Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện phong trào thi đua đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) giai đoạn 2016-2020 và phát động thi đua giai đoạn 2021-2025; tổng kết công tác đảm bảo trật tự ATGT năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước nhấn mạnh, công tác đảm bảo trật tự ATGT, kiềm chế tai nạn giao thông (TNGT) là nhiệm vụ chung của các cấp chính quyền, ngành và toàn xã hội, do đó các đơn vị, địa phương phải coi đó là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng, thể hiện quyết tâm kiềm chế TNGT ở mức thấp nhất…
Theo Ban ATGT tỉnh An Giang, giai đoạn 2016-2020, TNGT trên địa bàn tỉnh xảy ra 423 vụ, làm 408 người chết và 209 người bị thương, thiệt hại tài sản khoảng 11 tỷ đồng. So cùng kỳ giai đoạn 2011-2015, giảm 159 vụ, giảm 116 người chết và giảm 165 người bị thương. Để đảm bảo trật tự ATGT, ngoài việc thực hiện thường xuyên các biện pháp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về ATGT, tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm… các sở, ban, ngành đã chủ động phối hợp các cơ quan liên quan tham mưu, xây dựng kế hoạch tập trung thực hiện các giải pháp đảm bảo trật tự ATGT mang tính đột phá, như: nghiêm cấm cán bộ, công chức uống rượu, bia trong giờ hành chính và buổi trưa; xử phạt các trường hợp vi phạm hành chính về trật tự ATGT, không loại trừ bất cứ ai; thành lập các tổ công tác đảm bảo trật tự ATGT, an ninh trật tự. Nhờ đó, bước đầu thiết lập lại trật tự, kỷ cương trong công tác đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh.
“Mặc dù giai đoạn 2016-2020, TNGT trên địa bàn tỉnh giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương, nhưng năm 2020 tình hình trật tự ATGT diễn biến phức tạp, số người chết do TNGT tăng 5 người so năm 2019, từ đó cho thấy, TNGT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020 mặc dù được kéo giảm nhưng kết quả đạt được chưa bền vững. Đặc biệt, tình hình TNGT trên địa bàn tỉnh trong 2 tháng đầu năm 2021 vẫn diễn biến phức tạp” - ông Lê Văn Phước nhận định.
Trao bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể thực hiện
tốt công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông giai đoạn 2016-2020
"Để khắc phục một số tồn tại, hạn chế và thực hiện các mục tiêu đề ra, giai đoạn 2021-2025, tỉnh tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động đảm bảo trật tự ATGT, nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng. Kéo giảm từ 5-10% số vụ, số người chết, số người bị thương do TNGT hàng năm. Tiếp tục thực hiện năm ATGT hàng năm theo từng chủ đề phù hợp, với mục tiêu “tính mạng con người là trên hết” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước yêu cầu.
Theo đó, các sở, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan thành viên Ban ATGT tỉnh và Ban ATGT huyện, thị xã, thành phố tập trung thực hiện nghiêm, có hiệu quả các kế hoạch của tỉnh về tăng cường công tác đảm bảo trật tự ATGT. Cần tăng cường sự lãnh, chỉ đạo thường xuyên của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, các tổ chức đoàn thể từ tỉnh đến địa phương đối với công tác đảm bảo trật tự ATGT.
Phải đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự ATGT trong toàn xã hội để nâng cao ý thức tự giác của người tham gia giao thông, tôn trọng người thực thi công vụ. Phát huy hiệu quả hệ thống đài truyền thanh cơ sở, chú trọng ưu tiên tuyên truyền ATGT vào các khung giờ có nhiều người dân theo dõi. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự ATGT”, “Thanh niên với văn hóa giao thông”, vận động các tổ, khu dân cư ký giao ước không vi phạm trật tự ATGT. Các đơn vị chức năng phải tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật về đảm bảo trật tự ATGT, các hành vi là nguyên nhân gây ra tai nạn và ùn tắc giao thông, như: lái xe vi phạm về nồng độ cồn, ma túy, chạy quá tốc độ quy định, không đi đúng phần đường, làn đường, chở hành khách quá số người quy định, chở hàng quá tải trọng, không đội mũ bảo hiểm, dừng đỗ xe trái quy định…
Tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực kiểm soát tải trọng phương tiện vận tải đường bộ, quản lý kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải; thường xuyên rà soát và khắc phục các "điểm đen", vị trí mất an toàn giao thông. Tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, phù hợp với cơ sở hạ tầng giao thông và thiết lập trật tự, kỷ cương, quản lý lòng đường, vỉa hè.