Sau vụ chìm ca nô ở Quảng Nam khiến 17 người tử vong, nhiều địa phương đã thực hiện việc rà soát, kiểm tra các tàu thuyền phục vụ chở khách.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT, Cục Đăng kiểm Việt Nam, Sở GTVT các tỉnh như Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Bình đã triển khai kế hoạch thanh tra đường thủy, hàng hải để kiểm tra, rà soát an toàn kỹ thuật phương tiện tàu thủy chở khách cao tốc mang cấp VR-SB (sông pha biển) tàu biển cao tốc chở khách từ bờ ra đảo và các tàu, thuyền chở khách trên sông, khu du lịch.
Hành khách đi trên phà thuộc xã Hải Yến, huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá không mặc áo phao theo quy định
Khách chủ quan, chủ đò vẫn xem nhẹ an toàn
Tại Thanh Hoá, trong ngày 8/3, lực lượng TTGT (Sở GTVT Thanh Hoá) đã kiểm tra tại Khu du lịch biển Hải Tiến (thuộc huyện Hoằng Hoá) và 2 bến phà chở khách qua sông Lạch Trường thuộc địa phận huyện Hậu Lộc và Hoằng Hoá.
Qua công tác kiểm tra, tại Khu du lịch có 2 tàu cao tốc (công suất 400CV) với trọng tải chở 26 người/tàu.
Đại diện Công ty CP đầu tư và Du lịch Đại Dương Xanh - đơn vị quản lý, khai thác đã cơ bản đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, có đăng kiểm, giấy phép hoạt động, chứng chỉ chuyên môn hành nghề lái tàu.
Khu du lịch biển Hải Tiến vắng bóng khách
"Mùa này không phải là mùa du lịch và trong bối cảnh dịch Covid -19 thì hầu như không có khách nên cả 2 tàu ca nô đều đưa lên bờ chuyển đến khu vực nhà kho ở nơi khác để bảo quản các thiết bị, máy móc", ông Nguyễn Tiến Đức - Quản lý bến ca nô của Công ty CP đầu tư và Du lịch Đại Dương Xanh cho hay.
Ở huyện Hậu Lộc, tại bến thuyền của ông Mai Văn Huỳnh (50 tuổi, ngụ ở xã Hải Lộc), lực lượng TTGT phát hiện việc chở khách ở bến này không đảm bảo yêu cầu như: Không có bảng niêm yết giá, thiếu áo phao cho hành khách.
Theo đại diện Công ty CP đầu tư và Du lịch Đại Dương Xanh cho biết đơn vị đang quản lý sử dụng 2 ca nô có công suất 400 CV nhưng đã mang đi nơi khác do chưa đến mùa du lịch
Tương tự, ở bến phà của Hợp tác xã dịch vụ thương mại Quyết Thắng (ở xã Hoằng Yến, huyện Hoằng Hoá), không có bảng ghi nội quy, bảng niêm yết giá, có áo phao nhưng lại không đưa cho hành khách mặc qua sông.
Ông Trần Văn Trường - Đội trưởng Đội TTGT đường thuỷ cho biết: Đối với những trường hợp vi phạm chúng tôi sẽ xử lý nghiêm.
Hầu như năm nào cũng đi kiểm tra đối với các bến thuỷ, chủ tàu nhưng khi có lực lượng TTGT thì cơ bản họ chấp hành tốt nhưng khi vắng bóng lực lượng TTGT thì chủ tàu, đơn vị quản lý lại lờ đi, không yêu cầu hành khách mặc áo phao.
Tổng rà soát để mở lại du lịch an toàn
Tại Nghệ An, ông Nguyễn Viết Hùng – Chánh thanh tra Sở GTVT Nghệ An cho biết: Trong năm 2021 và 3 tháng đầu năm 2022, Sở đã chỉ đạo các Đội Thanh tra GTVT khu vực phối hợp với chính quyền địa phương các cấp, các đơn vị quản lý đường thủy thực hiện hơn 30 đợt kiểm tra công tác bảo đảm ATGT đường thủy.
Qua kiểm tra đã phát hiện một số tồn tại, vi phạm trong hoạt động giao thông đường thủy nội địa, Thanh tra Sở đã kiến nghị Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã nơi xảy ra các tồn tại, vi phạm xử lý nghiêm theo quy định.
Lực lượng TTGT Thanh Hoá đang kiểm tra việc chấp hành
các quy định về đường thuỷ tại bến đò xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc
Riêng ở Nghệ An, công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm đường thủy còn được xây dựng thành quy chế phối hợp liên ngành.
Từ tháng 6/2021 Sở GTVT Nghệ An và Công an tỉnh này đã ban hành Quy chế phối hợp số 205/QCPH/CAT-SGTVT-CCĐK3 về phối hợp liên ngành bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa năm 2021.
