Theo các chuyên gia, để kéo giảm ùn tắc giao thông, việc phát triển hệ thống giao thông công cộng là một phương án khả thi. Tuy nhiên, hệ thống giao thông công cộng phải được đầu tư, quan tâm tốt mới thu hút được người dân sử dụng.
Phương tiện vận tải công cộng ở Bình Dương ngày càng được đầu tư văn minh, tiện lợi
Từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng
Theo lãnh đạo Sở Giao thông vận tải (GTVT), thời gian qua, việc phát triển vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) trên địa bàn tỉnh đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm và tạo điều kiện phát triển nhằm mục tiêu khuyến khích người dân tham gia và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải.
Để thực hiện mục tiêu trên, Sở GTVT đã tham mưu và được UBND tỉnh chấp thuận thực hiện Đề án “Giao thông công cộng thành phố mới (TPM) Bình Dương bằng phương tiện giao thông mới”. Theo đề án, sẽ hình thành 3 tuyến xe buýt, gồm tuyến kết nối giữa TP.Thủ Dầu Một và TPM Bình Dương; tuyến xe buýt nội ô TPM và tuyến xe buýt kết nối từ TPM Bình Dương đi Suối Tiên.
Tôi đi làm bằng xe buýt Becamex Tokyu thường xuyên và thấy rất tiện lợi vì luôn đúng giờ, văn minh, lịch sự. Trên xe đầy đủ máy lạnh, wifi. Có thể kiểm tra email, xử lý những công việc đơn giản, hoặc lướt web giải trí sau giờ làm việc trở về nhà... Hành khách cũng được gửi xe miễn phí bằng chính thẻ đi xe buýt”, anh Nguyễn Thanh Long, một hành khách đi xe buýt cho biết.
Kết quả thực hiện đến nay đã hình thành được 11 tuyến xe buýt (7 tuyến kết nối giữa TP.Thủ Dầu Một và TPM Bình Dương và 4 tuyến xe buýt nội ô TPM, 1 tuyến từ TPM đi TX.Bến Cát, tăng về số lượng tuyến 5,5 lần so với kế hoạch ban đầu). Riêng tuyến xe buýt BRT kết nối từ TPM Bình Dương đi Suối Tiên đang thực hiện các thủ tục vay vốn ODA để đầu tư xây dựng, dự kiến năm 2025 sẽ đưa vào vận hành. Người dân được thụ hưởng từ đề án này ngoài chất lượng phương tiện sử dụng năng lượng sạch CNG chất lượng cao và phong cách phục vụ hành khách theo tiêu chuẩn Nhật Bản, sử dụng thẻ thông minh (thay thế vé thông thường)…
Trong khi đó Đề án “Nâng cao chất lượng VTHKCC bằng xe buýt địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2018-2020” cũng đã được phê duyệt vào ngày 11/7/2018 nhằm từng bước hình thành và phát triển hệ thống giao thông đô thị bền vững, nâng cao hiệu quả việc sử dụng cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động VTHKCC, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ VTHKCC trên địa bàn tỉnh.
Trong đó doanh nghiệp và người dân được thụ hưởng từ đề án như chính sách hỗ trợ cho các đơn vị vận tải vay vốn và hỗ trợ lãi suất để đầu tư đổi mới phương tiện, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải. Cụ thể, ngân sách tỉnh hỗ trợ 80% vốn vay để đổi mới 111 phương tiện xe buýt cũ hiện nay (hiện nay đã có 2 tuyến xe buýt của đề án thực hiện đổi mới 37 phương tiện cũ sang phương tiện sử dụng CNG) và 19 phương tiện cho 3 tuyến đấu thầu mở mới với tổng số tiền là 197,420 tỷ đồng.
Ngoài ra, ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn đối với phương án đầu tư phương tiện mới sử dụng năng lượng sạch (CNG, LNG) và hỗ trợ lãi suất ưu đãi bằng 70% lãi suất cho vay tối thiểu của Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh đối với phương án đầu tư phương tiện mới sử dụng nhiên liệu diesel, hỗ trợ 50% giá dịch vụ lưu đậu tại bến xe; hỗ trợ 50% giá vé đi suốt tuyến cho người cao tuổi, học sinh, sinh viên, cán bộ, công nhân viên, doanh nghiệp, hỗ trợ 100% giá vé cho 3.000 cán bộ, công chức làm việc tại Trung tâm Hành chính tỉnh và các đơn vị trực thuộc.
Được biết, thời gian tới Sở GTVT sẽ tham mưu UBND tỉnh triển khai nhiều giải pháp để tiếp tục nâng cao hoạt động GTVT công cộng trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục phối hợp với các cơ quan hữu quan trên địa bàn tỉnh, tham mưu UBND tỉnh đưa vào khai thác, vận hành tuyến xe buýt BRT kết nối từ TPM đến ga Suối Tiên (TP.Hồ Chí Minh), dự kiến đưa vào khai thác vào năm 2025. Tiếp tục phối hợp với các đơn vị để tổ chức, triển khai thực hiện theo kế hoạch Đề án “Nâng cao chất lượng VTHKCC bằng xe buýt địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2018-2020” được UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1881/QĐ-UBND ngày 11/7/2018, trong đó mục tiêu thực hiện đấu thầu 3 tuyến xe buýt, đổi mới phương tiện và nâng cao chất lượng dịch vụ VTHKCC.
Cần sự chung tay của doanh nghiệp
Ông Nguyễn Trung Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Phúc Gia Khang (chi nhánh Bình Dương), cho biết hiện tại công ty có 25 chiếc xe buýt. Đa số chạy tuyến từ Thủ Dầu Một - Bình Dương đến Đồng Xoài - Bình Phước. Xe mới, sử dụng năng lượng sạch (CNG, LNG) có trang bị máy quét thẻ từ (ID), camera giám sát suốt hành trình. Giá vé 60.000 đồng/suốt tuyến và sẽ được trừ dần theo quy định từng chặng một. Xe xuất bến chuyến đầu vào lúc 4 giờ 45 phút và chuyến cuối tại bến (TP.Thủ Dầu Một) và chuyến cuối vào 17 giờ 55 phút hàng ngày. Công ty Phương Trinh cũng đã trang bị 12 chiếc xe mới, dự kiến tăng chuyến phục vụ hành khách trong thời gian gần đây.
Ông Đoàn cho biết thêm: “Tuyến xe buýt công nghệ Thủ Dầu Một - Đồng Xoài gồm có 25 đầu xe do Công ty TNHH Phúc Gia Khang đầu tư và khai thác theo đúng đề án nâng cao chất lượng VTHKCC của tỉnh. Toàn bộ phương tiện vận tải hành khách này được trang bị từ nguồn vốn vay ưu đãi của tỉnh dành cho đề án với tổng số tiền gần 36 tỷ đồng. Việc đưa vào sử dụng các xe buýt công nghệ sẽ góp phần phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân. Ưu điểm trong hoạt động của xe buýt công nghệ này là sử dụng nhiên liệu khí CNG, thân thiện với môi trường, hành khách sử dụng thẻ ID để thanh toán thay vì trả bằng tiền mặt như trước đây”.
Với xe buýt Becamex Tokyu thì mang đến dịch vụ xe buýt theo phong cách Nhật Bản với 5 tiêu chí đó là vận hành đúng thời gian biểu, tiếp khách lịch sự, xe sạch đẹp, vận hành an toàn và triệt để phòng chống tai nạn. Việc hoạt động của các tuyến xe buýt hiện đại còn tạo thêm giá trị mới tại TPM Bình Dương. Công ty Phương Trinh cũng đã đầu tư thêm 12 xe mới để đưa vào khai thác trong thời gian tới. (Còn tiếp)
Ông Egami Hideki, Giám đốc Phòng Tổ chức hành chính và Phòng Vận hành, Công ty TNHH Xe buýt Becamex Tokyu (BTB) cho rằng: "Hiện tại ở Bình Dương tình trạng kẹt xe vẫn còn đang được kiểm soát, tuy nhiên theo tôi nếu không thực hiện tốt và đồng bộ nhiều giải pháp thì sớm muộn gì Bình Dương cũng sẽ rơi vào hoàn cảnh như TP.Hồ Chí Minh hiện tại. Tôi được biết, ở thời điểm hiện tại hàng năm TP.Hồ Chí Minh phải dùng nhiều ngàn tỷ đồng để giải quyết vấn đề kẹt xe ngày càng nghiêm trọng này, tuy nhiên kết quả khó mà được như mong đợi vì chưa giải quyết được gốc rễ của vấn đề...Theo tôi, chỉ những đề xuất và nỗ lực của công ty xe buýt thì sẽ có những hạn chế trong việc giải quyết vấn đề thu hút người dân tham gia phương tiện giao thông công cộng. Bởi vì đây không phải là việc một mình công ty xe buýt có thể làm được, sức mạnh của chính quyền là vô cùng quan trọng.
Những người đang làm việc ở hiện tại sẽ già đi trong tương lai và đối với người già thì sẽ khó khăn trong việc tự lái xe một mình, khi đó thì xe buýt sẽ rất cần thiết. Về lâu về dài thì xe buýt là phương tiện giao thông không thể thiếu. Tuy nhiên, để duy trì được xe buýt thì chỉ những nỗ lực của các doanh nghiệp xe buýt không thì không giải quyết được vấn đề, mà cần phải có sự hỗ trợ từ chính quyền và các đơn vị liên quan, đặc biệt là trong việc hỗ trợ chi phí".