Vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông là một trong những lỗi có nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông cao hơn so với các hành vi vi phạm khác. Hậu quả tai nạn thường rất nặng nề. Do vậy, việc xử lý vi phạm nồng độ cồn được các tổ công tác đặc biệt của Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh Bình Phước và đội CSGT công an các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm.
Tối một ngày đầu tháng 9/2022, ông N.T.H ở phường Tân Phú, TP. Đồng Xoài điều khiển xe môtô từ đám tang người bạn thân ở ấp Cầu Hai, xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú về nhà thì bị Tổ công tác đặc biệt số 2 phối hợp Trạm CSGT phụ trách tuyến Quốc lộ 14, Phòng CSGT Công an tỉnh và Đội CSGT Công an TP. Đồng Xoài yêu cầu dừng xe để kiểm tra nồng độ cồn. Kết quả đo là 0,33miligam/lít khí thở, ông H bị tạm giữ phương tiện và đề nghị trong vòng 7 ngày đến Công an TP. Đồng Xoài xử lý vi phạm. Quá trình làm việc với cơ quan chức năng, ông H chia sẻ: “Bản thân mình vi phạm và bị xử lý là đúng, nhưng nếu tôi chủ đích đi nhậu thì là một lẽ, đằng này uống rượu để chia buồn với gia đình bạn... Tôi đã 70 tuổi rồi, bị CSGT xử lý vi phạm, bị phạt tiền và tạm giữ xe thì rất xấu hổ với con, cháu và gia đình”.
Cán bộ Trạm CSGT phụ trách tuyến Quốc lộ 14, Phòng CSGT Công an tỉnh
tuyên truyền và đề nghị chủ quán karaoke ở phường Tiến Thành, TP. Đồng Xoài
cam kết thực hiện treo biển và nhắc khách hàng khi đã uống rượu, bia thì không lái xe
Cùng thời điểm này, ông N.V.Q ở phường Tân Bình, TP. Đồng Xoài cũng từ một quán cà phê ở phường Tân Đồng về nhà thì bị tổ công tác yêu cầu dừng xe để kiểm tra nồng độ cồn. Kết quả đo là 0,35miligam/lít khí thở, ông Q bị tạm giữ xe máy. Chia sẻ với phóng viên, ông Q cho biết, ông đi đám giỗ bên hàng xóm gần nhà và có uống rượu, sau đó mấy người rủ nhau đi uống cà phê. Vì cảm thấy hơi mệt nên ông về trước, khi tới đây thì bị dừng xe kiểm tra. Dù không nắm được mức phạt cụ thể bao nhiêu nhưng ông Q tỏ ra khá lo lắng vì kinh tế gia đình khó khăn. Ông làm thợ xây tự do xe máy là phương tiện đi lại, nay bị tạm giữ sẽ không biết thế nào. Nếu số tiền phạt nhiều quá thì phải bỏ xe thôi.
Trong suốt ca làm việc, tổ công tác đo nồng độ cồn theo phương pháp quốc tế. Mọi phương tiện đi qua đều được yêu cầu dừng lại để kiểm tra nồng độ cồn đối với người lái xe. Thời điểm kiểm tra, kết quả 100% lái xe ôtô không ai vi phạm. Trong khi số người đi xe máy lại vi phạm ở mức cao và đa số là lao động phổ thông, điều kiện kinh tế khó khăn.
Theo Thượng tá Phan Văn Tấn, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh, không chỉ tại TP. Đồng Xoài mà ở các huyện, thị xã trong toàn tỉnh, việc tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm về nồng độ cồn cũng được triển khai đồng bộ, quyết liệt. Các đội, trạm CSGT toàn tỉnh đã trực tiếp tuyên truyền và đề nghị 228 nhà hàng, quán bar, vũ trường nhắc nhở khách hàng không điều khiển phương tiện giao thông sau khi đã uống rượu, bia. Từ đó góp phần hạn chế trường hợp vi phạm an toàn giao thông. Cụ thể, trong 2 tháng ra quân cao điểm, toàn tỉnh xảy ra 25 vụ tai nạn giao thông, làm 20 người chết, 12 người bị thương. So với 2 tháng liền kề trước đó, giảm 1 vụ tai nạn, giảm 2 người chết và không xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng.
Theo báo cáo của Phòng CSGT Công an tỉnh về kết quả sau 2 tháng ra quân thực hiện cao điểm tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm các lỗi là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông: Trong tổng 1.247 trường hợp vi phạm nồng độ cồn có 128 lái xe ôtô (6 xe khách, 105 xe con, 17 xe tải và 1.119 người điều khiển môtô, xe máy). Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính nộp ngân sách 2,718 tỷ đồng. Ngành chức năng tạm giữ 1.247 phương tiện và tước 250 giấy phép lái xe. Trong số trường hợp bị xử lý có 8 trường hợp không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn của lực lượng chức năng. Các trường hợp vi phạm chủ yếu từ 18 giờ hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau, cao điểm là từ 18-20 giờ.
Thượng tá Lê Đức Trình, Phó trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh cho biết: Lái xe có sử dụng rượu, bia tham gia giao thông là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra tai nạn giao thông. Nhiều người vẫn chưa ý thức được hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong người có nồng độ cồn vượt mức cho phép.
Theo quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ, mức phạt cao nhất dành cho người đi môtô, xe máy vi phạm nồng độ cồn lên tới 8 triệu đồng và đối với người đi ôtô lên tới 40 triệu đồng (nồng độ cồn vượt quá 0,4miligam/lít khí thở). Ngoài ra, người vi phạm còn bị tước giấy phép lái xe từ 22-24 tháng. Với mức phạt cao như vậy, hiện số người lái xe ôtô vi phạm có chiều hướng giảm. Cụ thể, trong 2 tháng cao điểm thực hiện tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm thì tỷ lệ lái xe ôtô vi phạm chiếm 10,2% (128/1.247). Trong khi những người đi môtô, xe máy vi phạm phần lớn đều là lao động nghèo. Nhiều trường hợp không có tiền nộp phạt đã không lên xử lý vi phạm. Theo quy định thì mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, khi vi phạm đều bị xử lý, không có ngoại lệ.
Qua tìm hiểu thực tế thì người đi xe máy thường có tâm lý chủ quan. Họ nghĩ là trong trường hợp gặp CSGT sẽ có khả năng trốn được qua các đường hẻm, đường tắt. Và nếu bị phạt thì mức phạt cũng nhẹ hơn khi đi ôtô. Tuy nhiên hiện nay, khi tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm nồng độ cồn, các lực lượng thường phối hợp với nhau. Ngoài tổ chức đứng chốt còn có lực lượng dùng xe môtô tuần tra khu vực xung quanh nên khi vi phạm thì trốn cũng khó thành. Việc xử lý nghiêm minh không ngoài mục đích tuyên truyền, giáo dục và nâng cao tinh thần trách nhiệm của mọi tầng lớp nhân dân đối với bản thân và cộng đồng. Đã uống rượu, bia thì không lái xe, bởi không may xảy ra tai nạn hậu quả sẽ khôn lường.
Thượng tá Lê Đức Trình, Phó trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh