Thanh Hóa: Tăng cường quản lý công tác đào tạo thực hành lái xe

Thứ năm, 10/11/2022 11:14
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Hiện tại, chưa có thống kê chính thức về số vụ tai nạn do xe tập lái gây ra, nhưng từ các vụ tai nạn dẫn đến thương vong như đã nêu ở trên cho thấy, xe ô tô tập lái đã và đang gây nguy hiểm cho mọi người.

Từ những vụ tai nạn thương tâm

Chiều 11/8, một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đã xảy ra tại xã Hải Thanh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định khiến một bé gái 3 tuổi tử vong. Nguyên nhân bước đầu được xác định, trong lúc dạy lái xe ô tô, thầy dạy lái đã bỏ ra ngoài uống nước để 2 nữ học viên tự điều khiển xe tập lái trên đường và xảy ra tai nạn.

Trước đó, một vụ tai nạn chết người liên quan đến xe tập lái xảy ra tại TP Long Xuyên (tỉnh An Giang) cũng được dư luận hết sức quan tâm. Cụ thể chiều 19/6, anh Trần Trường Giang, 21 tuổi, điều khiển xe ô tô tải tập lái lưu thông trên Quốc lộ 91 đoạn qua phường Bình Đức, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang đã va chạm với một xe máy khiến người đàn ông đi xe máy tử vong. Thời điểm này có ông Trần Văn Thảo (45 tuổi, thầy dạy lái) cũng ngồi trên xe.

Hiện tại, chưa có thống kê chính thức về số vụ tai nạn do xe tập lái gây ra, nhưng từ các vụ tai nạn dẫn đến thương vong như đã nêu ở trên cho thấy, xe ô tô tập lái đã và đang gây nguy hiểm cho mọi người.

Bà Lê Thị Tuyết ở xã Quảng Định, huyện Quảng Xương nói: “Trên trục Đại lộ Võ Nguyên Giáp, đoạn từ phường Quảng Thành (TP Thanh Hóa) đi xuống xã Quảng Hùng (TP Sầm Sơn) tuy là trục đường ít người qua lại nhưng mỗi khi bắt gặp xe tập lái, tôi phải quan sát, xin đường rồi vượt lên trước, hoặc đi chậm lại, giữ khoảng cách an toàn với xe tập lái. Vì có những lần, đang đi trên đường tự nhiên gặp tình huống bất ngờ, học viên phanh khựng xe giữa đường, nếu không giữ khoảng cách an toàn với xe tập lái, rất dễ gây tai nạn giao thông. Nhất là trên đoạn đường này có một số ngã tư đường dân sinh, trâu, bò thả rông nhiều”.

Từ những vụ tai nạn thương vong do xe tập lái gây ra ở một số địa phương trong cả nước, dẫn đến những lo lắng, bất an của người dân khi bắt gặp những chiếc xe tập lái lưu thông trên đường là điều dễ hiểu.

Đến siết chặt công tác quản lý đào tạo

Trước thực trạng trên, ngày 7/10/2022, Cục Đường bộ Việt Nam có Văn bản số 95/CĐBVN-QLVT-PT&NL về việc tăng cường quản lý công tác đào tạo thực hành lái xe. Thực hiện công văn của Cục cũng như thực hiện tốt công tác quản lý giáo viên, học viên trong quá trình đào tạo thực hành lái xe, Sở GTVT đã ban hành Công văn 5373/SGTVT-QLPT&NL ngày 12/10/2022 về việc tăng cường quản lý công tác đào tạo lái xe.

Theo đó, Sở GTVT yêu cầu Phòng Quản lý phương tiện và người lái, Thanh tra sở, các cơ sở đào tạo lái xe thực hiện nghiêm công tác quản lý giáo viên, xe tập lái; chỉ sử dụng các giáo viên và phương tiện đủ điều kiện tham gia việc giảng dạy. Thường xuyên kiểm tra thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học lái xe trên đường (DAT), đối chiếu thông tin giáo viên trên thiết bị DAT đúng với giáo viên và xe tập lái được phân công để phục vụ công tác quản lý. Tham mưu lãnh đạo sở tổ chức kiểm tra, cấp giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe và cấp giấy phép xe tập lái cho giáo viên và xe tập lái đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy định.

