Tỉnh ủy Thanh Hóa vừa có công văn về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.
Ảnh minh họa
Theo nội dung công văn, trong thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh.
Công tác tuyên truyền về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông được thực hiện thường xuyên, liên tục với nhiều hình thức phong phú; tình hình tai nạn giao thông từng bước được kiềm chế và có chiều hướng giảm trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương); không xảy ra tai nạn giao thông đường thủy, không xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài và các hoạt động đua xe trái phép..., góp phần giữ vững ổn định về an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, kết quả bảo đảm trật tự, an toàn giao thông chưa thực sự bền vững. Tình hình vi phạm trật tự, an toàn giao thông còn diễn biến phức tạp; số vụ tai nạn giao thông vẫn ở mức cao; ùn tắc giao thông cục bộ tại các đô thị, khu vực trường học, các khu công nghiệp và trên các tuyến giao thông trọng điểm gia tăng. Tình trạng xe chở quá khổ, quá tải chưa được xử lý triệt để; tình trạng sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông đang có dấu hiệu tăng trở lại, tiềm ẩn nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông...
Tình trạng trên có nhiều nguyên nhân, song chủ yếu là do: Một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; ý thức tự giác chấp hành pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của một bộ phận lái xe, chủ xe, chủ doanh nghiệp vận tải và người tham gia giao thông còn hạn chế; công tác tuyên truyền, triển khai và hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tại một số địa phương, cơ quan, đơn vị hiệu quả chưa cao; hạ tầng giao thông chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn...
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của tỉnh về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trọng tâm là: Luật Giao thông đường bộ; Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 4/9/2012 của Ban Bí thư “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông”; Kết luận số 45-KL/TW ngày 1/2/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 4/9/2012 của Ban Bí thư; Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 5/4/2022 của Chính phủ “về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025”; các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và của tỉnh về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và phòng chống tác hại của rượu, bia trong các tầng lớp Nhân dân, chú trọng nhóm đối tượng là công nhân, lao động, học sinh, sinh viên. Tiếp tục phát động và triển khai sâu rộng phong trào “Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông” gắn với xây dựng văn hóa giao thông; biểu dương, nhân rộng gương người tốt, việc tốt và phê phán, lên án, xử lý nghiêm các hành vi cố tình vi phạm, thiếu ý thức chấp hành quy định về trật tự, an toàn giao thông.
Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước của chính quyền các cấp đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Phát huy tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị và vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.
Tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Đưa vào nội dung cam kết tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu hằng năm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức việc chấp hành nghiêm các quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; không uống rượu, bia trước và trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc, ngày trực và khi tham gia giao thông; không điều khiển phương tiện giao thông khi đã uống rượu, bia; không can thiệp, tác động, gây cản trở công tác xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông của các lực lượng chức năng...; xem đây là tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm của tổ chức, cá nhân; đồng thời, có biện pháp kiểm điểm, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo quy định.
Ban Cán sự đảng UBND tỉnh, Ban Thường vụ các huyện, thị, thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị và UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, hoàn chỉnh Quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông, bảo đảm đồng bộ, phù hợp với mật độ, tốc độ gia tăng phương tiện giao thông trên địa bàn tỉnh. Nghiên cứu đổi mới phương án tổ chức giao thông phù hợp với kết cấu hạ tầng giao thông hiện trạng và tốc độ gia tăng phương tiện giao thông; nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa; phát hiện và xử lý kịp thời những bất cập trong tổ chức giao thông, các “điểm đen”, tiềm ẩn tai nạn trên các tuyến giao thông.
Quan tâm đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống camera giám sát an ninh, trật tự, kết hợp xử phạt vi phạm hành chính về giao thông, nhất là tại các tuyến đường trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vận tải, kiểm soát tải trọng phương tiện; đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát việc chấp hành quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông và phòng, chống tác hại của rượu, bia; xử lý nghiêm những hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát và có biện pháp phòng ngừa sai phạm, tiêu cực đối với lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, nhất là lực lượng tuần tra, kiềm soát, xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông. Tiếp tục chấn chỉnh và nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép cho người điều khiển phương tiện giao thông, kiểm định an toàn kỹ thuật phương tiện giao thông; xử lý nghiêm đối với các trường hợp tiêu cực trong công tác kiểm định và sát hạch cấp giấy phép điều khiển phương tiện giao thông.
Đảng ủy Công an tỉnh, lãnh đạo Công an tỉnh chỉ đạo tăng cường lực lượng, phương tiện, trang thiết bị phục vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông, nhất là hành vi: Vi phạm nồng độ cồn, sử dụng chất ma túy; điều khiển phương tiện vượt quá tốc độ cho phép; chở quá tải trọng, không có đăng ký, đăng kiểm... Quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả hệ thống camera giám sát an ninh, giao thông phục vụ công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Tuyên truyền, giáo dục nâng cao văn hóa ứng xử trong thực thi công vụ của lực lượng cảnh sát giao thông và các lực lượng chức năng, không để phát sinh tiêu cực, sai phạm, nhũng nhiễu trong thi hành công vụ. Thực hiện nghiêm việc thông báo đến cơ quan, đơn vị quản lý đối với các trường hợp vi phạm và xử lý theo quy định.
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân chấp hành nghiêm các quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; phối hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng chức năng trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.
Đảng ủy Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Ban Nội chính Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các nội dung nêu trên, định kỳ báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy.