Ban An toàn giao thông tỉnh An Giang vừa ban hành Kế hoạch số 02/KH-ATGT ngày 20/3/2023 về việc phát động thi đua bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) năm 2023. Đối tượng thi đua gồm các tập thể, cá nhân thuộc sở, ban, ngành, đoàn thể và các doanh nghiệp cấp tỉnh. Các tập thể, cá nhân thuộc huyện, thị xã, thành phố và xã, phường, thị trấn.
Các tập thể, cá nhân trực tiếp tham gia thực hiện các chương trình, kế hoạch theo chuyên đề: Tham mưu, tổ chức thực hiện công tác bảo đảm TTATGT trên địa bàn tỉnh; Công tác tuyên truyền, vận động; Hoạt động thanh tra, tuần tra, kiểm soát TTATGT; Các tập thể, cá nhân đạt thành tích cao nhất tại các Hội thi về ATGT.
Mục đích là phấn đấu giảm cả 3 tiêu chí tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh năm 2023 từ 05% đến 10% về số vụ, số người chết, số người bị thương so với năm 2022.
Thi đua thực hiện các nhiệm vụ chính trị, hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ bảo đảm TTATGT năm 2023 với chủ đề chủ đề “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn”.
Nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước thông qua việc nâng cao trách nhiệm, chuyên môn nghiệp vụ và hiệu quả công tác phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể.
Theo Kế hoạch này, yêu cầu phong trào thi đua được phát động và triển khai sâu rộng, thu hút đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và người tham gia công tác bảo đảm TTATGT hưởng ứng, tham gia thường xuyên, liên tục. Kết hợp chặt chẽ giữa thực hiện phong trào thi đua bảo đảm TTATGT năm 2023 gắn với phong trào thi đua của UBND tỉnh và các tổ chức, sở, ngành phát động.
Thực hiện các giải pháp nâng cao tinh thần trách nhiệm vì nhân dân phục vụ của người thực thi công vụ trong công tác bảo đảm TTATGT, tập trung các lĩnh vực trực tiếp tiếp xúc với nhân dân, như: tuần tra, xử lý vi phạm; đăng ký, đăng kiểm phương tiện; đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe; cấp giấy phép vận tải; điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, vận động người dân thực hiện đúng quy định của pháp luật khi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông.
Nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật giao thông của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng. Biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua.
Nâng cao chất lượng công tác thi đua khen thưởng, khen thưởng phải dựa trên kết quả thành tích thi đua, bảo đảm kịp thời, chính xác, công khai, công bằng; tăng tỷ lệ khen thưởng hợp lý đối với công chức, viên chức và các lực lượng trực tiếp làm công tác bảo đảm TTATGT (phải đảm bảo tối thiểu 50% số lượng đề nghị khen thưởng cho mỗi hình thức khen thưởng Bằng khen và Giấy khen của mỗi địa phương và các cơ quan cấp tỉnh).
Nội dung thi đua, gồm: Đối với các tập thể, cá nhân thuộc sở, ban, ngành, đoàn thể và các doanh nghiệp cấp tỉnh: Tổ chức thực hiện tốt công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm TTATGT đến các đơn vị cơ sở và cán bộ, công chức, viên chức trong đơn vị.
Vận động cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, người lao động của đơn vị gương mẫu chấp hành pháp luật về TTATGT và xây dựng văn hóa giao thông. Trong đơn vị không có người bị tai nạn giao thông do hành vi chủ quan của bản thân gây ra, không bị xử phạt do lỗi cố ý vi phạm về TTATGT.
Tham gia đóng góp các giải pháp và phối hợp chặt chẽ với Ban An toàn giao thông tỉnh trong công tác tuyên truyền và các hoạt động bảo đảm TTATGT tại địa phương. Thực hiện tốt chế độ báo cáo định kỳ và đột xuất về công tác ATGT theo quy định.
Đối với các tập thể, cá nhân thuộc xã, phường, thị trấn, huyện, thị xã, thành phố: Đạt mục tiêu giảm 03 tiêu chí về tai nạn giao thông (số vụ, số người chết, số người bị thương) từ 5% - 10% so cùng kỳ năm trước. Tổ chức thực hiện tốt công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm TTATGT đến các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật giao thông của người tham gia giao thông, xây dựng văn giao thông trong cộng đồng.
Nâng cao tinh thần trách nhiệm của người thực thi công vụ trong lĩnh vực bảo đảm TTATGT. Có nhiều giải pháp đạt hiệu quả trong công tác bảo đảm TTATGT và khắc phục ùn tắc giao thông tại địa phương.Thực hiện tốt chế độ báo cáo định kỳ và báo đột xuất về cơ quan quản lý cấp trên; tổ chức sơ kết, tổng kết các hoạt động về công tác bảo đảm TTATGT trong năm theo quy định.
Các tập thể, cá nhân tham gia trực tiếp thực hiện các chương trình, kế hoạch theo chuyên đề: thực hiện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được phân công theo các chương trình, kế hoạch công tác của Ban An toàn giao thông tỉnh; các chương trình, kế hoạch công tác phối hợp Liên ngành hoặc đạt thành tích cao trong các Hội thi về An toàn giao thông./.