Hầu hết các sông, hồ ở các địa phương trên địa bàn tỉnh đều có phương tiện thủy lắp máy, phương tiện gia dụng hoạt động chở khách, khai thác thủy sản, khai thác và vận chuyển cát, sỏi, bãi tập kết vật liệu... Trong đó, các huyện miền núi hệ thống sông, suối chảy qua địa hình phức tạp, độ dốc cao, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn cho việc vận chuyển hàng hóa, hành khách và hoạt động mưu sinh của người dân.
Chính vì vậy, các sở, ngành, đơn vị có liên quan, các địa phương cần phối hợp thực hiện có hiệu quả các giải pháp để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) đường thủy nội địa.
Tàu thuyền hoạt động trên sông Mã
Theo số liệu thống kê của Sở GTVT Thanh Hóa, hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.690 phương tiện thủy nội địa đang hoạt động; trong đó, 1.384 phương tiện đã đăng ký, đạt 81%; 1.490 phương tiện đã đăng kiểm, đạt 88%. Các phương tiện chưa đăng ký, đăng kiểm chủ yếu là các phương tiện dân sinh đang hoạt động khai thác thủy sản, vận chuyển hàng hóa, chở khách... Ngoài ra, còn một số ít phương tiện đang tham gia vận chuyển, khai thác cát tại các huyện có mỏ và bãi tập kết cát...
Thời gian qua, Sở GTVT đã ban hành nhiều văn bản triển khai đến UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan đề nghị tăng cường quản lý hoạt động của các phương tiện thủy nội địa, nhất là các phương tiện đang tham gia khai thác và vận chuyển cát, sỏi trên các tuyến sông, kênh, các phương tiện dân sinh loại nhỏ đang hoạt động tại các lòng hồ thủy điện, sông, suối. Đồng thời, chỉ đạo Thanh tra Sở GTVT phối hợp các lực lượng chức năng, đơn vị có liên quan trực thuộc Công an tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật về trật tự, ATGT đường thủy nội địa.
Tuy nhiên, theo khảo sát, đánh giá của Sở GTVT, cho thấy: Đa số người dân hành nghề trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa có đời sống khó khăn, trình độ dân trí thấp, sinh hoạt chủ yếu là trên tàu vì vậy việc chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự, ATGT đường thủy còn nhiều hạn chế. Do có nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng phương tiện thủy nên người dân vẫn tiếp tục mua bán, đóng mới phương tiện nhưng không thực hiện việc đăng kiểm, đăng ký cho phương tiện.
Một số chủ mỏ cát, chủ bãi tập kết cát chưa chấp hành nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh, vẫn sử dụng phương tiện thủy chưa được đăng kiểm, đăng ký để phục vụ cho hoạt động khai thác và vận chuyển cát, sỏi. Một số phương tiện đã được Sở GTVT kiểm tra và cấp hồ sơ đăng kiểm nhưng chủ phương tiện lại chưa nộp được thuế trước bạ để làm thủ tục đăng ký và nguyên nhân chủ yếu là do các phương tiện này được đóng mới tại các xưởng đóng tàu tự phát bằng kinh nghiệm dân gian, không có hồ sơ thiết kế kỹ thuật hoặc các phương tiện đã được mua đi bán lại qua nhiều lần nhưng không có giấy tờ hợp lệ (chủ yếu là mua bán trao tay), vì vậy cơ quan thuế không có đủ cơ sở để tính thuế... Trên địa bàn tỉnh chưa có bến thủy nội địa để neo, giữ phương tiện vi phạm vì vậy gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm.
Đại diện lãnh đạo Sở GTVT, cho biết: Để tiếp tục thực hiện công tác đăng kiểm, đăng ký cho các phương tiện thủy nội địa đang hoạt động trên địa bàn tỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý Nhà nước đối với các phương tiện thủy nội địa, góp phần bảo đảm trật tự, ATGT đường thủy nội địa, Sở GTVT đề nghị Công an tỉnh chỉ đạo Phòng Cảnh sát giao thông chủ trì phối hợp với Thanh tra Sở GTVT, Công an các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm đối với phương tiện chưa đăng kiểm, đăng ký, phương tiện hết hạn đăng kiểm nhưng vẫn tham gia hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa, vận tải khách, khai thác và vận chuyển cát, sỏi. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra trên các tuyến sông, kênh, các bãi tập kết cát, sỏi; xử lý nghiêm các trường hợp phương tiện không đăng kiểm, đăng ký, phương tiện hết hạn đăng kiểm nhưng vẫn tham gia vận chuyển và khai thác cát, sỏi.
Tổng hợp các mỏ cát, bãi tập kết cát không chấp hành các quy định về đăng kiểm, đăng ký phương tiện thủy nội địa, thông báo cho Sở Tài nguyên và Môi trường biết để báo cáo UBND tỉnh xem xét, đình chỉ khai thác hoặc thu hồi giấy phép đối với các đơn vị khai thác và tập kết cát, sỏi cố tình vi phạm. Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp khai thác cát, bãi tập kết cát chỉ sử dụng các phương tiện thủy nội địa đã được đăng kiểm, đăng ký để khai thác và vận chuyển cát, sỏi. Khi thẩm định hồ sơ để cấp phép cho các doanh nghiệp khai thác cát, sỏi yêu cầu các doanh nghiệp phải đăng ký số lượng tàu thuyền sử dụng để khai thác và vận chuyển cát, sỏi và tàu thuyền này đã được đăng kiểm, đăng ký.
UBND các huyện, thị xã, thành phố, các lực lượng chức năng, các đơn vị có liên quan tăng cường công tác tuyên truyền việc đăng kiểm, đăng ký phương tiện thủy nội địa đến các chủ phương tiện, chủ bãi cát, chủ mỏ cát trên địa bàn quản lý và yêu cầu các chủ phương tiện chủ động liên hệ với Sở GTVT để thực hiện đăng kiểm, đăng ký cho phương tiện. Tiếp tục thống kê số lượng phương tiện thủy nội địa chưa đăng kiểm, đăng ký; phương tiện hết hạn đăng kiểm nhưng vẫn đang tham gia khai thác và vận chuyển cát, sỏi tại các mỏ cát, bãi tập kết cát thuộc địa bàn quản lý (kể cả các phương tiện có chủ không phải là người địa phương nhưng có phương tiện đang hoạt động tại mỏ cát, bãi tập kết cát thuộc địa bàn quản lý) và thông báo cho Sở GTVT để làm thủ tục cấp đăng ký, đăng kiểm.
Cục Thuế tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chi cục thuế các huyện, thị xã, thành phố tạo điều kiện cho các chủ phương tiện nộp thuế trước bạ để chủ phương tiện làm thủ tục đăng ký phương tiện. Đi đôi với đó, các cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn thể trên địa bàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, ATGT đường thủy nội địa gắn với phát động sâu rộng thực hiện cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”. Các địa phương tiếp tục tập trung rà soát, phân loại phương tiện thủy nội địa để đưa vào quản lý theo đúng quy định.