Mặc dù ngay từ đầu năm, Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh Lâm Đồng cũng như các sở, ngành, địa phương đã đề ra nhiều giải pháp nhằm đảm bảo trật tự ATGT cho năm 2021, nhưng 2 tháng đầu năm 2021 trên địa bàn tỉnh, tình hình tai nạn giao thông có những diễn biến vô cùng phức tạp.
Đo nồng độ cồn
Theo đó, để đạt được mục tiêu tỉnh đề ra là giảm cả 3 mặt, trong đó giảm ít nhất 5% số người chết vì tai nạn giao thông so với năm 2020, không để xảy ra ùn tắc giao thông trên địa bàn tỉnh và thực hiện chủ đề năm ATGT 2021, Ban ATGT tỉnh Lâm Đồng đã phải tổ chức cuộc họp để đề ra các giải pháp thực hiện, nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác đảm bảo ATGT trên địa bàn tỉnh.
Tai nạn giao thông tăng đột biến
Theo thống kê của Ban ATGT tỉnh Lâm Đồng, từ 15/12/2020 đến 28/2/2021, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 36 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm 25 người chết, 21 người bị thương, tăng 89,47% (tương đương 17 vụ) so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, va chạm giao thông xảy ra 2 vụ, làm bị thương 1 người; TNGT ít nghiêm trọng 10 vụ, 10 người bị thương; TNGT nghiêm trọng là 23 vụ, 23 người chết, 10 người bị thương; TNGT rất nghiêm trọng 1 vụ, 2 người chết. Đặc biệt, trong nửa tháng trở lại đây, tình hình TNGT trên địa bàn tỉnh tiếp tục có những diễn biến rất phức tạp, một số vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra liên tục trên địa bàn. Trong đó, Đức Trọng là địa phương được ghi nhận có tỷ lệ TNGT tăng đột biến với nhiều vụ nghiêm trọng nhất (12 vụ), làm 8 người chết.
Có thể kể ra những vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra gần đây như: các vụ TNGT tại Km 100+300, Quốc lộ 20 và tại Km 97+700, Quốc lộ 20 trên đèo Bảo Lộc, vụ TNGT tại Km 217, Quốc lộ 20 thuộc địa bàn huyện Đức Trọng, vụ TNGT tại khu vực cửa ngõ vào thành phố Đà Lạt...
Có rất nhiều nguyên dân dẫn đến việc TNGT tăng đột biến, trong đó có các nguyên nhân rất căn cơ cũng đã được chỉ ra, đó là do chưa thực hiện được các biện pháp quyết liệt để triển khai thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Số trường hợp vi phạm nồng độ cồn vẫn còn chiếm tỷ lệ cao trong tổng số trường hợp vi phạm về trật tự ATGT. Ngoài ra, những tháng gần đây, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID -19 nên công tác phòng, chống vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông còn hạn chế, vì khi tổ chức kiểm soát chuyên đề về vi phạm nồng độ cồn, đòi hỏi phải huy động nhiều cán bộ cảnh sát, trong đó có lực lượng Cảnh sát giao thông cùng tham gia nên công tác tuần tra, kiểm soát cũng chịu những ảnh hưởng nhất định.
Trên một số tuyến đường, chưa giải quyết, khắc phục kịp thời các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT, đặc biệt là trên đèo Bảo Lộc, một số đoạn qua huyện Di Linh trên Quốc lộ 20, một số điểm đấu nối trái phép trên cao tốc Liên Khương - Prenn. Việc khảo sát, kiến nghị các điểm bất hợp lý về tổ chức giao thông trên các tuyến đường tỉnh, đường đô thị vẫn còn hạn chế dẫn đến chậm khắc phục.
