Huyện Gò Công Đông: Tăng cường quản lý xe lưu thông trên đê biển Gò Công

Thứ năm, 09/12/2021 12:18
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Đê biển Gò Công có chiều dài 21,2km có điểm đầu nằm trên Đường tỉnh 871 (tại Km16+500), điểm cuối cống Rạch Gốc (Km37+700) đi qua địa bàn các xã: Tân Điền, Tân Thành, Kiểng Phước và thị trấn Vàm Láng thuộc tỉnh Tiền Giang. Tuyến đê này có vai trò hết sức quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội và giữ vững an ninh, quốc phòng của tỉnh Tiền Giang nói chung và các huyện phía Đông nói riêng. Tuyến đê có nhiệm vụ ngăn mặn, giữ ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh và giao thông đi lại cho người dân trong khu vực Ngọt hóa Gò Công.

Trong năm 2020, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Tiền Giang đã cho chủ trương láng nhựa mặt đê biển Gò Công (đoạn từ đầu tuyến Vàm Láng đến ngã ba Tân Thành) dài 12.211m và nghiệm thu hoàn thành đưa vào sử dụng từ ngày 15/10/2021.

Tuy nhiên, qua kiểm tra hiện trạng công trình theo định kỳ của các ngành chức năng, phát hiện rất nhiều phương tiện (vận chuyển đất phục vụ san lấp nền) lưu thông trên đê biển làm rơi vãi đất bùn trên mặt đê và đổ đất trên mái đê biển làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình và công tác bảo hành, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, đặc biệt là gây nước đọng trên mái đê không đảm bảo an toàn đê điều. Bên cạnh đó, hiện nay, một số hộ dân đang chuẩn bị thực hiện san lấp nền dọc theo mái đê biển (phía đồng).

Để đảm bảo quản lý tốt tuyến đê biển trên địa bàn huyện Gò Công Đông, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân, đặc biệt là trong công tác hộ đê khi có thiên tai xảy ra, đồng thời thực hiện theo Quyết định số 295/QĐ-UBND ngày 23/02/2017 của UBND tỉnh Tiền Giang về việc ban hành Quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ đê điều trên địa bàn tỉnh, UBND huyện Gò Công Đông chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành có liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đê điều cho người dân trên địa bàn quản lý; tiến hành cắm mốc ranh giới phạm vi bảo vệ đê, dặm vá những nơi mặt đê bị xuống cấp; tăng cường xử lý các phương tiện vượt quá tải trọng trên đê; xử lý các trường hợp san lấp nền áp sát mặt đê biển và tăng cường tuần tra các xe vận chuyển làm đất rơi vãi trên mặt đê; tăng cường quản lý phạm vi bảo vệ đê, cao trình đê phục vụ chống lụt bão và triều cường để bảo vệ sản xuất, tài sản và tính mạng của nhân dân.

hoavt

Nguồn: Cổng TTĐT Tiền Giang

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)