Thời gian qua, các cấp, ngành chức năng trên địa bàn tỉnh Hà Giang tăng cường phối hợp, triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Lực lượng Cảnh sát Giao thông tuần tra, xử lý vi phạm
Là tỉnh miền núi có địa hình chia cắt phức tạp, hạ tầng giao thông phát triển chưa đồng bộ, trình độ dân trí, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế… đây là những nguyên nhân ảnh hưởng đến công tác đảm bảo ATGT trên địa bàn. Để hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật đảm bảo TTATGT, kéo giảm tai nạn giao thông bền vững, UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, gắn trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu với kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo đảm TTATGT trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền thực thi công vụ. Các sở, ban, ngành, đoàn thể là thành viên Ban ATGT các cấp căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ xây dựng kế hoạch hoạt động, bố trí ngân sách phù hợp cho công tác đảm bảo TTATGT. Cùng với đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nhiệm vụ ATGT đến cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân…
Thượng tá Hoàng Anh Đức, Trưởng Phòng CSGT, Công an tỉnh cho biết: Với mục tiêu nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật đảm bảo ATGT, đơn vị đã tăng cường chỉ đạo các Đội, Trạm trực thuộc huy động tối đa lực lượng, phương tiện tham gia tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, tập trung các lỗi là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông. Năm 2021, lực lượng CSGT toàn tỉnh phát hiện 25.928 trường hợp vi phạm, xử phạt thu, nộp vào Kho bạc Nhà nước trên 12,4 tỷ đồng.
Song song với đó, tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, ngành, đoàn thể, chính quyền các cấp tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT, vận động toàn dân chấp hành tốt các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông. Đồng thời, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác bảo đảm TTATGT, trước hết là chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành vận tải, điều khiển giao thông, giám sát, phát hiện và xử lý vi phạm về TTATG. Nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, chiến sĩ trong thực thi nhiệm vụ… góp phần giảm tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí về số vụ, số người tử vong và bị thương so với cùng kỳ.
Cùng với các nhiệm vụ trên, công tác tổ chức và hoàn thiện hạ tầng giao thông thường xuyên được chú trọng. Hàng năm, các công trình giao thông được quản lý bảo trì, kiểm tra, bảo dưỡng và lập dự toán quản lý, bảo dưỡng cho các tuyến đường quản lý. Làm tốt công tác ATGT trong hoạt động vận tải, tăng cường thực hiện các biện pháp giảm thiểu tai nạn giao thông trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Đặc biệt, các ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp đang đẩy mạnh thực hiện Chiến lược quốc gia đảm bảo TTATGT đường bộ giai đoạn 2021 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh.
Mục đích của chiến lược nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cơ quan quản lý Nhà nước đối với công tác đảm bảo TTATGT; giảm số vụ tai nạn giao thông đường bộ bền vững, tiến tới xây dựng hệ thống giao thông an toàn, thông suốt, hình thành văn hóa giao thông. Các giải pháp tập trung vào đẩy mạnh ứng dụng công nghệ về an toàn kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ; tập trung ưu tiên nguồn vốn đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo các tuyến đường trọng yếu. Nâng cao ý thức, kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho người dân; đẩy mạnh tuần tra, xử lý vi phạm, hình thành ý thức tự giác chấp hành pháp luật…
Với các giải pháp đồng bộ trong nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật đảm bảo TTATGT, tình hình ATGT trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Trong 3 năm trở lại đây, tai nạn giao thông liên tục giảm trên cả 3 tiêu chí; ý thức, văn hóa giao thông được nâng lên rõ rệt; nâng cao chất lượng phương tiện vận tải... góp phần cho KT – XH của tỉnh phát triển bền vững.