Được triển khai sâu rộng, đồng bộ tại các địa phương, đơn vị từ năm 2016, đến nay phong trào “Văn hoá giao thông với bình yên sông nước” do Ban ATGT tỉnh phát động có nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, góp phần tích cực vào công tác bảo đảm trật tự ATGT đường thuỷ nội địa của tỉnh.
Sau 5 năm thực hiện phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”, đến nay toàn tỉnh xây dựng và duy trì hoạt động có hiệu quả 5 mô hình phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Trong đó, nhiều mô hình được xây dựng và hoạt động có hiệu quả như: “Bến đò văn hoá - an toàn” ở Tri Phương (Tiên Du), Đại Lai (Gia Bình), Phù Lãng (Quế Võ), Cáp Thuỷ (Lương Tài) và “Đoạn sông tự quản an toàn” trên tuyến sông Thái Bình. Các mô hình hoạt động hiệu quả đều được Ban Chỉ đạo phong trào của tỉnh kiểm tra, đôn đốc, kịp thời bổ sung các nội dung, tiêu chí cho phù hợp để tiếp tục nhân rộng.
Việc xây dựng và duy trì hiệu quả các mô hình này góp phần định hướng, thúc đẩy các nhân tố hình thành cách ứng xử văn hóa, văn minh của người dân, đồng thời nâng cao tinh thần trách nhiệm và thái độ phục vụ của người thực thi nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT đường thủy nội địa. Nhờ đó bến khách ngang sông được cải tạo sạch, đẹp, nền nếp hơn; ý thức trách nhiệm của người dân khi tham gia giao thông, quản lý, bảo vệ công trình giao thông đường thuỷ được nâng lên.
Kiểm tra điều kiện hoạt động của các bến đò ngang sông trên tuyến sông Đuống
Ông Nguyễn Thanh Phương, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh đánh giá: Sau 5 năm triển khai đến nay có thể khẳng định, phong trào “Văn hoá giao thông với bình yên sông nước” đã thu hút được sự quan tâm, ủng hộ sâu rộng của các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, đoàn thể và các tổ chức xã hội trong toàn tỉnh. Từ phong trào này mà nhiều mô hình hay, hiệu quả như “Bến đò văn hoá- an toàn”, “Đoạn sông tự quản an toàn”…đã được hình thành trên cả 3 tuyến sông. Những mô hình này không chỉ góp phần tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về giao thông đường thuỷ nội địa mà còn khích lệ quần chúng nhân dân tham gia phát hiện, tố giác, đấu tranh có hiệu quả với các hành vi vi phạm pháp luật, xây dựng các tuyến sông, bến đò, khu dân cư văn hoá, văn minh, an toàn.
Hiện toàn tỉnh đang quản lý hơn 120 km đường thuỷ trên 3 tuyến sông (sông Đuống, sông Cầu, sông Thái Bình). Toàn tuyến có 45 bến đò ngang sông, 5 cảng, 84 bến bãi tập kết nguyên vật liệu và có 600 hộ nuôi trồng thuỷ sản với 1.600 lồng nuôi cá. Cùng với đó là hàng trăm tầu, thuyền hoạt động tấp nập ngày đêm nên công tác bảo đảm trật tự ATGT trên các tuyến sông luôn được lực lượng chức năng quan tâm, chú trọng. Điển hình là hoạt động hiệu quả của Đội Cảnh sát đường thuỷ (Phòng CSGT, Công an tỉnh) đơn vị chủ công trong triển khai và thực hiện phong trào.
Trong 5 năm qua, Đội Cảnh sát đường thuỷ thường xuyên phối hợp với các địa phương, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền về Luật Giao thông đường thuỷ nội địa cho người dân, chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện tự giác chấp hành; tích cực xây dựng bến khách an toàn, văn hóa, văn minh; kịp thời tố giác, đấu tranh với các hành vi vi phạm TTATGT, TTATXH… bảo đảm ổn định, không xảy ra tai nạn tại các bến đò. Tiến hành kiểm tra 37.299 trường hợp, phát hiện, lập biên bản 3.079 lượt tầu thuyền vi phạm Luật Giao thông đường thuỷ, nộp Kho bạc Nhà nước hơn 3 tỉ đồng.
Ngoài ra, Đội Cảnh sát đường thuỷ còn tích cực phối hợp với Cảng vụ, cảng Đáp Cầu, Phả Lại, Công ty quản lý bảo trì đường thuỷ, Trạm Quản lý đường sông và chính quyền các địa phương bảo đảm trật tự nơi đỗ đậu tại các khu vực cảng và các khu vực trọng yếu trên các tuyến đường thuỷ; bổ sung khắc phục hơn 25 biển báo, phao tiêu báo hiệu đường thuỷ nội địa, các điểm khan cạn… Thông qua công tác tuần tra kiểm soát, Đội Cảnh sát đường thuỷ còn phối hợp với công an các huyện, thành phố tổ chức kiểm tra, bắt giữ 81 phương tiện khai thác cát trái phép, 1 đối tượng tàng trữ trái phép chất ma tuý, 2 trường hợp sử dụng xung điện đánh bắt thuỷ hải sản, 17 trường hợp đánh bắt thuỷ hải sản gây cản trở giao thông.
Trung tá Nguyễn Văn Quang, Đội trưởng Đội Cảnh sát đường thuỷ (Phòng CSGT, Công an tỉnh) cho hay: Sau 5 năm triển khai, đến nay phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” đã thực sự đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả rõ rệt. Phong trào được triển khai góp phần xây dựng đội ngũ những người trực tiếp thi hành nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT đường thuỷ chính quy, tinh nhuệ, có văn hoá và trách nhiệm trong công tác, trong tiếp xúc và ứng xử với quần chúng nhân dân. Ngoài ra, phong trào còn nhận được sự đồng tình ủng hộ của các tầng lớp nhân dân dần đi vào cuộc sống.
Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, Ban ATGT tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ngành, đoàn thể, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đảm bảo trật tự ATGT đường thủy nội địa, đồng thời, phát huy và nhân rộng các mô hình “Văn hóa giao thông đường thủy”; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và nhắc nhở các chủ phương tiện tham gia giao thông đường thủy trang bị đầy đủ dụng cụ cứu sinh, bảo đảm an toàn kỹ thuật; thường xuyên kiểm tra công tác đào tạo, sát hạch bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn theo đúng quy định; quan tâm tổ chức dạy bơi cho trẻ em nhằm hạn chế tai nạn đuối nước trong mùa mưa lũ…