Hà Nam triển khai mô hình “Đoạn đường sắt ATGT” để xóa điểm nóng về nguy cơ mất ATGT đường bộ - đường sắt.
Với mô hình “Đoạn đường sắt ATGT”, các lối đi tự mở nguy cơ xảy ra TNGT cao
đã được địa phương bố trí trực cảnh giới đảm bảo an toàn
Hà Nam vừa triển khai mô hình “Đoạn đường sắt ATGT” tại xã Liêm Chung - thành phố Phủ Lý, thị trấn Bình Mỹ - huyện Bình Lục và phường Duy Minh - thị xã Duy Tiên.
Tỉnh Hà Nam có 32,28km đường sắt Bắc - Nam và 4,7km đường sắt nhánh Phủ Lý - Kiện Khê đi qua 18 xã, phường, thị trấn thuộc 4 huyện, thị, thành phố. Mật độ chạy tàu qua địa bàn lớn, có tốc độ cao, trung bình 30 chuyến tàu/ngày đêm, cao điểm có thể lên tới 40 chuyến tàu/ngày đêm.
Trong khi đó, hầu hết các tuyến đường sắt chạy song song, liền kề với QL1A, QL21A, người dân có tâm lý bám mặt đường để sinh sống nên dễ phát sinh vi phạm. Trên toàn tỉnh có 15 vị trí giao cắt với đường sắt có người gác, 15 điểm giao cắt được phòng vệ bằng thiết bị cảnh báo tự động có cần chắn tự động, 3 điểm giao cắt phòng vệ bằng biển báo.
Tuy nhiên, có tới 222 vị trí lối đi tự mở qua đường sắt, đây là nguyên nhân chủ yếu gây tai nạn chạy tàu. Tính từ đầu năm 2018 đến tháng 9/2020, thời điểm bắt đầu xây dựng mô hình, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 17 vụ TNGT đường sắt làm chết 14 người, bị thương 5 người, thiệt hại về tài sản tương đối lớn.
Chính vì vậy, để góp phần đảm bảo trật tự ATGT đường sắt, Công anh tỉnh Hà Nam đã phối hợp với chính quyền, đoàn thể các địa phương, các đơn vị đường sắt triển khai mô hình “Đoạn đường sắt ATGT” với các hoạt động cụ thể, thiết thực như: Tổ chức tuyên truyền sâu rộng các quy định pháp luật vể đảm bảo trật tự ATGT đường sắt; Tổ chức cảnh giới, chốt gác tại các lối đi tự mở công cộng có lưu lượng người, phương tiện qua lại lớn.
Để triển khai mô hình hiệu quả, địa phương huy động sự vào cuộc của các lực lượng, giao kết thi đua với các tổ dân phố, trường học. Ảnh: tuyên truyền về ATGT đường sắt trong học sinh
Cùng đó, tỉnh này cũng xây dựng đường gom và hàng rào ngăn cách đường sắt với khu dân cư nhằm xóa bỏ vĩnh viễn các lối đi tự mở; Tổ chức thu hẹp, cắm biển “Chú ý tàu hỏa” đối với các lối đi tự mở có nhiều phương tiện cơ giới đi lại; Tổ chức giải tỏa các vi phạm hành lang ATGT đường sắt…
Để mô hình đạt được hiệu quả thiết thực, Hà Nam cũng tổ chức ký giao ước thi đua thực hiện giữa lực lượng cảnh sát giao thông với các đơn vị đường sắt, giữa UBND các xã, phường, thị trấn với các ban, ngành đoàn thể của địa phương, các tổ dân phố, các trường học.
Bước đầu, mô hình được triển khai với 5,7km đường sắt. Các “Đoạn đường sắt ATGT” bắt đầu đi vào hoạt động, nhất là tại 4 vị trí lối đi tự mở được cảnh giới từ 6h00 đến 22h00 hàng ngày.
Tại các điểm cảnh giới, các đơn vị đường sắt cung cấp, kết nối thiết bị liên lạc, thông tin; Tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho nhân viên cảnh giới, cung cấp các dụng cụ phòng vệ, dụng cụ tín hiệu cho nhân viên cảnh giới thực hiện nhiệm vụ…