Nhằm ngăn chặn kịp thời các hành vi là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông, Bộ Công an đã ban hành kế hoạch mở đợt cao điểm kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trên các tuyến giao thông…
Thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc chấp hành quy định về phòng, chống tác hại của rượu, bia và căn cứ vào tình hình thực tiễn, yêu cầu thiết lập lại TTATGT trong tình hình mới và để kịp thời phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và tập trung xử lý từ gốc các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, gây mất an ninh trật tự như: vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông đường bộ; vi phạm tốc độ trên đường bộ; vi phạm về “cơi nới” thùng xe và chở hàng quá trọng tải, quá khổ trên đường bộ; phương tiện thủy chở quá vạch dấu mớn nước an toàn, hàng hóa không hóa đơn, chứng từ, cảng, bến thủy nội địa không phép, Bộ Công an ban hành Kế hoạch cao điểm kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm TTATGT.
Lực lượng CSGT tuần tra xử lý xe tải vi phạm trên địa bàn Hà Nội.
Theo đó, lực lượng Cảnh sát giao thông thuộc Cục Cảnh sát giao thông và Cảnh sát giao thông các đơn vị địa phương thực hiện môt số nhiệm vụ trọng tâm như sau:
Tập trung xử lý người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới vi phạm về nồng độ cồn
Tổ chức tuyên truyền, vận động các chủ nhà hàng, quán bar, vũ trường… tuyên truyền, nhắc nhở khách hàng đến ăn uống chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, không điều khiển phương tiện giao thông sau khi đã uống rượu, bia.
Đồng thời tập trung lực lượng, phương tiện thiết bị nghiệp vụ để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về nồng độ cồn; trong quá trình thực hiện chủ động phòng ngừa hành vi chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng. Đối với các trường hợp vi phạm là đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang... gửi về cơ quan quản lý để có biện pháp xử lý theo quy định.
Xử lý nghiêm tình trạng phương tiện vận tải hàng hóa vi phạm quy định về “cơi nới” thùng xe và chở hàng quá trọng tải, quá khổ
Tổ chức tuyên truyền, vận động chấp hành nghiêm chỉnh việc bốc xếp, chở hàng hóa đúng trọng tải thiết kế của xe, không “cơi nới” thùng xe đến từng doanh nghiệp, nhà máy, chủ bến bãi, xưởng cơ khí, sửa chữa ô tô và vận động các doanh nghiệp, cá nhân có phương tiện vận tải vi phạm kích thước thùng xe tự giác tháo, cắt thùng xe trở về đúng với thiết kế đã được phê duyệt.
Cùng với đó tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các phương tiện vận tải hàng hóa khi tham gia giao thông: cưỡng chế việc tháo, cắt thùng xe trở về theo đúng thiết kế đã được phê duyệt và thông báo tới cơ quan đăng kiểm để yêu cầu chủ xe phải kiểm định lại trước khi đưa phương tiện ra tham gia giao thông theo quy định.
Khi xử lý các phương tiện chở hàng quá trọng tải, quá khổ phải bắt buộc hạ tải mới cho phương tiện tiếp tục lưu hành; tiến hành xác minh, làm rõ chủ phương tiện là tổ chức hay cá nhân vi phạm để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Trong quá trình thi hành nhiệm vụ, bố trí lực lượng, phương tiện để cưỡng chế; đối với các trường hợp cố tình chống đối việc kiểm tra, xử lý, cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng thì phải thu thập tài liệu, củng cố hồ sơ để xem xét xử lý về hành vi chống người thi hành công vụ hoặc gây rối trật tự công cộng.
Xử lý vi phạm về tốc độ
Tập trung kiểm tra xử lý trên các tuyến cao tốc, quốc lộ, các tỉnh lộ xa khu vực đông dân cư, điểm đen thường xảy ra TNGT. Xác định thời gian thường xảy ra vi phạm để tập trung xử lý.
Khi xử lý tốc độ phải có các biện pháp cảnh báo, sử dụng hình thức công khai là chính, kết hợp với biện pháp bí mật. Tăng cường áp dụng biện pháp xử lý vi phạm qua hình ảnh (“xử phạt nguội”) để nâng cao hơn nữa ý thức của người tham gia giao thông.
Trên đường thủy
Tổ chức tuyên truyền, yêu cầu các chủ doanh nghiệp vận tải thủy, chủ bến bãi ký cam kết không bốc xếp hàng hóa, chở hàng quá vạch dấu mớn nước an toàn; bảo đảm các điều kiện an toàn đường thủy, vận chuyển hàng hóa phải có hóa đơn chứng từ.
Kiểm tra và xử lý nghiêm đối với hành vi vi phạm quy định về chở quá vạch dấu mớn nước an toàn của phương tiện, kết hợp với xử lý hàng hóa không hóa đơn, chứng từ. Đối với phương tiện vi phạm quy định về hoán cải phải cưỡng chế tháo dỡ; tập hợp, lập danh sách kiến nghị thu hồi giấy phép hoạt động đối với cơ sở hoán cải, sửa chữa, phục hồi phương tiện thực hiện không đúng các quy định trong giấy phép hoạt động.
Đồng thời lập danh sách và thông báo rõ trách nhiệm của cơ quan nhà nước khi để cảng, bến thủy không phép hoạt động.
Thời gian thực hiện cao điểm từ ngày 20/6 đến hết ngày 20/9/2022.