Ngành Giao thông Vĩnh Phúc chủ động ứng phó với thiên tai

Thứ ba, 14/06/2022 10:58
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Với phương châm “4 tại chỗ”, ngành Giao thông vận tải (GTVT) Vĩnh Phúc đã xây dựng kịch bản ứng phó, khẩn trương khắc phục sự cố trên các tuyến đường được giao quản lý, đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) cho người và phương tiện. Từ đó, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, giảm nhẹ ảnh hưởng của thiên tai đối với cơ sở hạ tầng và các công trình giao thông.

Lực lượng Thanh tra Sở GTVT Vĩnh Phúc trực gác tại các vị trí ngập úng cục bộ,
các ngầm tràn để hướng dẫn phân luồng, điều tiết giao thông,
giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản khi tham gia giao thông

Những ngày qua, mưa lớn đã làm nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc ngập sâu trong nước, nhiều khu dân cư bị “chia cắt” bởi nước lũ. Đặc biệt, nhiều tuyến giao thông do mưa lớn đã bị sạt lở đất; nhiều cây cổ thụ bật gốc, làm hư hại kết cấu đường giao thông…, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh doanh nghiệp và đời sống, sinh hoạt của nhân dân.

Sở GTVT Vĩnh Phúc đã tập trung chỉ đạo các đơn vị chuyên môn khẩn trương triển khai các biện pháp nhanh chóng thông tuyến, khắc phục thiệt hại mưa lũ, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện, như: Chỉ đạo lực lượng Thanh tra Sở phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện phân luồng, trực gác, đảm bảo ATGT tại Km1+900 trên ĐT310B (cầu chui đường sắt Hà Nội - Lào Cai thuộc địa phận xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên).

Đối với khu vực sạt lở đất, đá taluy dương đoạn từ Km2+800 - Km3+500 trên ĐT306B, Sở GTVT Vĩnh Phúc đã chỉ đạo đơn vị quản lý, bảo trì tuyến đường là Liên danh Công ty Cổ phần quản lý và sửa chữa đường bộ Vĩnh Phúc và Công ty cổ phần Quản lý và Xây dựng giao thông Thái Nguyên thực hiện dọn đất, đá sạt lở; chăng dây đảm bảo giao thông trên tuyến.

Riêng các tuyến đường bị ngập úng nặng trong thành phố Vĩnh Yên, chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông thường xuyên ứng trực, hướng dẫn, điều tiết giao thông. Đến thời điểm hiện tại, các tuyến đường do Sở GTVT quản lý nước đã rút hết, phương tiện và người lưu thông ổn định, an toàn.

Tuy nhiên, mực nước tại các hồ chứa, sông, ngòi trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện đang ở mức cao, ngành chức năng đã phải xả tràn hồ Đại Lải, Xạ Hương, Thanh Lanh… Nhằm đảm bảo ATGT cũng như bảo vệ hệ thống công trình hạ tầng giao thông, Sở GTVT đã phối hợp với các ngành tổ chức phân luồng, điều tiết giao thông tại các vị trí như Đập tràn Thanh Cao, tràn cầu Nhội, tràn Lâm Bò, tràn Công nông binh…

Tập trung sửa chữa, xử lý các vị trí “cao su, ổ gà”, bạt lề, thông cống, vét rãnh trên các tuyến đường để thoát nước và chống hư hỏng công trình. Bổ sung cọc tiêu, biển báo hiệu để đảm bảo ATGT trên tuyến.

Ông Phạm Tuấn Giang, Chánh Thanh tra Sở GTVT Vĩnh Phúc cho biết: “Việc xả tràn một số hồ chứa lớn trên địa bàn tỉnh như: Thanh Lanh, Đại Lải, Xạ Hương… khiến cho mực nước tại các sông dâng cao và tại các điểm xung yếu, ngầm tràn rất nguy hiểm.

Lực lượng Thanh tra giao thông đang phối hợp với các đơn vị quản lý, bảo trì đường bộ tăng cường công tác tuần tra, tuần đường, bố trí nhân lực trực, đảm bảo giao thông nghiêm túc 24/24h (đặc biệt các vị trí thường xuyên xảy ra ngập úng).

Phối hợp với ngành chức năng và chính quyền các địa phương tổ chức dựng rào chắn, lắp đặt biển cảnh báo, trực gác và phân luồng, hướng dẫn giao thông tại các vị trí này nhằm hạn chế người dân đi vào những vùng có nguy cơ ảnh hưởng của mưa lũ”.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, những ngày tới, vùng núi Bắc Bộ vẫn còn mưa dông trên diện rộng và cục bộ, có những điểm khả năng mưa to. Để chủ động ứng phó với mưa bão, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản khi tham gia giao thông, ngành GTVT tiếp tục triển khai có hiệu quả kịch bản ứng phó với thiên tai.

Tập trung tuần tra, phát hiện kịp thời cây, cột điện đổ, đất đá xô, cống rãnh bị tắc, những hư hỏng của công trình đường bộ để có biện pháp sửa chữa khắc phục ngay; chú trọng công tác khơi thông cống, rãnh, đảm bảo thoát nước mặt đường sau cơn mưa...

Đối với những đoạn đường hoặc ngầm tràn hay bị ngập và cầu yếu, chủ động phối hợp với các ngành chuyên môn và chính quyền địa phương gác chắn phân luồng giao thông, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân; đồng thời cử người trực theo dõi và có biện pháp xử lý kịp thời khi nước rút.

Đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục quản lý đường bộ I - đơn vị quản lý, bảo trì tuyến Quốc lộ 2 đoạn qua địa bàn tỉnh và Quốc lộ 2 đoạn tránh thành phố Vĩnh Yên bảo trì, sửa chữa hư hỏng mặt đường, vá ổ gà, khơi thông cống rãnh xong trước mùa mưa bão, bổ sung thay thế hệ thống cột tiêu, biển báo, sơn làn hướng dẫn giao thông…

Đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường nhân lực trực gác tại các vị trí ngập úng cục bộ, hướng dẫn phân luồng giao thông. Tăng cường tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh địa phương về việc tuân thủ hiệu lệnh của các lực lượng chức năng và người trực gác, điều tiết đảm bảo giao thông tại các vị trí xung yếu, ngập úng trên các tuyến đường.

hoavt

Nguồn: Báo Vĩnh Phúc

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)