Vĩnh Phúc: Đảm bảo an toàn giao thông tại các khu công nghiệp

Thứ năm, 09/09/2021 16:03
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Với hơn 100 nghìn công nhân, lao động làm việc trong các khu công nghiệp (KCN), vào giờ cao điểm, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông tại khu vực này rất đông, dễ xảy ra ùn tắc, lộn xộn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Để đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại các KCN, các ngành chức năng của tỉnh Vĩnh Phúc, chính quyền các địa phương nơi có các KCN đã triển khai nhiều biện pháp; tuy nhiên, để duy trì trật tự an toàn giao thông tại các khu vực này, quan trọng nhất là việc tự giác nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông.


Nhân viên an ninh KCN Bá Thiện 2, huyện Bình Xuyên
hướng dẫn phương tiện giao thông ra vào khu vực, tránh gây ùn tắc

Vào các giờ cao điểm từ 7h-7h30, 17h-18h hằng ngày, tình trạng giao thông tại các tuyến đường trong và gần các KCN khá lộn xộn, đôi khi xảy ra ùn tắc cục bộ tại một số tuyến đường như Tôn Đức Thắng, Phùng Hưng, Lạc Long Quân, phường Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên; một số tuyến đường qua các xã, thị trấn như Bá Hiến, Thiện Kế, Hương Sơn, huyện Bình Xuyên…

Nhiều công nhân lao động hằng ngày tham gia giao thông tại các khu vực này đều tỏ ra khá lo lắng. Chị Phùng Thị Thúy, nhân viên Công ty TNHH Công nghiệp chính xác Việt Nam 1, KCN Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên cho biết: “Vào giờ bắt đầu ca làm việc buổi sáng và giờ tan tầm buổi chiều tối, công nhân, người lao động đi làm qua đoạn đường trước cổng công ty khá đông.

Người đi xe máy thấy chỗ nào trống là lách lên, không cần nhìn trước, nhìn sau, đi sang cả phần đường của phương tiện khác; có người còn quên bật đèn tín hiệu lúc sang đường làm người đi sau không biết để tránh; người đi xe buýt hay xe đưa đón công nhân thì len lỏi chạy vội ra để chọn chỗ ngồi; chưa kể trên đường về, nhiều người tranh thủ tạt qua một số hàng rong, hàng quán ven đường mua đồ, khiến đường xá lộn xộn, thỉnh thoảng xảy ra vài vụ va quệt nhẹ”.

Không chỉ công nhân lao động làm việc tại các công ty, nhiều người dân sống gần các KCN cũng tỏ ra e ngại trước tình trạng giao thông ùn tắc, lộn xộn giờ cao điểm.

Bà Đào Thị Yến ở thôn Hương Đà, xã Thiện Kế, huyện Bình Xuyên chia sẻ: “Nhà tôi ở gần KCN Bá Thiện 1. Đường phía trước cửa nhà khá rộng, nên giờ cao điểm không bị ùn tắc giao thông, nhưng rất lộn xộn. Giờ đi làm buổi sáng thì xe nào cũng đi nhanh, vội vàng cho kịp vào làm. Giờ tan ca, xe máy nhiều, đường thì tối nên khó quan sát; các xe ô tô đưa đón công nhân hầu như đi rất ẩu, lạng lách, đánh võng, nhiều khi xe ô tô chờ đón công nhân đỗ giữa cổng nhà tôi lâu cũng làm ảnh hưởng tới sinh hoạt của gia đình.

Cứ đến giờ tan tầm, tôi phải đóng chặt cửa, không cho cháu nhỏ chơi ngoài cổng vì lo đường đông, nhỡ xảy ra va chạm, tai nạn giao thông”.

Để bảo đảm trật tự an toàn giao thông, giảm tai nạn giao thông, nhất là ở các địa phương có KCN, các ngành chức năng đã triển khai nhiều giải pháp như ngành Giao thông vận tải tham mưu UBND tỉnh quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông, rà soát, điều chỉnh tổ chức giao thông trong các KCN; chính quyền các địa phương quyết liệt giải tỏa hành lang an toàn giao thông để đảm bảo “đường thông, hè thoáng” cho phương tiện lưu thông.

Công đoàn các cấp, Ban ATGT tỉnh đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao ý thức pháp luật cho công nhân lao động; lực lượng CSGT tăng cường điều tiết giao thông tại khu vực thường xảy ra ùn tắc vào giờ cao điểm, kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ; các công ty, doanh nghiệp cũng góp sức trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông bằng cách cử nhân viên an ninh làm nhiệm vụ phân luồng vào giờ cao điểm…

Tuy nhiên, để duy trì trật tự, an toàn giao thông tại các KCN, điều quan trọng nhất là người tham gia giao thông phải có ý thức chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông.

Những năm qua, nhằm nâng cao ý thức của công nhân lao động khi tham gia giao thông, Ban ATGT tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều đổi mới trong công tác tuyên truyền, đa dạng hóa các hình thức, xây dựng nội dung tuyên truyền phù hợp với trình độ, điều kiện sống, điều kiện làm việc của công nhân, lao động như qua hệ thống loa truyền thanh của doanh nghiệp, nhà máy, khu công nghiệp, tuyên truyền lưu động, tuyên truyền tại khu nhà trọ, tận dụng các nền tảng mạng xã hội để gửi thông tin tuyên truyền; nội dung các bài tuyên truyền ngắn gọn, dễ hiểu, không chỉ có nội dung các điều luật, báo cáo mà đưa ra các tình huống giao thông thường gặp, hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông an toàn…

Việc đảm bảo an toàn giao thông tại các KCN là vấn đề cấp thiết, cùng với nỗ lực của các cấp, ngành chức năng, mỗi công nhân, lao động trong các KCN cần nâng cao ý thức tự giác, chấp hành pháp luật về an toàn giao thông. Nâng cao ý thức tham gia giao thông không chỉ bảo vệ tính mạng, sức khỏe, giảm nguy cơ tai nạn cho chính mình mà còn góp phần xây dựng những cung đường an toàn, từ đó thu hút đầu tư vào các KCN.

hoavt

Nguồn: Báo Vĩnh Phúc

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)