Những năm gần đây, được sự quan tâm đầu tư của các cấp, các ngành, đóng góp của Nhân dân, nhiều tuyến đường liên huyện, liên xã, liên thôn... trên địa bàn tỉnh được xây dựng, sửa chữa, nâng cấp.
Hệ thống giao thông nông thôn được cải thiện góp phần giúp người dân đi lại thuận tiện. Ban an toàn giao thông (ATGT) các huyện, thị xã, thành phố, các lực lượng chức năng... tiếp tục tăng cường công tác bảo đảm trật tự, ATGT khu vực nông thôn.
Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về trật tự, ATGT đến người dân; các lực lượng chức năng thực hiện tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, vi phạm trật tự, ATGT ở hầu hết các tuyến đường trên địa bàn khu vực nông thôn, kể cả đường đô thị vẫn xảy ra, nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) làm chết người, thiệt hại lớn về tài sản, gây tâm lý lo lắng trong Nhân dân.
Học sinh điều khiển xe máy điện tham gia giao thông trên
địa bàn TP Thanh Hóa vi phạm chở quá số người, không đội mũ bảo hiểm
Thực tế cho thấy, phương tiện giao thông ở khu vực nông thôn những năm gần đây tăng lên, nhưng ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, ATGT của người dân còn hạn chế, tình trạng vi phạm các quy định của pháp luật về trật tự, ATGT diễn ra khá phổ biến. TNGT khu vực nông thôn hiện đang là vấn đề đáng lo ngại. Trên các tuyến đường, từ đường huyện, đường liên xã, đường đô thị, dễ nhận thấy những vi phạm các quy định của pháp luật về trật tự, ATGT của người dân điều khiển phương tiện tham gia giao thông, như không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, nhất là tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu của một số thanh, thiếu niên điều khiển xe mô tô...
Một thực trạng đáng quan tâm nữa là ở nông thôn có không ít trẻ em chưa đến tuổi được phép điều khiển xe mô tô, xe gắn máy nhưng vẫn vô tư điều khiển chạy trên đường. Bên cạnh đó, tình trạng nhiều người dân vùng nông thôn trong các cuộc vui thường uống rượu, bia say, sau đó điều khiển xe mô tô phóng nhanh vượt ẩu, rất dễ xảy ra TNGT cũng là vấn đề đáng báo động.
Những năm qua, các địa phương đã huy động vốn, vật tư, nhất là đóng góp của Nhân dân để đầu tư xây dựng kiên cố hệ thống đường giao thông nông thôn, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Thực tế cho thấy, các tuyến đường giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng cơ bản bảo đảm giao thông liên hoàn, kết nối các địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn, nhiều tuyến đường không thể mở rộng do vướng mắc nhà ở của Nhân dân, hệ thống điện... và nhiều cây trồng, nhà ở, công trình lấn chiếm hành lang đường bộ che khuất tầm nhìn của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Đối với những tuyến vừa đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, vừa bảo đảm giao thông, nhưng một số địa phương do lực lượng thi công ít, hoặc thiếu vốn, dẫn đến thi công kéo dài; trong khi đó chưa có biện pháp bảo đảm giao thông nên gây khó khăn cho người và phương tiện tham gia giao thông, tiềm ẩn nguy cơ gây TNGT. Thực tế một số tuyến đường, nhất là cầu, cống xây dựng đã lâu, nhiều tuyến đường xây dựng gần đây nhưng không được duy tu, bảo dưỡng đã và đang xuống cấp, gây khó khăn cho người và phương tiện tham gia giao thông, nhất là vào ban đêm. Trong quá trình đầu tư xây dựng cho thấy, tiêu chuẩn kỹ thuật đường giao thông nông thôn chưa đáp ứng được việc gia tăng của phương tiện giao thông, nhất là các phương tiện tham gia giao thông có tải trọng vượt thiết kế của đường. Ngoài ra, ở nhiều tuyến đường, nhất là khu vực đông dân cư còn xảy ra tình trạng vi phạm hành lang ATGT đường bộ, đổ vật liệu xây dựng, họp chợ, làm rạp đám cưới, lấn chiếm lòng, lề đường.
Theo thống kê của Văn phòng Ban ATGT tỉnh, 8 tháng năm 2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 189 vụ TNGT, tăng 2,1% so với cùng kỳ; làm chết 79 người, giảm 7%; làm bị thương 157 người, tăng 12%. TNGT những tháng đầu năm 2022 vẫn còn cao, làm chết nhiều người và thiệt hại lớn về kinh tế. Trong đó, đường tỉnh xảy ra 13 vụ TNGT, làm chết 4 người, bị thương 13 người; đường đô thị xảy ra 19 vụ TNGT, làm chết 8 người, bị thương 21 người; đường liên xã xảy ra 24 vụ TNGT, làm chết 6 người, bị thương 29 người...
Phân tích các vụ TNGT của lực lượng công an, thanh tra GTVT, cho thấy, nguyên nhân gây TNGT chủ yếu do người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm tốc độ, vi phạm phần đường, thiếu chú ý quan sát, tránh vượt sai quy định; sử dụng rượu, bia; không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện tham gia giao thông... Ngoài ra, do hiểu biết các quy định của pháp luật về trật tự, ATGT của người dân khu vực nông thôn còn hạn chế; tỷ lệ người vi phạm các quy định của pháp luật về trật tự, ATGT vẫn còn ở mức cao. Đường giao thông nông thôn tuy đã được đầu tư nâng cấp (nhất là theo tiêu chuẩn xây dựng nông thôn mới), kiên cố bằng bê tông xi măng, bằng nhựa, nhưng thiếu hệ thống biển báo, thiết bị bảo đảm ATGT, tầm nhìn tại các điểm giao cắt bị che khuất bởi nhà cửa, cây trồng.
Đồng chí Vũ Hoàng Linh, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh, cho biết: Để người dân có thể chuyển biến nhận thức và hành động, công tác tuyên truyền cần được thực hiện một cách thường xuyên liên tục. Công an các huyện, thị xã, thành phố huy động lực lượng cảnh sát giao thông phối hợp với công an các xã, thị trấn tăng cường tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn, nhất là các tuyến đường có nhiều người và phương tiện tham gia giao thông, các tuyến đường thường xảy ra TNGT...
Trong quá trình đầu tư xây dựng kiên cố đường giao thông nông thôn, các địa phương quan tâm bảo đảm hành lang ATGT đường bộ. Huy động tham gia của Nhân dân để duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn, phát cây cối che khuất tầm nhìn của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về trật tự, ATGT của chính quyền cơ sở. Ban ATGT các xã vận động người dân thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về trật tự, ATGT; không xây dựng, cơi nới, đổ vật liệu xây dựng và làm dịch vụ lấn chiếm lòng, lề đường, hành lang ATGT đường bộ; không họp chợ, buôn bán, trao đổi hàng hóa trên các tuyến đường gây cản trở giao thông, tiềm ẩn nguy cơ gây TNGT.