Tai nạn giao thông (TNGT) là hiểm họa thường trực đối với người tham gia giao thông. Do đó, việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật an toàn giao thông (ATGT) của mỗi người dân khi tham gia giao thông sẽ góp phần giảm thiểu TNGT.
Người dân tham gia giao thông
Thực tế, TNGT vẫn diễn ra mỗi ngày và trở thành vấn nạn báo động trong xã hội. TNGT xảy ra phần lớn do ý thức người tham gia giao thông quá kém. Thời gian qua, công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật ATGT kết hợp với tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm được các cấp, ngành, địa phương thường xuyên quan tâm, triển khai thực hiện. Trong đó, tuyên truyền phổ biến giáo dục, pháp luật ATGT với nhiều hình thức, nội dung phong phú, hướng đến nhiều đối tượng khác nhau được xem là giải pháp chủ yếu, quan trọng hàng đầu trong việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông cho người dân. Qua đó, đã mang lại hiệu quả, góp phần nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật ATGT, đảm bảo trật tự ATGT, kiềm chế và kéo giảm TNGT.
Ông Lê Thanh Nhàn (ngụ huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) cho biết: “Xem trên báo, đài thấy TNGT vẫn xảy ra mỗi ngày, không nơi này thì nơi khác. Bởi vậy, khi chạy xe tôi quan sát rất kỹ, chạy chậm để đảm bảo an toàn, trên hết là cho chính mình. Tôi thường nhắc nhở con cháu trong nhà tham gia giao thông cẩn thận”.
Còn chị Nguyễn Thị Kim Tú (ngụ huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) chia sẻ: “Hơn ai hết, mình điều khiển phương tiện trên đường phải chấp hành tốt quy định để an toàn cho chính mình và người đi đường. Tôi còn tập thói quen đội nón bảo hiểm cho con khi còn nhỏ. Đến giờ, dù chỉ mới 5 tuổi nhưng trước khi lên xe là con tôi tự lấy nón bảo hiểm đội, không cần cha mẹ nhắc nhở. Bản thân tôi khi điều khiển xe cũng chạy chậm, bởi an toàn là điều quý giá nhất”.
Tuy vậy, phần lớn các vụ TNGT đều xuất phát từ ý thức của người tham gia giao thông. Tình trạng vượt đèn đỏ, sử dụng điện thoại di động; người điều khiển môtô, xe đạp điện đi không đúng làn đường, phần đường, đi ngược chiều… vẫn còn xảy ra. Thậm chí, nhiều lái xe bất chấp quy định pháp luật và những cảnh báo về nguy cơ TNGT vẫn phóng nhanh, vượt ẩu, lấn phần đường quy định, lái xe sau khi uống rượu bia…
Anh Đặng Văn Khải (ngụ TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang) chia sẻ: “Trong quá trình tham gia giao thông, tôi gặp một số trường hợp không đội mũ bảo hiểm, lạng lách đánh võng. Điều này không chỉ gây nguy hiểm cho chính họ mà còn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn với những người đang lưu thông trên đường”.
Bên cạnh đó, nhiều tuyến đường người dân tự ý xâm phạm công trình đường bộ, lấn chiếm lòng lề đường để mua bán, đổ vật liệu xây dựng, phơi lúa còn khá phổ biến. Rất nhiều xe lưu thông trên đường mà không tuân thủ chỉ dẫn tín hiệu đèn giao thông, vạch kẻ đường... nên dẫn đến TNGT. Ông Trần Văn Hải (ngụ TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) chia sẻ: “Tôi thấy một số người dân chưa chấp hành tốt tín hiệu đèn đỏ, khi đèn đỏ chưa hết thì họ đã vượt qua. Hành vi đó rất nguy hiểm, có thể xảy ra TNGT bất cứ lúc nào”.
Hiện nay, trong quá trình tham gia giao thông tại các đô thị lớn vốn đã gặp nhiều khó khăn do quá tải về phương tiện và cơ sở hạ tầng, nên việc xảy ra ùn tắc, va chạm giao thông là điều khó tránh khỏi. Nhưng một số người tham gia giao thông có thái độ mất bình tĩnh, lớn tiếng cãi nhau, không nhường nhịn, không kiên nhẫn chờ đợi mà bấm kèn liên tục, lạng lách tìm mọi cách phải vượt qua bằng được điểm ùn tắc, bất chấp luật lệ.
Ông Nguyễn Văn Sáng (ngụ TP. Long Xuyên) cho biết: “Mỗi lần đi ngang các vòng xoay ngã 4 trong đô thị lớn vào giờ cao điểm, tôi phải tập trung cao độ. Bởi, ngoài lượng xe lưu thông nhiều, còn nhiều người tham gia giao thông kém ý thức, lạng lách để nhanh vượt qua vòng xoay. Điều này rất dễ va quẹt, té ngã gây TNGT”.
TNGT xảy ra, có người chết, cũng có người bị thương tật vĩnh viễn cùng với nhiều thiệt hại về kinh tế, sức khỏe, tinh thần cho bản thân và gia đình người bị nạn. Bản thân người vi phạm cũng tổn thất nặng nề về tiền bạc, sức khỏe, chịu tù tội, thậm chí mất mạng. Chưa kể, cộng đồng dân cư bị liên lụy, vì cần chung tay chia sẻ trước những mất mát, đau thương mà nạn nhân và gia đình phải gánh chịu. Do đó, mỗi người dân tham gia giao thông cần nâng cao hơn nữa ý thức tự giác chấp hành các quy định, đảm bảo an toàn.
Anh Nguyễn Minh Tân (ngụ huyện Phú Tân) cho biết: “Tôi thường xuyên nhắc nhở người thân và bạn bè lái xe cẩn thận và khi uống rượu bia thì không điều khiển, để bảo vệ bản thân và những người cùng tham gia giao thông”.
Anh Nguyễn Văn Út (tài xế xe khách) chia sẻ: “Trước khi tham gia lái xe, tôi được kiểm tra lại các kỹ năng thực hành lái xe, tập huấn kỹ năng phục vụ. Khi chở khách, dù chở người bệnh hay trường hợp gấp như thế nào vẫn phải tuân thủ quy định về tốc độ trên từng tuyến đường, không vượt ẩu, để đảm bảo an toàn cho hành khách”.
Đảm bảo trật tự ATGT không chỉ là trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương và lực lượng chức năng, mà rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của toàn xã hội. Vì vậy, mỗi người dân khi tham gia giao thông cần chấp hành nghiêm pháp luật ATGT và là những hạt nhân để lan tỏa văn hóa giao thông.