UBND tỉnh Bình Định ban hành Văn bản số 1287/UBND-KT yêu cầu Thủ trưởng các các sở, ban, ngành, hội đoàn thể tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện nghiêm công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh.
Ảnh minh họa
Theo đó, UBND tỉnh Bình Định giao Ban An toàn giao thông tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tuyên truyền phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa. Thường xuyên nắm bắt tình hình hoạt động giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương quản lý chặt chẽ hoạt động giao thông đường thủy nội địa, hoạt động khu vui chơi dưới nước ven biển, du lịch biển đảo; đề xuất giải pháp tăng cường công tác giám sát việc kiểm tra, xử lý của các địa phương, lực lượng chức năng trong công tác bảo đảm trật tự ATGT đường thủy nội địa; thành lập các đoàn kiểm tra công tác quản lý bảo đảm ATGT đường thủy của các địa phương, báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xem xét chỉ đạo thực hiện.
UBND tỉnh giao Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, trong đó tập trung kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự ATGT đường thủy nội địa, nhất là vận tải hành khách ven biển, từ bờ ra đảo; kiên quyết đình chỉ hoạt động các bến thủy nội địa, điểm, bãi đón trả khách, phương tiện, người lái phương tiện không đủ điều kiện hoạt động theo quy định. Đồng thời tuyên truyền, phổ biến, vận động người dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật giao thông đường thủy nội địa gắn với thực hiện Cuộc vận động “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”, “Người đi đò mặc áo phao”,...
Sở Giao thông vận tải hướng dẫn các địa phương và chủ đầu tư các dự án du lịch ven biển xây dựng bến thủy nội địa đủ tiêu chuẩn để cấp phép hoạt động; hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh vận tải đường thủy nội địa. Đồng thời chủ trì, phối hợp với các sở ngành, địa phương liên quan kiểm tra, hướng dẫn đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông đường thủy nội địa theo phân cấp quản lý, đề xuất UBND tỉnh công bố các tuyến, thông báo luồng đường thủy nội địa đã đủ điều kiện theo quy định. Phối hợp với các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương tuyên truyền các quy định về đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa; kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự ATGT đường thủy nội địa tại các điểm, bến thủy nội địa. Tổng hợp nhu cầu đào tạo, cấp chứng chỉ chuyên môn trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa theo quy định.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo Đồn Biên phòng tại khu vực có hoạt động giao thông đường thủy nội địa tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa, nhất là phương tiện thủy nội địa vận chuyển khách du lịch ven bờ biển, từ bờ ra đảo theo thẩm quyền; kiên quyết xử lý những hành vi vi phạm, xử lý, đình chỉ hoạt động đối với các trường hợp vi phạm theo thẩm quyền.
Sở Du lịch phối hợp với các lực lượng chức năng và địa phương kiểm tra, xử lý vi phạm quy định trong hoạt động vận chuyển khách du lịch bằng phương tiện thủy nội địa, nhà hàng nổi, các dịch vụ vui chơi, giải trí dưới nước liên quan lĩnh vực quản lý Nhà nước của Sở Du lịch. Đồng thời tổ chức bồi dưỡng, cấp giấy chứng nhận, chứng chỉ chuyên môn, nghiệp vụ liên quan trong hoạt động vận chuyển, phục vụ khách du lịch bằng phương tiện thủy nội địa.
Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, công bố các vùng cần được bảo vệ, không được hoạt động giao thông đường thủy nội địa, vui chơi dưới nước...; kiểm tra, xử lý kinh doanh dịch vụ vui chơi, ăn uống chiếm dụng mặt nước, xả thải gây ô nhiễm môi trường, tác động xấu đến tài nguyên, môi trường biển... theo thẩm quyền.
UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với các tổ chức, đoàn thể, UBND các xã, phường, thị trấn đảy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức thiết thực để nâng cao ý thức pháp luật, sự đồng thuận, trách nhiệm cộng đồng trong công tác bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa. Quản lý chặt chẽ hoạt động giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn; chấm dứt tình trạng hoạt động kinh doanh vận tải đường thủy nội địa tự phát trên địa bàn. Đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa. Chỉ đạo các lực lượng chức năng duy trì thường xuyên công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa. Phối hợp theo dõi, cập nhật thông tin tình hình thời tiết kịp thời cảnh báo nguy hiểm và hướng dẫn bảo đảm an toàn đối với người và phương tiện vận tải tham gia giao thông đường thủy nội địa; cương quyết không cho phương tiện thủy nội địa hoạt động khi xảy ra mưa, bão, thời tiết bất lợi, không bảo đảm an toàn. Rà soát, thống kê nhu cầu học lấy bằng, chứng chỉ chuyên môn lĩnh vực đường thủy nội địa gửi Sở Giao thông vận tải và chứng chỉ liên quan phục vụ khách du lịch gửi Sở Du lịch để có kế hoạch tập huấn, đào tạo theo quy định.
UBND tỉnh Bình Định cũng đề nghị Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông đường thuỷ nội địa trong vùng nước, cảng biển thuộc phạm vi quản lý, kiên quyết đình chỉ hoạt động với các phương tiện không bảo đảm các điều kiện theo quy định; hướng dẫn kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống, công tác cứu nạn, cứu hộ khi xảy ra sự cố bất ngờ, tai nạn giao thông đường thủy.
Chi cục Đăng kiểm số 04 hướng dẫn thủ tục, điều kiện kỹ thuật trong công tác kiểm định cho người dân; chủ động rà soát các phương tiện đã hết hạn kiểm định, ra thông báo đến chủ phương tiện thực hiện kiểm định lại phương tiện. Thông báo danh sách phương tiện giao thông đường thủy nội địa đã được kiểm định, vùng hoạt động của các phương tiện để địa phương quản lý; phối hợp lực lượng chức năng, địa phương kiểm tra tình trạng an toàn kỹ thuật, vùng hoạt động của phương tiện thủy nội địa, nhất là phương tiện mang cấp VR-SB hoạt động ven biển, chở khách từ bờ ra đảo.