Trong 09 tháng đầu năm 2022, tình hình tai nạn giao thông toàn tỉnh Bình Thuận giảm trên 5% ở 02 tiêu chí về số vụ và số người bị thương nhưng số người chết tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2021; tai nạn giao thông đường sắt tăng cao trên cả 3 tiêu chí; tình hình tai nạn giao thông tại một số địa phương tăng cao.
Để phấn đấu giảm tai nạn giao thông từ 5% - 10% trong năm 2022, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và đề nghị Mặt trận, đoàn thể tỉnh tăng cường thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, giảm tai nạn giao thông trong các tháng cuối năm 2022.
Ảnh minh họa
Theo đó, Công an tỉnh tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc triển khai đồng bộ, quyết liệt công tác tuần tra, kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông; trong đó, tập trung xử lý thật nghiêm người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn, xe quá tải, quá khổ, lái xe ô tô chạy quá tốc độ, vượt ẩu, xe mô tô, xe gắn máy vi phạm trật tự an toàn giao thông trên tuyến Quốc lộ 1A.
Tăng cường công tác xử lý vi phạm qua hệ thống camera giám sát trật tự an toàn giao thông trên tuyến Quốc lộ 1A và trên địa bàn thành phố Phan Thiết, chú trọng biện pháp phối hợp dừng và “phạt nóng” các phương tiện vi phạm. Phối hợp với các Sở, ban, ngành, các đơn vị liên quan bảo đảm an toàn giao thông đối với các phương tiện thủy nội địa; các điểm giao cắt với đường sắt; bảo đảm an ninh trật tự trên tuyến Quốc lộ 1A và tại các Trạm BOT trên địa bàn tỉnh.
Sở Giao thông vận tải phối hợp kiểm tra, đôn đốc đảm bảo tiến độ hoàn thành các công trình hạ tầng giao thông đã triển khai. Duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa kịp thời những vị trí hư hỏng; bổ sung, thay thế hệ thống biển báo hiệu theo đúng quy chuẩn. Tiếp tục tăng cường quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực kinh doanh vận tải theo nội dung chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh.
Các cơ quan truyền thông trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông bằng nhiều hình thức, có trọng tâm, trọng điểm và nội dung tiếp cận phù hợp theo từng đối tượng, sát với thực tế; trong đó, cần tập trung ở các khu dân cư dọc tuyến Quốc lộ 1A, tuyến đường sắt, nội dung trọng tâm là tuyên truyền về tác hại của rượu, bia đối với người tham gia giao thông. Đồng thời, tăng cường giám sát việc chấp hành và thi hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông của cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và các cơ quan chức năng thực thi pháp luật trên địa bàn tỉnh, nhất là việc chấp hành quy định “Đã uống rượu, bia - Không lái xe”.
UBND các huyện, thị xã, thành phố có các tuyến Quốc lộ đi qua đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến quy tắc giao thông, cảnh báo các nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông tại các tuyến đường nhánh đấu nối trực tiếp với Quốc lộ, tại các điểm mở dải phân cách giữa; xây dựng kế hoạch, lộ trình xử lý, giải tỏa điểm họp chợ, điểm dừng chân tự phát,… vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ.
Các địa phương có tuyến đường sắt đi qua khuyến cáo, cảnh báo người tham gia giao thông chú ý quan sát, đảm bảo an toàn khi qua nơi giao nhau với đường sắt; rà soát, lắp đặt biển báo cấm xe ô tô qua các lối đi tự mở trên địa bàn quản lý. Các địa phương có tuyến thủy nội địa, đường thủy từ bờ ra các đảo ven bờ, trên các hồ, đập phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường bảo đảm trật tự an toàn đối với hoạt động vận tải khách trên tuyến đường thủy nội địa.