Tuyên Quang có địa hình đồi núi phức tạp, mùa mưa bão đến thường xảy ra lũ quét, sạt lở đất, đá, cây cối đổ gẫy gây hư hỏng cầu đường, gây ách tắc giao thông. Do vậy, Sở Giao thông vận tải đã chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị trực thuộc và phối hợp với các địa phương tăng cường cảnh báo các điểm xung yếu trên các tuyến đường thường xuyên bị ngập, những đoạn taluy nguy cơ sạt trượt; chủ động phòng chống sạt lở đường, bảo đảm giao thương hàng hóa, đi lại cho người dân, doanh nghiệp.
Hạ mái taluy dương, mở rộng nền đường
đảm bảo an toàn giao thông đoạn Đèo Gà (Chiêm Hóa)
Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải, trong năm 2021, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra các trận mưa lớn, kèm theo gió lốc kéo dài gây ra ngập cục bộ một số đoạn tuyến và làm sạt lở mái taluy âm, dương làm ách tắc một số tuyến quốc lộ, tỉnh lộ. Cụ thể đợt mưa lũ năm 2021 đã có 5 tuyến Quốc lộ 2C, 37, 279, 3B, 280 bị sạt taluy dương với gần 30.000 m3 đất đá tràn ra đường; hơn 2.100m2 mặt đường bị hư hỏng cùng nhiều hạng mục phụ trợ trên các tuyến đường bị hư hại do mưa lũ. Do có sự chuẩn bị tốt và chủ động trong công tác phòng chống thiên tai nên các điểm xô, sạt lở, hư hỏng mặt đường, tràn, ách tắc nhanh chóng được thông xe.
Anh Nguyễn Văn Thân, cán bộ kỹ thuật Hạt Quản lý giao thông huyện Lâm Bình cho biết, trên địa bàn huyện có 22 tuyến đường do huyện quản lý, tổng chiều 125,3 km. Địa bàn độ dốc cao, mùa mưa lũ đến thường gây sạt lở và ách tắc giao thông, trong đó một số tuyến đường thường xuyên xảy ra ách tắc giao thông như tuyến đường ĐH02 từ xã Thượng Lâm đến bến thủy dài 4km, tuyến đường vừa được đầu tư nâng cấp mở rộng nền đường. Tuy nhiên, do kết cấu địa chất cùng độ dốc lớn, mái taluy dương cao, tuyến đường này vẫn thường xuyên xảy ra sạt lở đất, đá mỗi khi trời mưa dông. Hay tuyến đường ĐH 03 từ thôn Nà Chúc đi thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang dài khoảng 14 km có nhiều vị trí cầu tràn qua suối, mùa mưa đến nước lũ về chia cắt tuyến đường việc di chuyển rất khó khăn.
Để khắc phục và đảm bảo an toàn giao thông khi có sự cố xảy ra, Hạt Quản lý giao thông huyện Lâm Bình thường xuyên kiểm tra nắm bắt tình hình, chuẩn bị nhân lực, máy móc xử lý nhanh các điểm sạt lở đảm bảo tuyến giao thông thông suốt. Đối với các điểm cầu tràn qua suối, hạt cử cán bộ trực, kiên quyết không để người và phương tiện di chuyển qua suối khi nước lũ về. Từ đầu năm đến nay cũng đã xuất hiện thời tiết cực đoan như dông, lốc làm cây cối đổ ra đường, tuy nhiên do chuẩn bị các phương án từ trước nên cây cối đã được dọn dẹp nhanh chóng đảm bảo người dân và các phương tiện đi lại an toàn.
Hàng năm, Sở Giao thông vận tải tổ chức các lớp tập huấn thực hành phương án xử lý sự cố do mưa bão gây ra nhằm khắc phục nhanh, sát tình hình thực tế, chú trọng nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ thực hiện công tác phòng, chống thiên tai. Rút kinh nghiệm những năm trước, ngay từ đầu năm 2022, Sở đã tập trung chỉ đạo, xử lý nhanh, hiệu quả việc khắc phục hậu quả lũ bão, không để xảy ra tình trạng ách tắc kéo dài trên các tuyến đường. Đối với những ngầm thường xuyên bị ngập sâu, Sở chỉ đạo cải tạo, sửa chữa, thay thế bằng cống hộp có kích thước, khẩu độ lớn nhằm thoát lũ nhanh, tạo thông suốt cho các tuyến đường. Những tuyến thường xuyên có nguy cơ sạt trượt, Sở chỉ đạo các đơn vị quản lý cắm biển cảnh báo để người dân biết, phòng tránh khi có mưa lũ. Mặt khác, tăng cường gia cố những nơi thường xuyên sạt trượt taluy âm, taluy dương bằng rọ thép. Bên cạnh đó, các đơn vị trực thuộc chuẩn bị đầy đủ vật tư dự trữ, phương tiện, lực lượng sẵn sàng khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt khi có thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ".
Từ đầu năm đến nay, qua những đợt mưa dông trái mùa đã gây sạt lở tại một số tuyến đường trên địa bàn các huyện Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình... Trong khi đó, mùa mưa bão năm nay được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, do vậy Sở Giao thông vận tải đã chủ động xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Cùng với đó tích cực kiểm tra, rà soát những tuyến đường giao thông, đặc biệt là tuyến đường nguy cơ cao gây nguy hiểm cho người và phương tiện để chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai các giải pháp khắc phục kịp thời.