Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đến trường học tập an toàn, môi trường giao thông an toàn, Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh Tiền Giang phối hợp Tổ chức Cứu trợ trẻ em thực hiện sửa chữa, nâng cấp các hạng mục giao thông đường bộ tại khu vực các trường tiểu học trên địa bàn TP. Mỹ Tho, nhận được rất nhiều sự đánh giá tích cực của người dân, phụ huynh học sinh và nhà trường.
Ông Nguyễn Văn Vũ, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Tiền Giang cho biết: Ban ATGT tỉnh Tiền Giang, Ban Quản lý Dự án ATGT trẻ em tại TP. Mỹ Tho chọn thực hiện cải tạo cơ sở hạ tầng tại 4 trường tiểu học, gồm: Phước Thạnh (xã Phước Thạnh), Trung An (xã Trung An), Thiên Hộ Dương (phường 5) và Thủ Khoa Huân (phường 1) trên địa bàn TP. Mỹ Tho bởi những lý do: Thứ nhất, các trường đều nằm trên trục đường giao thông chính, có mật độ phương tiện lưu thông rất nhiều, phức tạp, có nhiều loại phương tiện giao thông tải trọng lớn (xe container, xe ô tô tải, xe khách, xe buýt...) lưu thông với tốc độ cao.
Thứ hai, tại khu vực trước cổng trường vị trí đậu, đỗ xe của phụ huynh đưa, đón học sinh chưa được cải tạo, nền sân lồi lõm… thường xuyên bị ngập nước khi trời mưa, nên phụ huynh thường xuyên đậu xe dưới lòng đường để đưa đón học sinh. Thứ ba, tình trạng mua bán hàng rong lấn chiếm vỉa hè, lòng đường gây mất trật tự ATGT trước cổng trường cũng thường xuyên xảy ra… Do đó, nguy cơ tiềm ẩn xảy ra tai nạn giao thông trước khu vực cổng trường là rất cao.
Tình trạng phức tạp tại các cổng trường đang được các cấp, các ngành
tỉnh Tiền Giang quan tâm nỗ lực chấn chỉnh
Trên cơ sở các nội dung trên, Ban ATGT tỉnh Tiền Giang, Ban Quản lý Dự án ATGT trẻ em tại TP. Mỹ Tho chọn đầu tư sửa chữa, nâng cấp các hạng mục giao thông đường bộ tại khu vực 4 trường tiểu học Phước Thạnh, Trung An, Thiên Hộ Dương và Thủ Khoa Huân là cấp bách và cần thiết, nhằm tạo điều kiện cho học sinh đến trường được thuận lợi, an toàn.
Khi triển khai cải tạo cơ sở hạ tầng, Ban ATGT tỉnh Tiền Giang muốn có những thay đổi như thế nào đối với hành vi tham gia giao thông của phụ huynh, học sinh, thưa đồng chí?
Theo Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vũ, việc triển khai cải tạo cơ sở hạ tầng, với hạng mục sửa chữa, nâng cấp các hạng mục giao thông đường bộ tại khu vực các trường tiểu học nhằm cải thiện, nâng cấp phần kỹ thuật hạ tầng, đáp ứng cho công tác làm việc, học tập hằng ngày của toàn thể thầy, cô giáo và các em học sinh, đây là điều rất cần thiết, đáp ứng nhu cầu đưa, đón trẻ em đến trường hằng ngày.
Ngoài ra, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đến trường an toàn, tạo hành lang ATGT cho trẻ, đây là điều mong mỏi của các cấp lãnh đạo địa phương và nhân dân. Qua đó, góp phần phòng ngừa tai nạn giao thông cho trẻ em và người dân.
Bên cạnh đó, việc đầu tư xây dựng công trình ATGT cho trẻ em tại TP. Mỹ Tho, với hạng mục sửa chữa, nâng cấp các hạng mục giao thông đường bộ tại khu vực các điểm trường là rất cần thiết, nằm trong kế hoạch chỉnh trang lại khu vực trước các cổng trường, tạo thêm diện mạo mới, trong điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội của thành phố ngày càng phát triển. Đây cũng là một trong những mục tiêu cần thực hiện trong việc đảm bảo ATGT tại khu vực trường học nhằm tạo hành lang an toàn cho trẻ đến trường và từ trường về nhà, nhất là TP. Mỹ Tho đã trở thành đô thị loại I.
Nói về những giải pháp để thực hiện việc cải tạo về cơ sở hạ tầng, với hạng mục sửa chữa, nâng cấp các hạng mục giao thông đường bộ tại khu vực các trường tiểu học, ông Nguyễn Văn Vũ cho biết: Với vai trò là đối tác chính, chủ trì của Dự án Cải tạo, nâng cấp hạng mục ATGT tại cổng trường tiểu học (gọi tắt là Dự án), Ban ATGT tỉnh Tiền Giang đã chủ động tích cực phối hợp với Tổ chức Cứu trợ trẻ em cùng với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tiền Giang, Ban ATGT TP. Mỹ Tho, Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Mỹ Tho, UBND các xã Trung An, Phước Thạnh, phường 1 và phường 5 tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện các hoạt động của Dự án, trong đó có hoạt động can thiệp cải tạo cơ sở hạ tầng, sửa chữa, nâng cấp các hạng mục giao thông đường bộ tại khu vực 4 trường tiểu học.
Bước đầu từ việc xin chủ trương phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền cho việc thực hiện Dự án; xây dựng kế hoạch chi tiết làm việc hợp tác cùng Tổ chức Cứu trợ trẻ em. Trực tiếp triển khai thực hiện các hoạt động của Dự án theo kế hoạch chi tiết đã được thống nhất; giám sát chặt chẽ và sẵn sàng hỗ trợ nhằm đảm bảo các hoạt động tại thực địa đạt hiệu quả. Theo dõi và quản lý các hoạt động Dự án của các ban, ngành liên quan để Dự án đạt được kết quả chất lượng; tuân thủ các quy định của nhà tài trợ (Tổ chức Cứu trợ trẻ em).
Ngoài ra, phân công cán bộ theo dõi, kiểm tra và giám sát đầy đủ tại công trình; thực hiện báo cáo đánh giá buổi kiểm tra, giám sát sau khi kết thúc kiểm tra, giám sát tại hiện trường (theo biểu mẫu của Dự án). Đơn vị thường xuyên cập nhật, trao đổi, phản hồi với nhà tài trợ (Tổ chức Cứu trợ Trẻ em) về tiến độ thi công, vấn đề phát sinh, đề xuất trong suốt quá trình giám sát tại hiện trường.