Để đạt mục tiêu 3 giảm và bảo đảm cho người dân khi tham gia giao thông ở cả đường bộ, đường sắt và đường sông được an toàn và thuận lợi, ngay từ đầu năm, Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai kế hoạch cao điểm kiểm tra, kiểm soát bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; giao Phòng Cảnh sát giao thông, Công an các huyện, thành phố huy động tối đa lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Lực lượng CSGT Công an TP Vĩnh Yên tăng cường xử lý vi phạm trên các trục giao thông chính
Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh, 3 tháng đầu năm, nhờ quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp, Vĩnh Phúc đã đạt mục tiêu 3 giảm về số vụ, số người bị chết, số người bị thương và là một trong số 11 tỉnh, thành phố có số người chết giảm do tai nạn giao thông trên 40%.
Siết chặt công tác bảo đảm an toàn giao thông, nhất là thực hiện Cao điểm kiểm tra, kiểm soát bảo đảm an toàn giao thông, từ ngày 1/3 đến hết ngày 31/12/2022, Lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, Công an các huyện, thành phố sẽ tăng cường tuần tra kiểm soát xử lý các hành vi điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn, dương tính ma túy, chở hàng quá tải trọng; xử lý vi phạm theo chuyên đề “người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn” và kế hoạch xử lý vi phạm theo chuyên đề "chở hàng quá tải trọng, quá khổ giới hạn, tự ý cải tạo phương tiện trên đường bộ”. Trong đó, tập trung trên các tuyến giao thông trọng điểm, những khu vực có mật độ giao thông cao như Quốc lộ 2, 2B, 2C, địa bàn thành phố Vĩnh Yên, thành phố Phúc Yên, các tuyến đường chính đi các huyện, thành phố và những nơi tập trung đông người như bến xe, khu vực trường học, chùa…
Trên đường thủy nội địa, với 44 bến, bãi kinh doanh tập kết cát, sỏi và 8 bến phà, bến đò khách ngang sông và trung bình mỗi ngày trên tuyến sông Hồng, Sông Lô có khoảng 800 phương tiện lưu thông. Mặc dù thời gian qua hầu hết chủ phương tiện tàu, thuyền, chủ bến phà, bến đò chở khách và người dân đã có ý thức hơn trong việc thực hiện các quy định an toàn giao thông đường thủy. Tuy nhiên, vẫn còn một số lỗi vi phạm tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn đường thủy như: Tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn đường thủy, cản trở luồng tàu thuyền di chuyển; quá hạn đăng kiểm; chưa trang bị đầy đủ dụng cụ cứu sinh; chở hàng hóa quá tải trọng,…Do đó, trong thời gian tới, cùng với xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật tất cả các lỗi vi phạm, lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng trong công tác hướng dẫn, điều tiết các phương tiện đi đúng đường, đúng hướng các luồng, lạch, đặt phao cảnh báo tại các điểm khó khăn về giao thông đường thủy; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, công cụ, vật tư sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra.
Đối với giao thông đường sắt, hiện tuyến đường sắt Yên Viên (Hà Nội) - Lào Cai chạy qua địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc dài hơn 32km đi qua một số xã, phường thuộc thành phố Vĩnh Yên, Phúc Yên và các huyện Bình Xuyên, Tam Dương, Vĩnh Tường. Do trên tuyến có 10 đường ngang có gác chắn, 5 điểm đường ngang có cần báo tự động, 1 đường ngang biển báo và có 17 lối đi tự mở qua đường sắt.
Để bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt, thời gian qua, Ban An toàn giao thông tỉnh Vĩnh Phúc đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng đẩy nhanh tiến độ xây dựng tuyến đường bộ song song đường sắt; xác định những vị trí có thể xây dựng đường gom, tạo lối đi chung để xóa bỏ đường dân sinh cắt ngang qua đường sắt. Phối hợp với chính quyền các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền Luật Đường sắt, hậu quả, tác hại của các hành vi vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt; tăng cường kiểm tra, rà soát, xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông; tổ chức ký cam kết với các hộ kinh doanh ven đường, hộ có phương tiện giao thông gần đường sắt không vi phạm các quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt; phối hợp với các trường học có đường sắt chạy qua phát động phong trào, cuộc thi “Em yêu đường sắt quê em”, “Thiếu nhi bảo vệ an toàn giao thông đường sắt”; duy trì lực lượng quần chúng nhân dân tham gia đứng gác tại 16 điểm giao cắt giữa đường sắt và đường bộ.
Đặc biệt, để xóa các điểm đen mất an toàn giao thông đường sắt, Ban An toàn giao thông tỉnh Vĩnh Phúc đã báo cáo và được UBND tỉnh đồng ý chủ trương nghiên cứu xây dựng gác chắn tự động tại các vị trí: Km43+265, Km48+770, Km46+070, Km57 +913, huyện Bình Xuyên; Km68+00, huyện Vĩnh Tường; Km39+830, thành phố Phúc Yên. Riêng điểm đen về an toàn giao thông tại lối tự mở vị trí Km66+860 địa phận xã Yên Lập, huyện Vĩnh Tường, Sở Giao thông vận tải đề nghị UBND tỉnh có văn bản báo cáo Bộ Giao thông vận tải cho phép đầu tư nâng cấp từ lối đi tự mở thành đường ngang có người gác.
Riêng trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, lực lượng Cảnh sát giao thông sẽ tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành gây cản trở giao thông, chống lại lực lượng thi hành công vụ; phòng, chống đua xe trái phép, chạy xe lạng lách, đánh võng, gây rối trật tự công cộng, chủ động ngăn chặn ngay từ khi nhen nhóm; đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm...Thường xuyên tuần tra, kiểm soát cơ động bằng xe ôtô, môtô để xử lý các vi phạm; sử dụng hiệu quả hệ thống giám sát, xử lý vi phạm.