Tình trạng vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông (ATGT) ở lứa tuổi thanh thiếu niên, học sinh luôn là đề tài nóng hổi đầu năm học.
Để giảm thiểu tình trạng trên, công tác quản lý và nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo đảm ATGT cho học sinh cần phải được các nhà trường, phụ huynh và cơ quan chức năng thực hiện một cách đồng bộ, quyết liệt hơn.
Lực lượng cảnh sát giao thông Công an thành phố Thái Bình tăng cường tuần tra,
xử lý vi phạm trật tự ATGT liên quan đến học sinh.
Theo thông tin từ Ban ATGT tỉnh, 8 tháng đầu năm 2022, lực lượng chức năng toàn tỉnh đã tiến hành kiểm tra, phát hiện, lập biên bản xử lý trên 9.700 trường hợp vi phạm; phạt tiền trên 26 tỷ đồng; tước trên 2.400 giấy phép lái xe; trong đó có rất nhiều người đang ở tuổi thanh thiếu niên.
Khi đi trên các tuyến đường ở thành phố Thái Bình và các huyện trong tỉnh, không khó để bắt gặp hình ảnh thanh thiếu niên, học sinh vô tư điều khiển xe đạp điện, xe máy điện không đội mũ bảo hiểm, dàn hàng ngang... gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Ông Lê Phương Huy, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh chia sẻ: Ở lứa tuổi học sinh, các em luôn muốn thể hiện bản thân, do đó nhiều em đã tự ý sử dụng xe mô tô tham gia giao thông dù không được sự cho phép của phụ huynh. Đáng nói, để không mất thời gian đưa con đi học, nhiều phụ huynh đã giao xe máy cho con khi các em chưa đủ 18 tuổi, đồng nghĩa với việc chưa có giấy phép lái xe. Tình trạng vi phạm trật tự ATGT ở lứa tuổi thanh thiếu niên, học sinh tại Thái Bình vẫn đang khá phổ biến. Các lỗi vi phạm chủ yếu là điều khiển xe mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi; không có giấy phép lái xe; không đội mũ bảo hiểm; đi hàng hai, hàng ba; chở quá số người quy định; lạng lách, đánh võng...
Trung tá Nguyễn Ngọc Khánh, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Thái Bình cho biết: Thời gian qua, lực lượng cảnh sát giao thông đã tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý các lỗi vi phạm liên quan đến lứa tuổi học sinh, sinh viên; tuy nhiên, việc xử lý vi phạm hành chính còn gặp khó khăn do chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe đối với người vi phạm. Hầu hết các trường hợp vi phạm chúng tôi chỉ tuyên truyền, nhắc nhở hoặc xử phạt ở mức thấp. Điều này khiến một số em tiếp tục vi phạm nếu không có sự giám sát từ phụ huynh, nhà trường.
Nhằm chấn chỉnh tình trạng vi phạm các quy định về ATGT của học sinh, các trường học trong tỉnh đã tập trung phổ biến kiến thức, hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông cho học sinh. Các nhà trường đều lồng ghép nội dung giáo dục ATGT, phổ biến Luật Giao thông đường bộ cho học sinh trong các giờ chào cờ, sinh hoạt lớp, ngoại khóa, tiết giáo dục công dân...
Cô giáo Trần Thị Bích Thủy, Bí thư Đoàn Trường THPT Chuyên Thái Bình cho biết: Nhà trường tuyệt đối nghiêm cấm học sinh đi xe máy đến trường. Khi phát hiện học sinh đi xe máy đến trường, chúng tôi liên lạc ngay với phụ huynh và yêu cầu các bậc cha mẹ đến lấy xe về. Nhà trường tổ chức đội thanh niên tình nguyện bố trí phân luồng giao thông tại khu vực cổng trường, đồng thời thường xuyên kiểm tra, phát hiện các học sinh vi phạm trật tự ATGT để có phương án xử lý như: viết bản kiểm điểm, hạ hạnh kiểm...
Thượng tá Lê Thị Tố Nga, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh cho biết: Để ngăn chặn tình trạng vi phạm các quy định về trật tự ATGT ở giới trẻ, nhất là đối với học sinh, sinh viên, ngay từ đầu năm học, Công an tỉnh đã có công văn gửi Sở Giáo dục và Đào tạo để phối hợp triển khai đồng bộ các biện pháp tại các trường học trên toàn tỉnh. Bên cạnh việc tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm các vi phạm, việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật về ATGT ở nhà trường và gia đình có vai trò hết sức quan trọng trong khắc phục tình trạng học sinh vi phạm trật tự ATGT. Do đó, lực lượng cảnh sát giao thông cũng đã phối hợp với các trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về trật tự ATGT và hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông cho học sinh tại các nhà trường...
Để ngăn chặn tình trạng vi phạm trật tự ATGT, tạo cho học sinh thói quen, ý thức bền vững tuân thủ Luật Giao thông đường bộ bên cạnh nỗ lực của các cấp, ngành chức năng rất cần sự giám sát chặt chẽ của các bậc phụ huynh. Theo đó, các bậc cha mẹ cần quản lý chặt chẽ con em mình, không giao phương tiện cho các em khi chưa đủ tuổi và chưa có giấy phép lái xe; quản lý chặt chẽ phương tiện giao thông của gia đình; nhắc nhở con em mình tuân thủ Luật Giao thông đường bộ...