Rà soát công tác quản lý, cấp phép tuyến đường tập lái cho các cơ sở đào tạo lái xe trên địa bàn, đảm bảo tuyến đường tập lái phù hợp với các yêu cầu của nội dung đào tạo và phù hợp với giao thông thực tế trên tuyến đường để tránh xảy ra nguy cơ mất trật tự an toàn giao thông. Kiểm tra, giám sát tuyến đường tập lái của cơ sở đào tạo thông qua việc khai thác dữ liệu quản lý DAT của cơ sở đào tạo được lưu trữ trên hệ thống thông tin của cơ sở đào tạo và lộ trình các phiên học thông qua việc khai thác dữ liệu quản lý DAT trên phần mềm hệ thống thông tin DAT của Cục Đường bộ Việt Nam. Khai thác dữ liệu trên phần mềm hệ thống thông tin DAT của cơ sở đào tạo để giám sát lộ trình đào tạo thực hành lái xe của giáo viên và các thông tin liên quan theo đúng kế hoạch giảng dạy. Kiểm tra và rà soát các sân tập lái tự phát, xử lý các trường hợp đào tạo thực hành lái xe sai quy định. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của xe tập lái trên đường khi tham gia giao thông, xử lý theo quy định đối với tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động đào tạo lái xe.

Trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe ô tô, Trường Trung cấp nghề GTVT

Các cơ sở đào tạo lái xe thực hiện nghiêm công tác quản lý giáo viên, xe tập lái, chỉ sử dụng các giáo viên và phương tiện đủ điều kiện tham gia việc giảng dạy. Thực hiện khai thác dữ liệu trên phần mềm hệ thống thông tin DAT để phục vụ công tác quản lý đào tạo lái xe theo quy định. Kiểm tra tính chính xác các thông tin về giáo viên, xe tập lái đã khai báo trên phần mềm quản lý để học viên học lái xe thông qua thiết bị DAT xác nhận được bố trí đào tạo với đúng giáo viên và xe tập lái được phân công. Nghiêm cấm các trường hợp chủ quan, giao phương tiện để học viên tự học mà không có giáo viên bảo trợ tay lái hoặc đào tạo trên các phương tiện không đảm bảo điều kiện theo quy định...

Thực hiện công văn chỉ đạo của Cục Đường bộ Việt Nam, Sở GTVT, Trường Cao đẳng nghề kinh tế - công nghệ VICET đã tăng cường công tác quản lý các phương tiện, giáo viên và học viên học lái. Ngoài việc thực hiện nghiêm theo các quy định của Bộ GTVT, công văn chỉ đạo của Sở GTVT, nhà trường còn kết hợp cả phương pháp quản lý của đối tác Nhật Bản nên công tác tuyển dụng đầu vào của giáo viên rất nghiêm ngặt, thường xuyên tập huấn các kiến thức về Luật Giao thông đường bộ, kỹ năng dạy thực hành lái xe, các quy định về trách nhiệm của giáo viên.

Ông Phạm Văn Toản, Phó Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: Khi xe tập lái ra đến cổng trường, trên xe bắt buộc phải có giáo viên và học viên thì bảo vệ trường mới cho xe ra. Bên cạnh đó, nhà trường còn lắp thiết bị giám sát trên xe để quản lý tuyến đường cũng như tình hình dạy và học của giáo viên và học viên, đồng thời quán triệt giáo viên dạy thực hành không được sử dụng điện thoại trong quá trình dạy; phải cho học viên chạy đúng tuyến đường, thời gian quy định trong giấy phép xe tập lái...; trước hết phải bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông, sau đó mới đến tài sản của nhà trường.

Để tăng cường quản lý Nhà nước trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, theo ông Lại Thế Khái, Trưởng Phòng quản lý phương tiện và người lái, Sở GTVT tỉnh, cho biết: Thời gian qua, sở đã tập trung thực hiện nhiều biện pháp nâng cao hiệu quả quản lý đối với công tác này. Riêng từ đầu năm 2022 đến nay, sở đã ban hành 60 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, điều hành công tác đào tạo sát hạch giấy phép lái xe cơ giới đường bộ theo văn bản chỉ đạo của Bộ GTVT, UBND tỉnh, Cục Đường bộ Việt Nam. Trong đó, sở giao phòng quản lý phương tiện và người lái quản lý công tác đào tạo sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ. Phân công cán bộ quản lý trực tiếp về công tác đào tạo của các cơ sở đào tạo lái xe trên địa bàn tỉnh, thường xuyên kiểm soát, kiểm tra đội ngũ giáo viên dạy thực hành lái xe, xe tập lái tại các cơ sở đào tạo.

