện, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP (Nghị định số 100) của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã tạo sức răn đe đối với các trường hợp vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông. Đây được xem là “liều thuốc” để trị căn bệnh “nhờn” luật và ngăn chặn các vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông (TNGT)...

Lực lượng CSGT, Công an tỉnh kiểm tra vi phạm nồng độ cồn
trên tuyến Quốc lộ 1A, đoạn qua huyện Quảng Xương

Nghị định 100 thay thế Nghị định 46/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/1/2020, quy định mức xử phạt cao hơn nhiều đối với nhiều vi phạm giao thông. Đáng chú ý, nghị định mới tăng mức xử phạt tối đa đối với các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn. Cụ thể, đối với người điều khiển xe ô tô vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất, phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.

Theo đó, điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt từ 6 - 8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng đối với người điều khiển xe mô tô. Một điểm mới nữa được quy định trong Nghị định 100 là người điều khiển xe đạp, xe thô sơ vi phạm như trên sẽ bị phạt từ 400 - 600 ngàn đồng...

Theo thống kê của Ban An toàn giao thông tỉnh Thanh Hóa, trong năm 2020, trên địa bàn tỉnh xảy ra 403 vụ TNGT làm chết 148 người, bị thương 343 người. So với cùng kỳ 2019 giảm 73 vụ TNGT (giảm 15,3%), giảm 11 người chết (giảm 7%), giảm 61 người bị thương (giảm 15%). Điều này thể hiện rõ những hiệu quả tích cực trong công tác tuyên truyền, xử lý nồng độ cồn, đảm bảo trật tự an toàn giao thông của các lực lượng chức năng. Có thể nói, với quy định mới về mở rộng các đối tượng và tăng mức xử phạt vi phạm đối với hành vi sử dụng rượu, bia khi lái xe đã có tác động rất lớn đối với người tham gia giao thông, nhất là ý thức tự giác chấp hành tham gia giao thông của người dân.

Điểm nổi bật của Nghị định 100 so với các nghị định, quy định khác trước đây trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông là bổ sung, mô tả, làm rõ hơn các hành vi vi phạm, nâng cao mức phạt đối với các hành vi trực tiếp là nguyên nhân xảy ra các TNGT. Thực tế có thể thấy, việc nâng mức xử phạt đã tạo sự răn đe, lời cảnh báo có sức nặng đối với người có ý định vi phạm pháp luật trong lĩnh vực an toàn giao thông. Tuy vậy, bên cạnh mức xử phạt nặng, để Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia cũng như Nghị định 100 tiếp tục phát huy hiệu quả và để trật tự an toàn giao thông được bảo đảm một cách bền vững thì điều cốt yếu là tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật về giao thông của các tầng lớp Nhân dân. Khi người dân hiểu rằng đã uống rượu, bia thì không lái xe, từ đó hình thành một nét văn hóa mới trong sử dụng phương tiện giao thông.

Anh Mai Văn Hưng, thị trấn Triệu Sơn (Triệu Sơn) chia sẻ: “Do công việc thường xuyên di chuyển và tiếp xúc nhiều người nên trước đây tôi thường nhậu và sau đó tự điều khiển xe về nhà. Thế nhưng, từ khi Nghị định 100 có hiệu lực, tôi đã gọi taxi hoặc nhờ bạn chở về để tránh gây TNGT và nguy cơ bị cảnh sát giao thông xử phạt”.

Cùng với những điểm mới quy định về nồng độ cồn... nghị định mới cũng sửa đổi quy định về xử phạt trong trường hợp hành vi vi phạm được phát hiện thông qua sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ. Theo đó, chủ phương tiện có trách nhiệm hợp tác với lực lượng chức năng khi phương tiện có liên quan đến hành vi vi phạm, nếu không hợp tác, không chứng minh hoặc giải trình được mình không phải là người đã điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm thì bị xử phạt theo quy định đối với hành vi vi phạm được phát hiện.

Để thực hiện có hiệu quả Nghị định 100, phòng chức năng của Công an tỉnh và công an các huyện, thị xã, thành phố huy động tối đa lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phối hợp tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm. Xây dựng các kế hoạch chuyên đề như tổng kiểm soát phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; kế hoạch tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm của người điều khiển xe trên đường mà trong người có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn; kế hoạch xử lý vi phạm làn đường, tốc độ... Qua đó, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhất là lỗi nguy cơ dẫn đến tai nạn nhằm hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ xảy ra va chạm, TNGT, góp phần ổn định trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn.

Theo đánh giá của Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh: Trong các kế hoạch, phòng cũng quan tâm xây dựng chuyên đề xử lý vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, vì đây là một trong những lỗi khá phổ biến của người tham gia giao thông thời gian qua. Song song với đó, Phòng Cảnh sát giao thông cũng tăng cường phối hợp với đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, như: tuyên truyền miệng, treo băng rôn trên các tuyến giao thông, tuyên truyền thông qua tuần tra, kiểm soát; tuyên truyền Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Nghị định 100 của Chính phủ; nguyên nhân, hậu quả của TNGT... Qua đó, góp phần nâng cao ý thức của nhiều người khi tham gia giao thông.

Theo thống kê của Ban An toàn giao thông tỉnh, năm 2020, lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã xử phạt 5.111 trường hợp vi phạm nồng độ cồn với số tiền nộp kho bạc Nhà nước gần 20 tỷ đồng. Con số này thể hiện sự quyết liệt của lực lượng chức năng trong khi làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, nó cũng thể hiện thực tế là lỗi vi phạm nồng độ cồn vẫn còn ở mức cao. Hiện Cục Cảnh sát giao thông đã ban hành kế hoạch trung hạn giai đoạn 2019-2021 về công tác tuyên truyền và phổ biến pháp luật an toàn giao thông. Do đó, trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, bên cạnh việc xử phạt nghiêm vi phạm nồng độ cồn, các cấp, các ngành địa phương cần tăng cường hơn nữa các biện pháp tuyên truyền cho phù hợp với từng đối tượng vùng, miền, khu vực dân cư. Tập trung tuyên truyền vào các nhóm đối tượng điều khiển mô tô, xe khách, xe tải và container, những đối tượng có nguy cơ cao. Đồng thời, cần huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và trách nhiệm của toàn xã hội để hướng tới sự thay đổi hành vi của người dân nhằm hạn chế tối đa TNGT do rượu bia gây ra.

kieuanh

Nguồn: Báo Thanh Hóa

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)