Sau 1 năm triển khai Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, tình hình TNGT trên cả nước cũng như trên địa bàn tỉnh có những chuyển biến tích cực. TNGT giảm cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết và bị thương. TNGT giảm 6 vụ (5,8%), giảm 8 người chết (10%), giảm 4 người bị thương (8,1%) so với năm 2019. Hiệu quả kéo giảm TNGT sau khi thắt chặt xử lý vi phạm nồng độ cồn cho thấy rượu, bia chính là nguyên nhân hàng đầu của TNGT. Vì thế thông điệp “Đã uống rượu, bia không lái xe” cần tiếp tục được lan toả mạnh mẽ vào nếp nghĩ, hành động của mỗi người, góp phần bảo vệ an toàn cho bản thân, gia đình và xã hội.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tác hại của rượu, bia liên quan đến TNGT là nghiêm trọng, đặc biệt đáng báo động ở các nước đang phát triển, nơi số lượng tiêu thụ rượu, bia tăng cao. Số liệu thống kê tại Việt Nam cho thấy khoảng 40% các vụ TNGT (trong đó có 11% tử vong) liên quan đến rượu, bia. Hành vi uống rượu bia rồi lái xe hiện rất phổ biến bất chấp các qui định pháp luật hiện hành.
Theo thống kê từ năm 2019, tỉ lệ thực khách tự điều khiển phương tiện sau khi uống rượu bia chiếm tỷ lệ 68% (xe máy 62%, ô tô 6%). Khoảng 40% người đi uống rượu ra về trong tình trạng bị say. Tỉ lệ vi phạm Luật Giao thông đường bộ rất cao, cụ thể 36% không bật xi nhan khi sang đường, 26% đi ngược chiều… Tỉ lệ xe máy trong các vụ TNGT do uống rượu, bia chiếm từ 70-80% số vụ, trong đó tỉ lệ nam giới gây ra là 80-90%.
Ảnh minh họa
Tại Bắc Ninh mặc dù thời gian qua, các cấp, ngành chức năng trong tỉnh cũng triển khai thực thi nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ bằng các chuyên đề, kế hoạch gắn với quyết liệt xử lý người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm về nồng độ cồn, bảo đảm tính nghiêm minh, ứng xử văn minh, văn hoá khi tham gia giao thông. Trong năm 2020, lực lượng CSGT toàn tỉnh lập biên bản xử lý 1.586 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, 15 trường hợp sử dụng ma túy. Chỉ riêng trong tháng 1/2021, lực lượng chức năng xử lý tới 171 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.
Tuy nhiên, theo Ban ATGT tỉnh thì đây vẫn chỉ là số liệu bề nổi, bởi thực tế số người vi phạm quy định Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia chắc chắn còn lớn hơn nhiều.
Ai cũng biết, uống rượu, bia rồi điều khiển phương tiện là hành vi nguy hiểm cho bản thân cũng như người tham gia giao thông, nhưng rất nhiều người phớt lờ những lời cảnh tỉnh, răn đe về tác hại của rượu bia, nhất là đối tượng thanh niên trong dịp lễ, Tết và mùa lễ hội. Để ngăn chặn, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia thì lực lượng chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra nồng độ cồn ngẫu nhiên; tăng mức phạt tiền và bổ sung các hình phạt mới (Luật xử lý vi phạm hành chính, lao động công ích); nâng cao hiệu quả vai trò cảnh báo từ người thân trong gia đình… để thay đổi nhận thức và hành vi. Ngoài ra, các giải pháp về công nghệ và dịch vụ như tăng cường dịch vụ taxi đưa người uống về nhà an toàn; khuyến khích sản xuất và tiêu thụ đồ uống có nồng độ cồn thấp hoặc không cồn; ứng dụng các phần mềm cảnh báo nồng độ cồn trên điện thoại thông minh… cũng cần sớm được triển khai đồng bộ, hiệu quả.
Bên cạnh hành lang pháp lý, cách tiếp cận trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự ATGT cũng cần có chuyển biến mạnh mẽ, bắt nhịp với xu hướng phát triển của xã hội nhằm lan tỏa sâu rộng, tạo hiệu ứng tích cực, thực chất trong toàn xã hội. Không chỉ đa dạng hóa hình thức tuyên truyền mà nội dung còn phải thiết thực, dễ hiểu, dễ nhớ bằng những hình ảnh minh họa sống động, bắt mắt; khẩu hiệu tuyên truyền cần ngắn ngọn, súc tích nhưng vẫn hàm chứa đầy đủ nội dung cần chuyển tải, như: “Tính mạng con người là trên hết”, “Đã uống rượu, bia không lái xe”, “An toàn giao thông - trách nhiệm của mỗi người”, “Đội mũ cho con - Trọn tình cha mẹ”…
Ông Nguyễn Thanh Phương, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh nhận định: Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc tuyên truyền phổ biến pháp luật đến với người dân, thời gian qua Ban ATGT tỉnh cũng đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền. Từ treo băng zôn, khẩu hiệu trên các tuyến đường trọng điểm đến phát tờ rơi, sân khấu hoá các buổi tuyên truyền… Đặc biệt, Ban ATGT tỉnh còn tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng Luật Giao thông, nhất là Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia tới các địa bàn khu dân cư, khu công nghiệp, trong các nhà trường, trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội… Nhờ đó Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia dần đi vào cuộc sống làm thay đổi nhận thức, hành động và thói quen của người dân trong tham gia giao thông. Tuy nhiên đây mới chỉ là kết quả bước đầu, thời gian tới, cần những giải pháp quyết liệt, căn cơ hơn nữa theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”. Tuy nhiên để Luật thực sự đi vào cuộc sống thì mỗi người hãy cùng nhau chia sẻ thông điệp “Đã uống rượu, bia không lái xe”, cùng nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự ATGT nhằm tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng về văn hóa giao thông an toàn, văn minh.