Bình Dương: Tiếp tục các giải pháp hạn chế ùn tắc, TNGT

Thứ hai, 31/05/2021 10:59
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND, Trưởng Ban an toàn giao thông (ATGT) tỉnh vừa chủ trì hội nghị bàn về các giải pháp hạn chế ùn tắc giao thông và tăng cường an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Cùng dự có ông Nguyễn Lộc Hà, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Ban ATGT tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành, các huyện, thị, thành phố.

Thượng tá Nguyễn Thanh Điệp, Phó Giám đốc Công an tỉnh báo cáo 

 Tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí

Theo báo cáo của Ban ATGT tỉnh, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh xảy ra 417 vụ TNGT đường bộ, làm chết 110 người, bị thương 397 người, hư hỏng 690 phương tiện. So với cùng kỳ năm 2020 giảm 73 vụ, giảm 16 người chết và giảm 128 người bị thương. Theo đánh giá, mặc dù trong 5 tháng qua TNGT trên địa bàn giảm cả 3 tiêu chí, nhưng số vụ, số người chết và bị thương vẫn còn cao. Tại hội nghị lần này, lãnh đạo Sở GTVT, lãnh đạo chính quyền các địa phương và ngành chức năng liên quan tiếp tục trao đổi các giải pháp nhằm hạn chế ùn tắc giao thông, bảo đảm ATGT trên địa bàn.

Đại diện một số địa phương cho rằng một trong những nguyên nhân chính dẫn đến xảy ra TNGT là do người tham gia giao thông không chấp hành nghiêm túc Luật Giao thông đường bộ, trong đó đáng chú ý là nhiều lỗi dẫn đến tai nạn như không chấp hành tín hiệu đèn, chạy không đúng làn đường, phần đường... Trong 5 tháng đầu năm nay, lực lượng chức năng toàn tỉnh đã xử lý trên 38.000 trường hợp vi phạm, với tổng số tiền phạt trên 62 tỷ đồng. Trong đó lực lượng cảnh sát giao thông tước hơn 3.100 giấy phép lái xe, tạm giữ hơn 10.000 phương tiện vi phạm. Bên cạnh đó, hiện nay hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông còn hạn chế; biển báo, đèn tín hiệu giao thông còn nhiều bất cập; đặc biệt là có nhiều “điểm đen” về ùn tắc giao thông…

Nói về thực trạng ở địa phương, ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch UBND TP.Thuận An, cho rằng: “Hiện trên địa bàn TP.Thuận An có nhiều trụ đèn báo hiệu giao thông ở các giao lộ đều dùng điện lưới quốc gia. Nếu xảy ra sự cố điện, các đèn tín hiệu không hoạt động dẫn đến tình trạng người đi đường ráng điều khiển phương tiện qua các ngã ba, ngã tư gây nên ùn tắc. Để giải quyết sự cố này cần lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời; cần rà soát lại giải phân cách trên các tuyến đường cho phù hợp với điều kiện thực tế để xe tải, xe container thuận tiện trong việc quay đầu qua đường, vào ra công ty lấy hàng”.

Các giải pháp trước mắt

Tại hội nghị, một số đại biểu đã tiếp tục đề xuất UBND tỉnh nhiều giải pháp nhằm khắc phục những khó khăn, hạn chế trước mắt, đồng thời tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, các dự án trọng điểm, mang tính lâu dài, như: Nghiên cứu phương án xây dựng cầu vượt tại một số điểm nóng về giao thông; phân luồng giao thông theo giờ, theo tuyến; cải tạo một số giao lộ trên Quốc lộ 13, cải tạo và hoàn thiện kết cấu hạ tầng đường Mỹ Phước - Tân Vạn; điều chỉnh dải phân cách đường ĐT743… Trong đó, nổi bật là thực hiện việc hạn chế phương tiện, cấm lưu thông theo các khung giờ từ 6 giờ - 8 giờ sáng; từ 11 giờ - 14 giờ trưa và từ 16 giờ - 18 giờ chiều hàng ngày tại một số tuyến đường, như: Quốc lộ 13, đường ĐT743, đường Nguyễn Thị Minh Khai, đường Huỳnh Văn Cù, đường ĐT747…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND, Trưởng Ban ATGT tỉnh, nhấn mạnh để góp phần giảm thiểu tai nạn, ùn tắc giao thông trong thời gian tới, các lực lượng chức năng cần tăng cường hơn nữa trong công tác tuần tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực trật tự ATGT đường bộ. Trên lĩnh vực quản lý trật tự đô thị, xây dựng, các đơn vị chức năng liên quan kiên quyết xử lý tình trạng xây dựng lấn chiếm hoặc để vật liệu, thiết bị lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ. Song song đó tiếp tục tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc chấp hành các quy định khi tham gia giao thông. Sở Giao thông Vận tải tiếp tục phối hợp với CA tỉnh, chính quyền các địa phương, doanh nghiệp BOT triển khai thực hiện, theo dõi phương án thí điểm phân luồng giao thông. Theo đó, doanh nghiệp BOT phải tổ chức lắp đặt biển báo trên các tuyến đường được giao quản lý. Ban Quản lý các khu công nghiệp của tỉnh, Hiệp hội vận tải thông báo đến các doanh nghiệp hoạt động tại khu, cụm công nghiệp. Ngoài ra, lực lượng CA tỉnh, CA huyện phải tăng cường tuần tra, kiểm soát, hướng dẫn trong giai đoạn đầu thực hiện thí điểm. Thời gian thực hiện trong Quý III/2021.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND, Trưởng Ban ATGT tỉnh, cho rằng: “Để người dân và các chủ doanh nghiệp hoạt động tại địa phương hưởng ứng chủ trương phòng, chống ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông trên địa bàn, Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan định hướng tuyên truyền để người dân biết về chủ trương này. Trong công tác tuyên truyền, các đơn vị liên quan cần tiếp tục đổi mới về hình thức cho phù hợp với từng đối tượng”.

kimcuc

Nguồn: Báo Bình Dương

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)