Bắc Ninh: Cần tập trung xử lý vi phạm hành lang ATGT tại gầm cầu Đông Yên

Thứ năm, 11/08/2022 08:35
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Không chỉ tự ý lấn chiếm hành lang ATGT để kinh doanh, buôn bán, nhiều hộ dân của xã Đông Phong (Yên Phong) còn chiếm dụng diện tích gầm cầu Đông Yên như một “kho” riêng để nguyên vật liệu xây dựng, làm bãi đỗ ô tô…

Việc làm này không chỉ vi phạm trật tự ATGT, gây mất an ninh trật tự mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng giao thông, cũng như văn minh đô thị…Đáng nói là tình trạng vi phạm hành lang ATGT diễn ra công khai từ nhiều năm nay, nhưng các cơ quan chức năng vẫn chưa có giải pháp ngăn chặn, xử lý triệt để vi phạm trên.

Qua ghi nhận thực tế, hiện toàn bộ diện tích dưới chân cầu Đông Yên (Km 25 + 240 QL18) bắc ngang qua ĐT 286 (địa phận xã Đông Phong, Yên Phong) đều bị các hộ dân tại đây tự ý chiếm dụng. Chỗ thì mở quán bán nước, chỗ làm dịch vụ cầm đồ, chơi bi-a, quán ăn, trông giữ xe trái phép…thậm chí một phần diện tích lớn phía dưới chân cầu còn bị một công ty dùng làm kho để gạch ốp lát.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Bá Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Phong (Yên Phong) thừa nhận, tình trạng lấn chiếm gầm cầu Đông Yên diễn ra rất phức tạp từ nhiều năm nay. Mặc dù chính quyền xã nhiều lần phối hợp với các lực lượng chức năng của huyện tiến hành tuyên truyền, nhắc nhở, tổ chức ký cam kết không vi phạm hành lang ATGT với các hộ dân, kể cả tổ chức cưỡng chế các công trình vi phạm nhưng chỉ được một thời gian ngắn, vì sinh kế một số hộ lại tái lấn chiếm trở lại. Cái khó trong quản lý và xử lý các hộ vi phạm hành lang ATGT tại đây cũng một phần là do địa giới hành chính. Khi một bên gầm cầu thì thuộc địa giới của xã Đông Phong, một bên lại thuộc xã Long Châu nên khi chúng tôi ra quân xử lý giải toả thì chỉ được bên này. Chính điều này làm nảy sinh tâm lý so bì, nên chỉ một thời gian sau các hộ lại vi phạm trở lại.

Từ nhiều năm nay, một số hộ dân của xã Đông Phong (Yên Phong) ngang nhiên lấn chiếm hàng lang ATGT
dưới gầm cầu Đông Yên để buôn bán, kinh doanh.

Được biết, thời gian qua dưới chân cầu Đông Yên vào giờ cao điểm (giờ tan ca của công nhân), do lưu lượng người và phương tiện lưu thông tấp nập nên tại đây thường xuyên xảy ra ùn tắc cục bộ, thậm chí không ít trường hợp xảy ra va quệt giao thông. Buổi tối, những quán ăn, uống ven đường còn phát sinh một số vụ xô xát, làm mất an ninh trật tự địa phương. Theo Trung tá Trần Quang Huy, Trưởng Công an xã Đông Phong: Từ đầu năm đến nay, Công an xã tăng cường phối hợp với lực lượng chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, nhắc nhở, tổ chức ký cam kết với các hộ sinh sống ven đường không lấn chiếm hành lang ATGT. Quá trình thực hiện nhiệm vụ nếu phát hiện những trường hợp vi phạm, chúng tôi đều kiên quyết xử lý (đã tiến hành lập biên bản xử lý 29 trường hợp vi phạm trật tự hành lang ATGT). Tuy nhiên, do nhu cầu mưu sinh của người dân nên chỉ cần lực lượng chức năng không có mặt là tình trạng tái lấn chiếm hành lang để buôn bán, kinh doanh lại diễn ra.

Tại Thông tư số 35 của Bộ Giao thông vận tải (ngày 1/12/2017) quy định: Nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân chiếm dụng gầm cầu làm nơi ở, bãi đỗ xe và các dịch vụ kinh doanh khác. Việc người dân tự ý lấn chiếm gầm cầu Đông Yên với mục đích riêng là hoàn toàn trái với quy định của pháp luật. Chưa kể hành vi trên còn gây mất an ninh trật tự, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Nếu điều đó xảy ra, thiệt hại về người và của sẽ rất khó lường. Ngành chức năng cần sớm có giải pháp để xử lý dứt điểm tình trạng vi phạm hành lang ATGT dưới chân cầu Đông Yên, đừng để tái diễn câu chuyện “mất bò mới lo làm chuồng”.

Để xử lý dứt điểm tình trạng chiếm dụng hành lang ATGT dưới gầm cầu Đông Yên, theo ông Hoàng Thành Đồng, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng, Phó Trưởng Ban ATGT huyện Yên Phong thì ngoài việc nâng cao chế tài xử phạt các trường hợp cố tình vi phạm; người đứng đầu các địa phương, tổ chức cần nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác bảo đảm hành lang ATGT. Trước mắt, lực lượng chức năng cần cưỡng chế giải toả các hộ vi phạm hành lang ATGT giao thông tại đây, cho lắp rào chắn quanh mốc lộ giới dưới gầm cầu. Tuy nhiên, về lâu dài vẫn cần sự vào cuộc đồng bộ, hiệu quả của các cấp, ngành chức năng, các tổ chức chính trị, xã hội, các đoàn thể, địa phương cùng chung tay đẩy mạnh tuyên truyền, phố biến giáo dục pháp luật về trật tự ATGT cho người dân. Bởi “gốc rễ” của nhiệm vụ giải tỏa vi phạm hành lang ATGT chính là sự đồng thuận của người dân, nên chỉ khi ý thức của người dân nâng cao thì công tác giải tỏa hành lang ATGT mới thật sự bền vững.

kimcuc

Nguồn: Báo Bắc Ninh

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)