Bắc Ninh: Giải pháp bảo đảm trật tự ATGT dịp Tết Nguyên đán

Thứ sáu, 21/01/2022 15:10
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Bắt đầu từ ngày 15/12/2021 đến ngày 14/2/2022, Ban ATGT tỉnh xây dựng, triển khai Kế hoạch cao điểm bảo đảm trật tự ATGT trước, trong, sau Tết Nguyên đán. Với các giải pháp quyết liệt, cụ thể trên từng tuyến đường, địa bàn trọng điểm, đến từng nhóm đối tượng tham gia giao thông, chắc chắn sẽ bảo đảm mục tiêu giảm sâu cả 3 tiêu chí, số vụ, số người chết, số người bị thương do tai nạn giao thông, giữ bình yên trên mỗi tuyến đường.

Nhận định tình hình từ thực tiễn cho thấy, dịp Tết, trật tự ATGT luôn diễn biến phức tạp, khó lường khi lưu lượng người, phương tiện cá nhân tham gia giao thông tăng cao gấp nhiều lần so các thời điểm trong năm; hiện tượng uống rượu, bia điều khiển phương tiện khá phổ biến; nhóm đối tượng thanh, thiếu niên tụ tập lạng lách, đánh võng, đua xe... khiến tai nạn giao thông tăng cao. Trước thực tế đó, Ban ATGT tỉnh yêu cầu ngành chức năng, Ban ATGT các địa phương và toàn xã hội cùng vào cuộc, thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT, duy trì giao thông thông suốt, đáp ứng tốt nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa, đi lại thuận tiện, an toàn cho người dân, giảm tai nạn giao thông xuống mức thấp nhất, hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản từ tai nạn giao thông, tạo tiền đề thực hiện hiệu quả chương trình công tác Năm ATGT 2022.

Thời điểm này, Công an tỉnh đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ triển khai cao điểm về bảo đảm trật tự ATGT, trật tự xã hội. Tăng cường tuần tra, kiểm soát và đấu tranh có hiệu quả với tất cả các hành vi vi phạm, bảo vệ tuyệt đối an toàn các hoạt động vận tải, nhu cầu vui chơi, lễ hội của nhân dân trong dịp trước, trong, sau Tết.

Tập trung xử lý nghiêm các hành vi vi phạm: Đua xe trái phép; vi phạm về nồng độ cồn, ma túy; chạy quá tốc độ; chở quá tải, quá số người quy định; không đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô, xe gắn máy; không nhường đường cho xe ưu tiên; đi vào làn đường khẩn cấp; vi phạm khi qua đường ngang; đón, trả khách không đúng nơi quy định; không có GPLX hoặc GPLX không hợp lệ; xe hết niên hạn sử dụng, quá hạn kiểm định... là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông. Tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm vào ban đêm, khu vực nông thôn.

Trong quá trình thực hiện, lực lượng chức năng sẽ sử dụng hiệu quả hệ thống camera giám sát, cân tải trọng và các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hiện đại, nhằm ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm Luật Giao thông. Đồng thời, chỉ đạo công an các huyện, thành phố phối hợp chặt chẽ với các lực lượng khác như Cảnh sát 113, lực lượng công an xã, thanh tra giao thông để bố trí ứng trực trên các tuyến giao thông trọng điểm, các khu vực giao thông phức tạp, có nguy cơ ùn tắc cao; xây dựng phương án tổ chức, phân luồng điều tiết giao thông, sẵn sàng giải toả, cứu nạn kịp thời khi xảy ra sự cố, tai nạn, không để ùn tắc giao thông.

Siết chặt các biện pháp bảo đảm trật tự ATGT tại các địa bàn trọng điểm

Sở Giao thông vận tải cũng yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về ATGT. Xây dựng phương án tổ chức vận tải hành khách phù hợp, đảm bảo an toàn phòng dịch COVID-19, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân; đổi mới phương thức bán vé và kiểm soát chặt chẽ việc niêm yết giá vé, không để xảy ra tình trạng ùn tắc, chậm, hủy chuyến, thiếu phương tiện.

Tăng cường kiểm tra an toàn kỹ thuật phương tiện, sử dụng dữ liệu giám sát hành trình của xe ô tô để xử lý các trường hợp vi phạm; đình chỉ hoạt động các bến xe trái phép; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tái vi phạm hành lang ATGT, các hành vi chở hàng quá trọng tải quy định... bảo đảm lưu thông, an toàn trong vận tải hành khách, hàng hóa.

Với cương vị chủ trì, Ban An toàn giao thông tỉnh tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện công tác bảo đảm trật tự ATGT của các ngành, địa phương trước, trong, sau Tết; gắn trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương nếu để xảy ra tai nạn giao thông; công bố số điện thoại đường dây nóng trên các phương tiện thông tin đại chúng để tiếp nhận ý kiến phản ánh về ATGT của người dân trong dịp Tết, lễ hội, từ đó có phương án chấn chỉnh kịp thời; chỉ đạo, phối hợp các cơ quan liên quan giải quyết, khắc phục kịp thời các sự cố về ATGT; thành lập các đoàn kiểm tra công tác bảo đảm trật tự ATGT tại các địa phương, khu vực có tình hình giao thông phức tạp và tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật ATGT dưới mọi hình thức, tạo sự chuyển biến toàn diện về ý thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân khi tham gia giao thông.

Tai nạn giao thông giảm nhưng chưa thực sự mang tính bền vững, nhất là sau khi nới lỏng giãn cách xã hội theo Nghị quyết 128 của Chính phủ và dịp Tết này, đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước về bảo đảm trật tự ATGT phải có phương án, kịch bản cụ thể, ứng phó với mọi tình huống giao thông phức tạp, sao cho ATGT dịp Tết thực sự diễn ra an toàn.

kimcuc

Nguồn: Báo Bắc Ninh

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)