Phú Thọ: Quyết liệt đảm bảo trật tự an toàn giao thông

Thứ sáu, 19/03/2021 14:27
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt đã đi vào cuộc sống, tạo thành hành lang pháp lý chặt chẽ với chế tài xử phạt nghiêm minh, có tính răn đe, bước đầu thu được hiệu quả trong công tác đảm bảo an ninh trật tự và an toàn giao thông (ATGT).

Lực lượng CSGT Công an huyện Thanh Ba thực hiện kiểm tra
  giấy tờ người điều khiển phương tiện xe máy. 

Nâng cao nhận thức của người tham gia giao thông

Xác định công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT là nhiệm vụ quan trọng, thời gian qua, các cấp, các ngành chức năng của tỉnh đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân khi tham gia giao thông. Là lực lượng nòng cốt trong công tác tuyên truyền, năm qua, Công an tỉnh Phú thọ đã phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức 290 buổi tuyên truyền về trật tự ATGT với trên 350 ngàn lượt người tham gia, tập trung vào các đối tượng như học sinh, sinh viên, cán bộ, công nhân, nông dân…; vận động  trên 10 ngàn người ký cam kết chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ, đường thủy nội địa và Luật Phòng chống tác hại của rượu bia... Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật được thực hiện đồng bộ, công tác đảm bảo trật tự ATGT được quan tâm thực hiện có chiều sâu; nội dung và hình thức tuyên truyền đa dạng, phù hợp với đặc điểm từng đối tượng, địa bàn. 

Anh Nguyễn Thành Nam, thị trấn Hạ Hòa, huyện Hạ Hòa chia sẻ: “Qua công tác tuyên truyền, bản thân tôi và mọi người luôn ý thức khi tham gia giao thông đều phải chấp hành nghiêm các quy định về bảo đảm trật tự ATGT, không vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện… để đảm bảo an toàn cho mình và gia đình, góp phần xây dựng xã hội văn minh hơn, tốt đẹp hơn. Thực hiện an toàn giao thông chính là một nét đẹp văn hóa cần được duy trì và nhân rộng thường xuyên”.

Trung tá Dương Trung Phúc - Đội trưởng Đội cảnh sát giao thông, Công an huyện Hạ Hòa khẳng định: Mặc dù mới được ban hành hơn 1 năm nhưng Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ đã thực sự đi vào cuộc sống, tạo chuyển biến mạnh mẽ và góp phần thay đổi ý thức của người tham gia giao thông. Nghị định không những mang lại hiệu quả răn đe đối với người tham gia giao thông mà còn nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo quần chúng nhân dân.

Điểm nổi bật của Nghị định 100 so với các nghị định, quy định khác trước đây trong lĩnh vực trật tự ATGT là bổ sung, mô tả, làm rõ hơn các hành vi vi phạm, nâng cao mức phạt đối với các hành vi trực tiếp là nguyên nhân xảy ra các TNGT. Việc nâng mức xử phạt đã tạo sự răn đe, lời cảnh báo có sức nặng đối với người có ý định vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ATGT. Tuy nhiên, bên cạnh mức xử phạt nặng, để Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia cũng như Nghị định số 100 tiếp tục phát huy hiệu quả và để trật tự ATGT được bảo đảm một cách bền vững thì điều cốt yếu là tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật về giao thông của các tầng lớp nhân dân, giúp người dân hiểu rằng đã uống rượu, bia thì không lái xe, từ đó hình thành một nét văn hóa mới trong sử dụng phương tiện giao thông. 


Cán bộ, chiến sỹ Đội CSGT đường bộ số 2, Phòng CSGT Công an tỉnh
thực hiện nhiệm vụ kiểm tra nồng độ cồn.

Kiên quyết xử lý các vi phạm

Với đặc thù địa bàn miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, địa bàn rộng, thực hiện Nghị định số 100, lực lượng Cảnh sát giao thông huyện Thanh Sơn đã ra quân quyết liệt, tạo sự tác động, làm thay đổi ý thức của người tham gia giao thông. Đại úy Nguyễn Thành Trung - Phó Đội trưởng Đội CSGT trật tự, Công an huyện Thanh Sơn cho biết: Công tác bảo đảm trật tự ATGT đã được huyện triển khai mạnh mẽ, Cảnh sát giao thông tăng cường kiểm tra khép kín trên địa bàn, đồng loạt kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp TNGT, đặc biệt xử lý vi phạm về nồng độ cồn. Việc thay đổi nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự ATGT của quần chúng nhân dân được xem là kết quả quan trọng nhất và thực sự có ý nghĩa rất lớn.

Cùng với việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATGT, công tác xử lý vi phạm cũng đóng vai trò không nhỏ trong việc hình thành ý thức tự giác của người tham gia giao thông. Năm 2020, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã phát hiện, lập biên bản xử lý trên 73.500 trường hợp vi phạm, phạt tiền trên 61,6 tỷ đồng. Trong đó, các chuyên đề đã được triển khai tích cực như: Xử lý người điều khiển phương tiện mà trong cơ thể có chất ma tuý, vi phạm nồng độ cồn (phát hiện 5 trường hợp trong cơ thể có chất ma tuý, phạt tiền 93,5 triệu đồng; 7.552 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền trên 29 tỷ đồng, tạm giữ 7.973 phương tiện). Lực lượng chức năng đã kiên quyết xử lý nghiêm đối với những trường hợp này nhằm tạo tính răn đe, chống tái vi phạm.

Thượng tá Ngô Tuấn Dũng - Trưởng phòng CSGT, Công an tỉnh Phú Thọ cho biết: Quán triệt thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Công an tỉnh đã tập trung chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông thực hiện quyết liệt các biện pháp bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh; bố trí lực lượng tuần tra 24/24 giờ, khép kín tuyến, địa bàn; tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề như: Xử lý vi phạm của người điều khiển phương tiện giao thông mà trong cơ thể có chất ma túy, nồng độ cồn; tổng kiểm soát phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; phòng chống đua xe trái phép; kiểm soát, xử lý tải trọng xe trên đường bộ; thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Nhờ quyết liệt thực hiện Nghị định 100, số vụ tai nạn giao thông (TNGT) năm 2020 giảm 47 vụ so với năm 2019, TNGT nghiêm trọng giảm 17 vụ. Tình hình TTATGT trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần phục vụ có hiệu quả cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội trên địa bàn tỉnh. 

Đến nay, Nghị định 100 của Chính phủ đã thực sự đi vào cuộc sống. Việc phối hợp và chấp hành tốt pháp luật về trật tự ATGT chính là biện pháp hiệu quả nhất để bảo vệ cho chính mình và cộng đồng. Thực hiện nghiêm Nghị định 100 của Chính phủ và xây dựng văn hóa giao thông lành mạnh chính là con đường ngắn nhất để góp phần hạn chế các vụ TNGT, giảm bớt những hệ lụy không đáng có trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh sự nỗ lực của lực lượng chức năng và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người tham gia giao thông cần nâng cao hơn nữa ý thức trong việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ, nhất là hình thành văn hóa giao thông: “Đã uống rượu, bia thì không lái xe”.

hoavt

Nguồn: Báo Phú Thọ

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)