Từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 32 ngày 25/11/2016 về “Tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông”, tình trạng xe quá khổ, quá tải trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã giảm rõ rệt nhờ sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng và chính quyền các địa phương.
Những kết quả bước đầu
Thực hiện Chỉ thị số 32 của Chính phủ, Ban An toàn giao thông tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông và kiểm soát tải trọng xe; xây dựng, triển khai kế hoạch liên ngành, đồng thời phối hợp tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi chở hàng quá tải trọng, tự ý thay đổi kích thước thành, thùng xe; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền các quy định về trật tự, an toàn giao thông; chỉ đạo cán bộ xuống từng gia đình, cá nhân có xe kinh doanh vận tải nhỏ lẻ, bến, bãi, kho hàng để vận động ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về kiểm soát tải trọng.
Tình trạng xe chở quá tải vẫn diễn biến phức tạp
Ông Trần Xuân Quý, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh cho biết: Sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 32 của Thủ tướng Chính phủ, công tác kiểm soát tải trọng phương tiện vận tải hàng hóa trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng. Lực lượng chức năng tỉnh đã lắp đặt 1 trạm cân cố định, 5 cân di động, cấp 19 cân xách tay cho các tổ công tác; công an các huyện, thị xã, thành phố cũng được cấp cân tải trọng xách tay để tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về tải trọng trên địa bàn tỉnh.
Trong 5 năm (số liệu từ 25/11/2016 đến 15/11/2021), lực lượng chức năng của tỉnh và các địa phương đã kiểm tra 18.530 lượt phương tiện, xử lý 1.235 trường hợp vi phạm, thu phạt 13,67 tỷ đồng (trong đó: 901 trường hợp vi phạm tải trọng, thu 11,17 tỷ đồng; 334 trường hợp vi phạm kích thước thành, thùng, thu 2,5 tỷ đồng); tước 473 giấy phép lái xe...
Với sự vào cuộc kiểm tra, xử lý kiên quyết của lực lượng chức năng cũng như đẩy mạnh tuyên truyền đã góp phần làm chuyển biến nhận thức và hành động của các doanh nghiệp, lái xe trong thực hiện quy định vận chuyển hàng hóa. Đặc biệt là sau khi UBND tỉnh ban hành Văn bản số 2456 ngày 9/6/2021 về yêu cầu các dự án khai thác khoáng sản lắp đặt trạm cân và camera giám sát thì tình trạng xe chở quá tải đã hạn chế rất nhiều. Các doanh nghiệp vận tải lớn cơ bản chấp hành tốt quy định về tải trọng ngay tại các bến, bãi và chủ động cân tải trọng đối với các xe ra, vào bến…
Bất cập, hạn chế và giải pháp khắc phục
Thời gian qua, đã có nhiều biện pháp được Ban An toàn giao thông tỉnh và ngành chức năng triển khai, như trang bị trạm cân di động cho lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông; tăng cường tuần tra, xử lý các trường hợp xếp hàng quá tải lên xe ngay tại kho bãi, bến… Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn xe quá tải hoạt động khiến người dân bức xúc. Hệ lụy của tình trạng này là gây tai nạn giao thông, làm hạ tầng giao thông hư hỏng, phát sinh cạnh tranh không lành mạnh trong kinh doanh vận tải…
Theo ghi nhận của phóng viên, trên Quốc lộ 279 đoạn từ xã Làng Giàng đến nút IC16 (cao tốc Nội Bài - Lào Cai) thuộc địa phận xã Tân An (Văn Bàn); Tỉnh lộ 151 qua xã Võ Lao (Văn Bàn) đến xã Phú Nhuận (Bảo Thắng)… có nhiều điểm mỏ, nhà máy chế biến khoáng sản và trên Quốc lộ 4E (đường trung chuyển quặng từ các khu mỏ ở huyện Bát Xát và thành phố Lào Cai về Khu Công nghiệp Tằng Loỏng) vẫn là những cung đường “nóng” về tình trạng xe quá tải, quá khổ lưu thông. Trong năm 2021, qua tuần tra, kiểm soát trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ nêu trên, lực lượng chức năng đã xử lý 372 trường hợp chở quá tải và cơi nới thành, thùng xe; tước 312 giấy phép lái xe, xử phạt 3,39 tỷ đồng.
Theo Thượng tá Trần Long An, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, tình trạng để phương tiện chở quá tải tập trung chủ yếu ở một số doanh nghiệp nhỏ và phương tiện của hộ cá thể vận chuyển đất hoặc vật liệu xây dựng. Riêng trong năm 2021, lực lượng cảnh sát giao thông Công an tỉnh phát hiện, xử lý 115 phương tiện chở quá tải, thu phạt 1,2 tỷ đồng; công an các huyện, thị xã, thành phố xử lý 60 trường hợp vi phạm, thu phạt 601 triệu đồng.
Hiện tại, khó khăn lớn nhất đối với lực lượng chức năng trong tuần tra, kiểm soát tải trọng là chưa có kho, bãi, xe cẩu chuyên dụng để hạ tải nên đối với các trường hợp vi phạm, lực lượng chức năng chỉ có thể yêu cầu lái xe bố trí phương tiện sang tải, không thể hạ tải tại chỗ. Một số chủ phương tiện và lái xe còn tìm cách đối phó, cho người cảnh giới, theo dõi hoạt động của lực lượng chức năng. “Khi thấy lực lượng chức năng làm nhiệm vụ, lập chốt, trạm, các đối tượng báo tin để lái xe, doanh nghiệp thay đổi lộ trình di chuyển hoặc lùi xe, quay đầu trốn tránh. Thậm chí, có trường hợp cố tình không xuất trình giấy tờ, không đưa xe vào cân tải trọng hoặc khóa xe bỏ đi chỗ khác khi lực lượng chức năng ra tín hiệu dừng xe kiểm tra” - Thượng tá Trần Long An cho biết thêm.
Theo đánh giá của Ban An toàn giao thông tỉnh, hiện nay, công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý xe chở quá tải còn một số bất cập, như: Trang - thiết bị phục vụ việc kiểm tra tải trọng xe còn thiếu và chưa đồng bộ; công tác quản lý, tuần tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng nhiều thời điểm chưa kịp thời, dẫn đến tình trạng xe quá tải và vi phạm về kích thước thành, thùng bùng phát trở lại. Đặc biệt, ở một số nơi, tình trạng cấp ủy đảng, người đứng đầu chính quyền địa phương, đơn vị chức năng chưa sâu sát, thiếu quyết liệt, buông lỏng trong quản lý nhà nước và thực thi pháp luật trong kiểm soát tải trọng phương tiện…
Để công tác kiểm soát tải trọng xe phát huy được hiệu quả, tiến tới chấm dứt hoạt động của xe quá tải trọng cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cấp chính quyền, lực lượng chức năng. Trong đó, Công an tỉnh tiếp tục duy trì các tổ công tác tại các chốt trọng điểm, đồng thời bố trí lực lượng cơ động tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với hành vi chở hàng quá tải trọng, thay đổi kích thước thành, thùng xe...
Sở Giao thông vận tải - Xây dựng cần tiếp tục duy trì hoạt động của Trạm kiểm soát tải trọng do Bộ Giao thông vận tải trang bị; lực lượng thanh tra giao thông cần tăng cường xử lý xe quá tải tại bến, bãi, mỏ vật liệu xây dựng, nơi tập kết hàng hóa lên xe ô tô. Cùng với đó, các cấp, ngành đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý tải trọng, tạo sự đồng thuận của các doanh nghiệp vận tải, chủ hàng, chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện…