Lào Cai: Cảnh báo gia tăng tai nạn giao thông ở giới trẻ

Thứ hai, 21/11/2022 15:47
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Theo đánh giá của Ban An toàn giao thông tỉnh, trong 2 năm (2021 và 2022), số người chết và bị thương do tai nạn giao thông đường bộ ở độ tuổi dưới 18 là 48 người, chiếm tỷ lệ 27,1%. Cùng với đó là tình trạng thanh thiếu niên vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông diễn ra khá phổ biến.

Diễu hành tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ tại thị xã Sa Pa

Qua phân tích của ngành y tế tỉnh, trong các vụ tai nạn giao thông nhập viện điều trị trên địa bàn tỉnh trong 2 năm qua, nạn nhân ở lứa tuổi thanh thiếu niên là 299 người/1.342 người (22,2%); trong đó có 151 trường hợp là học sinh, sinh viên. Trên đây chỉ là con số thống kê các trường hợp nạn nhân bị thương do tai nạn giao thông đã nhập viện các tuyến hoặc đến trạm y tế xã, phường và phòng khám đa khoa khu vực để điều trị; ngoài ra, nhiều trường hợp tự điều trị hoặc đi thẳng tuyến trung ương điều trị.

Trao đổi với phóng viên, một bác sĩ tại Khoa Ngoại - Chấn thương, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Trong năm vừa qua, chúng tôi đã tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân là học sinh, sinh viên chuyển về Khoa điều trị. Đa số các em bị tai nạn giao thông khi điều khiển xe máy và xe đạp điện, vào điều trị trong tình trạng đa chấn thương để lại di chứng nặng nề về sức khỏe, phải nằm bệnh viện điều trị trong thời gian dài hoặc trải qua nhiều cuộc phẫu thuật đau đớn… Điều đáng lo hơn là số bệnh nhân là học sinh THCS và THPT nhập viện điều trị ngoại chấn thương do đi xe máy, xe điện bị tai nạn giao thông đang ngày càng cao. Ngay trong tháng 10 và 11 năm 2022, Khoa Ngoại - Chấn thương, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã đón gần 10 trường hợp bệnh nhân là học sinh, sinh viên và thanh niên đang nằm điều trị thương tích vì tai nạn giao thông với các mức độ chấn thương khác nhau. 

H. T. D, sinh viên Trường Cao đẳng Lào Cai đang điều trị tại Khoa Ngoại - Chấn thương, Bệnh viện Đa khoa tỉnh kể: Em bị tai nạn giao thông ngày 13/11 khi điều khiển xe máy trên địa bàn thành phố Lào Cai. Hiện nay, em đã ổn định sức khỏe nhưng phải điều trị chấn thương ở chân dài ngày. Đây là bài học cho em sau này mỗi khi điều khiển phương tiện giao thông.

Không chỉ các vụ tai nạn giao thông liên quan đến thanh thiếu niên tăng cao, mà tình trạng vi phạm Luật Giao thông đường bộ của giới trẻ cũng ngày càng báo động. Các lỗi vi phạm thường là điều khiển xe phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng, chở quá số người quy định, đi dàn hàng ngang, không có giấy phép lái xe, vượt đèn đỏ, đặc biệt khi tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm… 

Theo Đại úy Đỗ Nam Thắng, Đội Cảnh sát giao thông - trật tự Công an thành phố Lào Cai, thời gian qua, tình trạng học sinh, sinh viên vi phạm Luật Giao thông đường bộ diễn ra khá phổ biến. Không ít trường hợp thanh thiếu niên ngang nhiên đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, đèo ba, đèo bốn, đi ngược chiều, vượt đèn đỏ, lạng lách, đánh võng trên các tuyến đường. Đây là nguyên nhân khiến tai nạn giao thông trong giới trẻ tăng cao. 

Có thiếu niên vi phạm trật tự an toàn giao thông nhiều lần, lực lượng chức năng cũng đã mời cha mẹ đến ký cam kết nhưng sau đó vẫn cố tình vi phạm. Cụ thể như trường hợp N.Đ.T.T (sinh năm 2007), trú tại xã Vạn Hòa, thành phố Lào Cai là một trong những thiếu niên thường xuyên vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Vào đầu năm 2022, N.Đ.T.T cùng các bạn đi xe máy bốc đầu, lạng lách, đánh võng trên nhiều tuyến đường ở thành phố Lào Cai đã bị lực lượng cảnh sát giao thông - trật tự lập biên bản xử lý. Điều đáng nói, sau khi bị xử lý, T. không hối cải, ngay sau khi chấp hành hình phạt lại tái phạm. Gần đây nhất vào đầu tháng 10/2022, N.Đ.T.T tiếp tục bị lực lượng cảnh sát giao thông - trật tự bắt quả tang khi cùng một số thanh niên điều khiển xe máy lạng lách, đánh võng, bốc đầu trên đường An Dương Vương, sau đó quay video với mục đích tung lên mạng xã hội. 

Ông Trần Xuân Quý, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh cho biết: Căn nguyên dẫn đến tình trạng gia tăng vi phạm Luật Giao thông đường bộ và tai nạn giao thông trong thanh thiếu niên một phần do chính ý thức của giới trẻ, phần còn lại có trách nhiệm từ sự buông lỏng quản lý, uốn nắn của gia đình. Trên thực tế, nhiều phụ huynh không giáo dục, điều chỉnh kịp thời mà ngược lại còn có sự dung túng, thậm chí bênh vực, tiếp tay cho hành vi vi phạm của con em dẫn đến ý thức lệch lạc trong giới trẻ.

“Từng nhiều lần tham gia cùng Ban An toàn giao thông đến các địa phương để thăm hỏi, chia sẻ với gia đình nạn nhân xấu số, chúng tôi xót xa trước cảnh cha mẹ già khóc con trẻ, những đôi lứa sớm gãy nhịp cầu tình duyên, những thanh niên đang trong độ tuổi lao động bị thương tật phải nằm liệt để người thân chăm sóc… Tất cả đã đẩy cuộc sống của mọi người vào đau thương, đưa tương lai của cả gia đình vào ngõ cụt” - ông Trần Xuân Quý cho biết thêm.

Năm nay, “Ngày thế giới tưởng niệm nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông” được tổ chức vào ngày 20/11 với chủ đề “Thực thi quy định pháp luật về an toàn giao thông và xây dựng văn hóa giao thông an toàn”. Để vơi đi nỗi đau về tai nạn giao thông nói chung và tai nạn giao thông trong giới trẻ nói riêng, cần sự chung tay của toàn xã hội. Đặc biệt, cần có biện pháp giáo dục ý thức chấp hành pháp luật một cách tự giác trong giới trẻ… Các bậc phụ huynh cũng cần quản lý chặt chẽ phương tiện, không giao xe cho con em mình điều khiển khi chưa có giấy phép lái xe; nhắc nhở con em mình tuân thủ đúng quy định của Luật Giao thông đường bộ..

kieuanh

Nguồn: Báo Lào Cai

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)