Quảng Ninh: Chặn đà gia tăng vi phạm nồng độ cồn tham gia giao thông

Thứ năm, 22/09/2022 08:17
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Mặc dù quy định xử phạt đối với người sử dụng nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông rất cao, song vi phạm thời gian qua có dấu hiệu gia tăng.

Cán bộ Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (Công an tỉnh)
kiểm tra nồng độ cồn của người điều khiển ô tô.

Theo quy định, hiện nay, mức phạt đối với người vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông, cao nhất từ 30-40 triệu đồng với ô tô; từ 6-8 triệu đồng đối với xe máy; tước giấy phép lái xe từ 22-24 tháng. Mặc dù vậy, tình trạng đối phó với lực lượng chức năng càng nhiều hơn. Một số trường hợp không chấp hành hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra; đi đường vòng hoặc đổi lái; dừng xe cách chốt kiểm soát; không xuất trình giấy phép lái xe…

Cuối tháng 7/2022, anh Ng. Đ. H ở quận Thanh Xuân (TP Hà Nội) đưa gia đình đến du lịch TP Hạ Long. Sau khi ăn uống tại một nhà hàng tại phường Bãi Cháy, anh H lái xe trở về khách sạn, bị lực lượng chức năng kiểm tra, nồng độ cồn quá mức quy định. Anh bị lập biên bản, bị tạm giữ ô tô và giấy phép lái xe theo quy định. Ngay hôm sau, anh H đến trụ sở tiếp dân của Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (Công an tỉnh) làm thủ tục nộp phạt. Anh H tỏ ra không hài lòng, cho rằng các ngành chức năng gây phiền toái cho khách du lịch khi xử lý vi phạm.

Trường hợp như anh H không phải là cá biệt, nhất là vào mùa cao điểm du lịch, lượng du khách đến TP Hạ Long đông. Mặc dù biết rõ mức xử phạt đối với hành vi vi phạm về nồng độ cồn rất cao, nhưng nhiều người vẫn chủ quan, điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi uống rượu, bia. 

Công an TP Hạ Long tuyên truyền, vận động các chủ hàng quán ký cam kết thực hiện quy định về nồng độ cồn.

Theo thống kê của Công an tỉnh, từ 20/6-11/9/2022, toàn tỉnh phát hiện, xử lý 1.706 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, tước 814 giấy phép lái xe, tạm giữ 1.706 phương tiện, xử phạt trên 10,7 tỷ đồng; tăng 699 trường hợp vi phạm so với cùng kỳ năm 2021.

Kiểm soát nồng độ cồn với người tham gia giao thông của lực lượng công an được đánh giá là giải pháp hàng đầu để hạn chế vi phạm, kéo giảm hơn nữa số người chết và bị thương do TNGT. Bên cạnh đó, lực lượng công an phối hợp với các đoàn thể, tổ chức, cá nhân có uy tín tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức đến mọi tầng lớp nhân dân.

Điều quan trọng là người dân cần thay đổi thói quen sử dụng rượu, bia, kiên quyết “đã uống rượu, bia không lái xe” nhằm bảo vệ được an toàn tính mạng của bản thân và người cùng tham gia giao thông.

kimcuc

Nguồn: Báo Quảng Ninh

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)