Đường sắt là loại hình giao thông đặc biệt. Trên địa bàn tỉnh hiện có 2 tuyến đường sắt chính, gồm tuyến đường sắt quốc gia Hà Nội - Lào Cai và đường sắt vận chuyển khoáng sản.
Các tuyến đường sắt thường qua nhiều khu dân cư đông đúc nên có nhiều lối ngang do người dân tự mở, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.
Cuối tháng 5 vừa qua, 1 chiếc taxi cố tình đi vào lối mở không có gác chắn (chỉ dành cho xe đạp, xe máy, người đi bộ), với mục đích vượt qua đường sắt vận chuyển quặng đi khu vực tổ 8, phường Xuân Tăng vào thôn Dốc Đỏ, xã Cam Đường (thành phố Lào Cai). Vì lối mở nhỏ nên một bên bánh của xe taxi bị mắc kẹt dưới đường ray, không thể tiếp tục di chuyển. Nhờ sự hỗ trợ của người dân, khoảng 10 phút sau, chiếc taxi có thể di chuyển khỏi khu vực đường sắt, không va chạm với tàu chở quặng.
Điểm giao cắt giữa đường Hoàng Sào và đường sắt vận chuyển quặng của Công ty TNHH Một thành viên Apatit Việt Nam thuộc địa phận tổ 19, phường Pom Hán (thành phố Lào Cai) có lưu lượng phương tiện qua lại rất đông. Mỗi khi có tàu vận chuyển quặng, các nhân viên lại hạ gác chắn để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông. Tuy nhiên, vẫn có một số người thiếu ý thức, lách qua gác chắn, thậm chí nhấc gác chắn vượt qua đường ray khi tàu đang đến rất gần. Bà Hoàng Thị Tân, người dân sống gần điểm giao cắt cho biết: Nhiều người ý thức rất kém, cố tình nhấc gác chắn để điều khiển xe máy vượt qua đường sắt khi tàu sắp đi qua, rất nguy hiểm.
Đường sắt là loại hình giao thông đặc biệt. Trên địa bàn tỉnh hiện có 2 tuyến đường sắt chính, gồm tuyến đường sắt quốc gia Hà Nội - Lào Cai và đường sắt vận chuyển khoáng sản. Các tuyến đường sắt thường qua nhiều khu dân cư đông đúc nên có nhiều lối ngang do người dân tự mở, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Theo thống kê của lực lượng chức năng, tuyến đường sắt mỏ có chiều dài trên 76 km với 9 ga, 155 lối đi tự mở, 8 điểm có gác ghi; tuyến đường sắt quốc gia Hà Nội - Lào Cai có chiều dài 77,6 km, chạy qua 9 ga, với 183 lối mở, 9 lối mở có gác ghi. Với quãng đường trên, số lối mở có gác ghi rất “khiêm tốn”, nếu người dân không tuân thủ nghiêm các quy định khi tham gia giao thông thì tai nạn giao thông đường sắt có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Những năm qua, lực lượng chức năng đã phối hợp với các trường học, địa phương tổ chức tuyên truyền về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường sắt. Riêng từ đầu năm 2023 đến nay, lực lượng cảnh sát giao thông đã phối hợp với các cơ quan chức năng, trường học, địa phương tổ chức 10 buổi tuyên truyền về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường sắt, thu hút gần chục nghìn người tham gia. Các nội dung tuyên truyền gồm: Hành vi nghiêm cấm xâm phạm đến các công trình đường sắt; tín hiệu giao thông đường sắt và hệ thống biển báo hiệu, cầu đường sắt; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi xảy ra tai nạn giao thông liên quan đến đường sắt; cách xử lý khi phát hiện sự cố, vi phạm trên đường sắt; quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông liên quan đến đường sắt…
Ngoài tuyên truyền, lực lượng lực lượng chức năng cũng thường xuyên thực hiện việc kiểm tra nồng độ cồn, ma túy với lái tàu, nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu. Trung tá Đào Ngọc Toàn, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông đường sắt, Công an tỉnh cho biết: Ngay từ đầu năm, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh đã xây dựng kế hoạch tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường sắt trên địa bàn, qua đó xác định những địa bàn trọng điểm tại các huyện: Bảo Yên, Bảo Thắng và thành phố Lào Cai để tập trung tuyên truyền. Bên cạnh đó, lực lượng tăng cường tuần tra, kiểm soát và phát hiện những trường hợp vi phạm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường sắt để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh không xảy ra tai nạn giao thông đường sắt. Tuy nhiên, giao thông đường sắt luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, vì thế, các cấp, các ngành, các địa phương và người dân không được chủ quan, cần tiếp tục tăng cường các giải pháp đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường sắt.