Hiện trên địa bàn tỉnh có 8 cơ sở đào tạo lái xe, gồm: Trường Trung cấp nghề GTVT Thanh Hóa (phường Phú Sơn, TP Thanh Hóa), Học viện Cảnh sát Nhân dân (phường Tào Xuyên, TP Thanh Hóa), Trường Trung cấp nghề Hưng Đô (xã Thiệu Đô, huyện Thiệu Hóa), Trường Cao đẳng nghề kinh tế - công nghệ VICET (phường Quảng Thành, TP Thanh Hóa), Công ty CP Vận tải ô tô số 4 (thị xã Bỉm Sơn), Trường Cao đẳng nghề LILAMA.1 (thị xã Bỉm Sơn), Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp lái xe cơ giới đường bộ Thanh Tân- Công ty CP Thanh Tân (xã Định Bình, huyện Yên Định), Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp lái xe cơ giới đường bộ Thanh Tân Thống Nhất - Công ty CP Thanh Tân (thị trấn Thống Nhất, huyện Yên Định). Bình quân mỗi năm, các cơ sở đào tạo lái xe đào tạo khoảng 12 đến 15 nghìn giấy phép lái xe ô tô các hạng, 20 đến 25 nghìn giấy phép lái xe mô tô.

“Thời gian tới, Sở GTVT sẽ thường xuyên kiểm tra điều kiện cơ sở vật chất (hệ thống phòng học, xe tập lái, sân tập lái, tuyến đường tập lái) để các cơ sở đào tạo lái xe thực hiện nghiêm các điều kiện theo quy định. Tiếp tục kiểm tra, xác minh các văn bằng, chứng chỉ về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm của đội ngũ giáo viên. Rà soát công tác sử dụng giáo viên của các cơ sở đào tạo lái xe; định kỳ, đột xuất kiểm tra các khóa đào tạo theo kế hoạch đào tạo để phát hiện, xử lý theo quy định việc sử dụng giáo viên, xe tập lái, sân tập lái, phòng học và tuyến đường tập lái không đúng kế hoạch. Tổ chức giám sát các kỳ kiểm tra cấp chứng chỉ của cơ sở đào tạo; rà soát danh sách giáo viên được phân công giảng dạy và danh sách xe tập lái được sử dụng khi nhận được báo cáo của cơ sở đào tạo... nhằm quản lý chặt chẽ, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe trên địa bàn tỉnh” - ông Lại Thế Khái, Trưởng Phòng quản lý phương tiện và người lái, cho biết thêm.

Hiện trên địa bàn tỉnh có 8 cơ sở đào tạo lái xe, gồm: Trường Trung cấp nghề GTVT Thanh Hóa (phường Phú Sơn, TP Thanh Hóa), Học viện Cảnh sát Nhân dân (phường Tào Xuyên, TP Thanh Hóa), Trường Trung cấp nghề Hưng Đô (xã Thiệu Đô, huyện Thiệu Hóa), Trường Cao đẳng nghề kinh tế - công nghệ VICET (phường Quảng Thành, TP Thanh Hóa), Công ty CP Vận tải ô tô số 4 (thị xã Bỉm Sơn), Trường Cao đẳng nghề LILAMA.1 (thị xã Bỉm Sơn), Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp lái xe cơ giới đường bộ Thanh Tân- Công ty CP Thanh Tân (xã Định Bình, huyện Yên Định), Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp lái xe cơ giới đường bộ Thanh Tân Thống Nhất - Công ty CP Thanh Tân (thị trấn Thống Nhất, huyện Yên Định). Bình quân mỗi năm, các cơ sở đào tạo lái xe đào tạo khoảng 12 đến 15 nghìn giấy phép lái xe ô tô các hạng, 20 đến 25 nghìn giấy phép lái xe mô tô.

kieuanh

Nguồn: Báo Thanh Hóa

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)