Thanh tra Sở đã cử 38 lượt cán bộ, thanh tra viên tham gia các Tổ công tác, Đoàn liên ngành; kết quả đã kiểm tra 41 bến thủy nội địa, xử lý vi phạm đối với 21 chủ bến thủy nội địa, vi phạm 27 lỗi, phạt tiền bằng 123,5 triệu đồng.
Về công tác chuẩn bị cho du lịch, qua rà soát, hiện trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 2 bến hành khách phục vụ du lịch, gồm: Bến Lan Châu - Hòn Ngư (thị xã Cửa Lò) có 4 phương tiện đăng ký, phục vụ hợp đồng theo chuyến; Bến Sông Lam (phường Bến Thủy, thành phố Vinh) có 1 nhà hàng nổi, phục vụ hợp đồng theo chuyến dọc theo sông Lam.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT, Cục Đăng kiểm Việt Nam,
nhiều địa phương triển khai kiểm tra việc chở khách trên sông nước
“Để chuẩn bị cho mùa du lịch Cửa Lò sắp tới, Thanh tra Sở đang tiến hành tổ chức kiểm tra và làm việc với UBND thị xã Cửa Lò đề nghị các đơn vị có liên quan hoạt động vận tải khách du lịch trên đường thủy nội địa thực hiện nghiêm các quy định về an toàn giao thông đường thủy nội địa, đặc biệt là hoạt động vận tải khách trên tuyến đường thủy nội địa Lan Châu - Hòn Ngư”, ông Hùng cho biết.
Tại Quảng Bình, từ 15/3, cùng với cả nước, tỉnh này cũng mở cửa trở lại các hoạt động du lịch.
Để chuẩn bị cho việc mở cửa trở lại, từ nhiều tháng trước, lực lượng chức năng tỉnh này đã phối hợp với các sở ngành để kiểm tra điều kiện hoạt động của các cơ sở tham quan, du lịch; kiểm tra điều kiện hoạt động đối với các phương tiện chở khách du lịch bằng đường bộ và đường thủy...
Hiện toàn tỉnh Quảng Bình có 3 bến đò du lịch hoạt động ở khu vực Phong Nha – Kẻ Bàng với tổng số 401 phương tiện đều đủ điều kiện hoạt động đăng ký đăng kiểm, bố trí áo phao, phao cứu sinh đầy đủ. (Ảnh tư liệu)
Ông Trương Thanh Tiến – Chánh Thanh tra Sở GTVT Quảng Bình cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT, UBND tỉnh và Sở GTVT về đảm bảo ATGT dịp trước, trong và sau Tết, cũng như lễ hội mùa xuân, lực lượng thanh tra đã có kế hoạch kiểm tra các bến thủy nội địa, bến đò khách ngang sông, phương tiện du lịch, các cầu phao dân sinh.
Qua kiểm tra, những trường hợp nào đảm bảo tiêu chuẩn thì mới được phép hoạt động. Trong trường hợp không đủ điều kiện, TTGT phối hợp với chính quyền địa phương làm biên bản đình chỉ hoạt động và giao địa phương thường xuyên kiểm tra theo dõi.
“Gần đây nhất vào ngày 4/3, dưới sự chủ trì của Cục Đường thủy nội địa, Thanh tra Sở và các phòng ban chuyên môn của Sở đã đi kiểm tra ở tất cả các bến đò, bến khách du lịch trên địa bàn.
Qua kiểm tra, Quảng Bình không có phương tiện du lịch hoạt động ở cửa sông cửa biển.
Hiện toàn tỉnh chỉ có 3 bến đò du lịch hoạt động ở khu vực Phong Nha – Kẻ Bàng với tổng số 401 phương tiện.
Các phương tiện đều đủ điều kiện hoạt động đăng ký đăng kiểm, bố trí áo phao, phao cứu sinh đầy đủ.
Duy chỉ có một số thuyền trưởng (người điều khiển) do dịch Covid-19 để hết hạn chứng chỉ điều khiển nên đã được yêu cầu tạm đình chỉ hoạt động cho đến khi hoàn thành các thủ tục theo quy định.
Ngoài ra, đoàn cũng kiến nghị địa phương phát quang tầm nhìn tại khu vực bến. Nội dung này đang được địa phương thực hiện và sẽ hoàn thành trước ngày 15/3”, ông Tiến cho hay.
Trước đó, thực hiện Công điện số 04/CĐ-BGTVT của Bộ GTVT về việc khẩn trương khắc phục hậu quả vụ TNGT đường thủy đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Quảng Nam ngày 26/2, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị đăng kiểm thủy phối hợp với lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra chất lượng kỹ thuật tàu biển, phương tiện thủy chở khách từ bờ ra đảo.
Tại văn bản này, Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng đề nghị Sở GTVT các địa phương phối hợp trong công tác quản lý về an toàn phương tiện thủy trong khai thác vận tải, nhất là tàu chở khách, phục vụ lễ hội.