Hạn chế TNGT mức thấp nhất
Để đạt được mục tiêu tỉnh đề ra là giảm cả 3 mặt, trong đó giảm ít nhất 5% số người chết vì TNGT so với năm 2020, không để xảy ra ùn tắc giao thông trên địa bàn tỉnh và thực hiện chủ đề Năm ATGT 2021; Ban ATGT tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo các sở, ngành, đoàn thể thuộc tỉnh và các địa phương cần tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp, nhiệm vụ đã nêu tại Thông báo số 18/TB-UBND ngày 22/1/2021 của UBND tỉnh về Kết luận của đồng chí Trần Văn Hiệp - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban ATGT tại Hội nghị trực tuyến công tác bảo đảm trật tự, ATGT trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng năm 2020, phương hướng nhiệm vụ năm 2021.
Đồng thời, căn cứ tình hình thực tế công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong những tháng đầu năm, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể thuộc tỉnh và các địa phương tiếp tục quan tâm chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác đảm bảo trật tự ATGT. Xem đây không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành hay đơn vị nào mà là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, của toàn xã hội. Thực hiện tốt chủ đề Năm ATGT 2021 “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật bảo đảm trật tự ATGT”.
Song song đó, quan tâm, đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với thực tiễn, đẩy mạnh tuyên truyền trực quan. Đầu tư xây dựng, sửa đổi nội dung tuyên truyền trên hệ thống pano tuyên truyền ATGT toàn tỉnh, bảo đảm nội dung phù hợp với chủ đề Năm ATGT 2021 và trực quan, sinh động.
Các địa phương chú trọng nhân rộng các mô hình, tổ tự quản về ATGT, tuyên truyền tập trung đối với số thanh niên cá biệt, lái xe kinh doanh vận tải vi phạm. Chủ động nắm bắt dư luận xã hội để tuyên truyền có định hướng vào các vấn đề “nóng” mà dư luận quan tâm, nhất là kết quả xử lý vi phạm nồng độ cồn, tốc độ, quá tải, xử lý vi phạm qua camera để tăng tính phòng ngừa xã hội.
Tỉnh cũng chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hệ thống camera giám sát trên Quốc lộ 20 và TP Đà Lạt. Khảo sát, triển khai xây dựng hệ thống camera giám sát giao thông đèo Bảo Lộc. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện việc lắp đặt 3 màn hình LED trên tuyến Quốc lộ 20. Tiến hành khảo sát có hệ thống các tuyến đường đô thị để có phương án cụ thể điều hòa, phân luồng phương tiện khi xảy ra ùn tắc giao thông. Kiểm tra, khắc phục kịp thời các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT. Khảo sát, kiến nghị kịp thời các điểm bất hợp lý về tổ chức giao thông trên các tuyến đường tỉnh, đường đô thị.
Đặc biệt, trong những tháng còn lại của năm 2021, cần có kế hoạch phân công lực lượng thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm phù hợp với tình hình thực trạng các tuyến, địa bàn; bảo đảm việc tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm được thường xuyên, liên tục, khép kín địa bàn. Tăng cường sử dụng camera, máy đo tốc độ để xử lý vi phạm qua hình ảnh, nhằm tăng cường tính răn đe và nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông. Xử lý nghiêm các hành vi chạy quá tốc độ, lạng lách, đánh võng, sử dụng rượu bia; chủ động ngăn chặn, kiên quyết không để xảy ra tình trạng đua xe. Trọng tâm là kiểm soát vi phạm nồng độ cồn, ma túy, tải trọng phương tiện; phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng tụ tập điều khiển xe mô tô gây rối trật tự công cộng, đua xe trái phép.
Phối hợp với ngành chức năng quản lý các doanh nghiệp vận tải, khai thác dữ liệu từ thiết bị hành trình để giám sát, xử lý vi phạm tốc độ, lộ trình xe ô tô kinh doanh vận tải. Yêu cầu các đơn vị vận tải tuân thủ quy tắc giao thông, phòng ngừa tai nạn trên các tuyến đường đèo, dốc, cung đường thường xảy ra TNGT. Phối hợp xử lý không để diễn ra tình trạng “xe dù”, “bến cóc” gây mất ATGT.