Vừa qua, chúng tôi đã có dịp cùng với Đoàn kiểm tra của Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh Thanh Hóa kiểm tra công tác bảo đảm trật tự, ATGT trên địa bàn các huyện Bá Thước, Quan Hóa, Lang Chánh, Thường Xuân, Thiệu Hóa và TP Sầm Sơn.
Tàu thuyền hoạt động trên sông Chu qua huyện Thiệu Hóa
Thực tế cho thấy, công tác chỉ đạo, triển khai nhiệm vụ bảo đảm trật tự, ATGT năm 2022 theo chỉ đạo của UBND tỉnh và Ban ATGT tỉnh được các địa phương triển khai thực hiện kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác bảo đảm trật tự, ATGT. Công tác phối hợp tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về trật tự, ATGT được thực hiện sâu rộng với sự tham gia tích cực của các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể bằng nhiều hình thức, như treo pa nô, áp phích, phát tờ rơi; trên hệ thống phát thanh các xã, thị trấn, khu dân cư; tổ chức các buổi tọa đàm về ATGT trong các trường học; tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp.
Công tác quản lý lòng đường, vỉa hè, hành lang ATGT được các địa phương chỉ đạo thực hiện quyết liệt, nhất là xử lý nghiêm việc dựng rạp tổ chức các sự kiện, họp chợ; bán hàng rong khu vực có nhà máy, khu công nghiệp; sử dụng lòng đường, vỉa hè làm dịch vụ. Công tác sửa chữa, bảo trì các tuyến đường giao thông được quan tâm thường xuyên, bảo đảm thuận lợi cho người và phương tiện tham gia giao thông. Đi đôi với đó, công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm các quy định của pháp luật về trật tự, ATGT được các đơn vị chức năng thực hiện thường xuyên, nhất là trên các tuyến giao thông có mật độ người và phương tiện tham gia giao thông cao. Trong đó, tập trung xử lý các lỗi là nguyên nhân chính xảy ra tai nạn giao thông (TNGT), như vi phạm tốc độ, thiếu chú ý, quan sát, đi sai phần đường; người đi mô tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm; điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi sử dụng rượu, bia; xe ô tô chở hàng hóa quá khổ, quá tải...
Theo báo cáo của ban ATGT các huyện, 6 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn các huyện Bá Thước xảy ra 1 vụ TNGT, làm bị thương 1 người; Lang Chánh xảy ra 3 vụ TNGT, làm chết 1 người, bị thương 4 người; Quan Hóa không xảy ra TNGT; Thường Xuân xảy ra 2 vụ TNGT, làm 1 người chết, 3 người bị thương; Thiệu Hóa xảy ra 1 vụ TNGT, làm 1 người chết; TP Sầm Sơn xảy ra 1 vụ TNGT, làm 1 người bị thương.
Đi đôi với đó, ban ATGT các địa phương đã triển khai các kế hoạch, văn bản chỉ đạo về bảo đảm trật tự, ATGT đường thủy năm 2022, nhất là trong mùa mưa bão. Công tác quản lý phương tiện thủy, đăng ký, đăng kiểm, cấp phép bến thủy nội địa đã được các địa phương tiến hành rà soát thực hiện theo đúng quy định. Đồng thời, thực hiện chương trình hành động “Vì an toàn của trẻ em trên sông nước” và “Phòng chống đuối nước trẻ em” đã được các địa phương triển khai sâu rộng đến các xã, thị trấn, thôn, bản, khu dân cư và các trường học. Công tác phối hợp tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự, ATGT đường thủy được các lực lượng chức năng thực hiện nghiêm túc; trong quá trình tuần tra, kiểm tra đã phát hiện, lập biên bản, ra quyết định đình chỉ hoạt động đối với các phương tiện thủy, đò ngang chưa thực hiện đầy đủ thủ tục pháp lý theo quy định.
Đồng chí Vũ Hoàng Linh, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh, cho biết: Thực tế kiểm tra công tác bảo đảm trật tự, ATGT tại các địa phương cho thấy, việc bảo đảm hành lang ATGT trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh ở một số xã, thị trấn vẫn còn để xảy ra tình trạng tổ chức, người dân xây dựng, đấu nối trái phép, làm dịch vụ, đặt biển quảng cáo, họp chợ tạm lấn chiếm hành lang, lòng, lề đường, vỉa hè, gây mất trật tự, ATGT. Nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật giao thông của một bộ phận người dân, người điều khiển phương tiện kém, thiếu trách nhiệm với bản thân và cộng đồng khi tham gia giao thông. Trên các tuyến đường tỉnh, đường huyện và các tuyến giao thông nông thôn vẫn có nhiều trường hợp người đi xe mô tô, xe máy không đội mũ bảo hiểm. Hạ tầng giao thông chưa đáp ứng kịp với sự gia tăng phương tiện và nhu cầu đi lại ngày càng cao của Nhân dân. Trên các tuyến giao thông qua địa bàn các huyện còn nhiều vị trí giao cắt, đấu nối của các dự án đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận, nhưng việc tổ chức giao thông chưa bảo đảm yêu cầu.
Trách nhiệm quản lý Nhà nước về công tác bảo đảm trật tự, ATGT đường thủy nội địa của các địa phương còn có những hạn chế, như chưa thống kê được đầy đủ phương tiện, chưa có phương án quản lý các phương tiện gia dụng hoạt động sản xuất, mưu sinh trên sông, hồ. Công tác quản lý, bảo quản của một số chủ đò chưa tốt đã làm cho dụng cụ nổi cứu sinh nhanh hư hỏng, xuống cấp, không bảo đảm chất lượng cho người sử dụng. Ý thức chấp hành pháp luật về ATGT đường thủy nội địa của một bộ phận người dân chưa cao. Một số đò chở khách ngang sông nhưng người lái đò chưa được đào tạo cấp chứng chỉ chuyên môn hoặc chưa thực hiện đổi chứng chỉ theo quy định. Công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các chủ phương tiện, chủ bến đò định kỳ gia hạn cấp phép hoạt động của bến, tổ chức đăng ký, đăng kiểm của các địa phương, lực lượng chức năng chưa kịp thời. Các chủ đò chưa chủ động trong việc làm thủ tục quy định; vì vậy, còn có những bến đò, phương tiện hoạt động chưa bảo đảm các thủ tục pháp lý.
Như trên địa bàn huyện Bá Thước có 3/4 bến đò đã được cấp phép hoạt động, 5/5 đò chở khách đã được đăng ký, đăng kiểm, 3/5 đò người điều khiển phương tiện đã có chứng chỉ chuyên môn lái đò nhưng chưa thực hiện đổi chứng chỉ theo quy định. Huyện Quan Hóa có 7/7 bến đò chưa được cấp phép hoạt động; 4/4 đò đã được đăng ký, đăng kiểm; 4/4 đò người điều khiển phương tiện chưa có chứng chỉ chuyên môn lái đò. Huyện Thiệu Hóa có 1/2 bến chưa được cấp phép; có 2/2 đò đã đăng ký, đăng kiểm; 2/2 đò người điều khiển phương tiện đã có chứng chỉ chuyên môn lái đò nhưng chưa thực hiện đổi chứng chỉ theo quy định. Văn phòng Ban ATGT tỉnh đã có văn bản gửi ban ATGT các huyện, TP Sầm Sơn khắc phục những tồn tại, hạn chế mà Đoàn kiểm tra của Ban ATGT tỉnh đã chỉ ra.