Hòa Bình:Văn hóa giao thông nhìn từ ý thức người tham gia giao thông
Thứ năm, 23/06/2011 00:00
Văn hóa giao thông được hiểu là cách xử sự, thái độ, hành vi xử thế của người tham gia giao thông đối với các quy định của pháp luật về giao thông. Người tham gia giao thông có văn hóa giao thông là có ý thức tự giác, gương mẫu, chấp hành nghiêm, đúng luật, tôn trọng mình, tôn trọng mọi người, tôn trọng an toàn, trật tự công cộng, ứng xử văn minh, lịch sự khi tham gia giao thông.
Đường Cù Chính Lan (TPHB) giờ tan tầm, dòng người xe đi lại tấp nập, chiếc xe ô tô biển kiểm soát 28H... có gắn tẩm bảng nhỏ Xe tập lái phía sau xe chầm chậm đi trên đường. Cửa kính xe ô tô được kéo xuống, một cánh tay phụ nữ đưa ra tay cầm vỏ lon cô ca thả xuống giữa lòng đường. Nhiều người đi xe máy phía sau vội vàng điều chỉnh tay lái tránh chiếc vỏ lon nước ngọt nằm lăn lóc giữa đường.
Tại khu vực ngã tư đèn xanh, đèn đỏ giao nhau giữa đường Cù Chính Lan và đường Chi Lăng, đèn hiệu giao thông chuyển sang đèn vàng, người tham gia giao thông giảm tốc độ dừng xe trước vạch sơn trắng. Khi đèn đỏ vừa bật sáng ai nấy đều giật mình bởi tiếng rú ga xe máy từ phía sau, một chiếc xe máy trên xe là hai thanh niên không đội mũ bảo hiểm lao vụt qua rẽ vào đường Chi Lăng. Trên cột đèn giao thông, chiếc biển ghi quy định xử phạt về vượt đèn đỏ được cơ quan chức năng treo ngay ngắn. Mức tiền phạt vượt đèn đỏ (trích Nghị định 34/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ) được ghi rõ ràng: đối với ô tô phạt từ 600.000 - 800.000 đồng, mô tô từ 100.000 - 200.000 đồng, xe đạp từ 80.000 - 100.000 đồng.
Một trường hợp khác cũng tại ngã tư đèn đỏ trên, khi phía đường Cù Chính Lan đèn hiệu giao thông chuyển màu xanh báo hiệu được đi, một vài chiếc xe vừa qua khỏi vạch sơn trắng thì từ trên cầu Hòa Bình, một chiếc xe ben chở vật liệu lao ầm ầm qua đường khiến người tham gia giao thông không khỏi hốt hoảng. Với tốc độ lái xe kiểu bạt mạng như vậy nếu xảy ra va chạm thì nguy cơ thiệt hại về người và tài sản khó tránh khỏi.
Nhiều hành vi thể hiện sự thiếu văn hóa giao thông của người tham gia giao thông diễn ra hàng ngày trên đường phố. Những hành vi đó đều tiềm ẩn nguy cơ gây nên tai nạn giao thông (TNGT). Thực tiễn cho thấy, tình hình TNGT ngày càng diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng, gây những hậu quả nghiêm trọng mà một trong những nguyên nhân là do ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông còn hạn chế. Để khắc phục tình trạng này và từng bước kiềm chế tai nạn giao thông, vấn đề văn hóa giao thông đã được các cấp, ngành, lực lượng chức năng và toàn xã hội quan tâm. Công tác tuyên truyền thực hiện văn hóa giao thông được đẩy mạnh với khẩu hiệu Văn hóa giao thông là tự giác chấp hành pháp luật về giao thông. Những thông điệp tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa giao thông cũng dễ dàng bắt gặp trên đường phố hay thường xuyên được xem, nghe qua các phương tiện thông tin đại chúng như Đã uống rượu, bia thì không lái xe, “Không điều khiển xe vượt quá tốc độ quy định Mặc dù vậy, trên thực tế, còn không ít trường hợp lách luật, vi phạm pháp luật giao thông và nhiều vụ TNGT xảy ra do người điều khiển phương tiện không chấp hành Luật Giao thông đường bộ, phóng nhanh, vượt ẩu, sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông Theo số liệu của cơ quan chức năng, trong 5 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh xảy ra 50 vụ TNGT, làm 45 người chết và 43 người bị thương, tăng 8 vụ, tăng 9 người chết so với cùng kỳ năm 2010.
Ông Hoàng Quốc Tần, Phó Ban ATGT huyện Lương Sơn cho rằng, ý thức chấp hành pháp luật giao thông của người tham gia giao thông còn nhiều vấn đề đáng lưu tâm. Mặc dù công tác tuyên truyền được thực hiện thường xuyên, liên tục, tăng cường tuần tra, xử phạt nhưng tình trạng vi phạm vẫn liên tục xảy ra, nhất là địa bàn nông thôn việc vi phạm diễn ra khá phổ biến, các phương tiện cứ từ đường ngang, ngõ nhỏ tham gia giao thông mà không theo một quy tắc nào nên rất dễ xảy ra va chạm, TNGT. Huyện là địa phương có số vụ TNGT đứng thứ hai (sau thành phố Hòa Bình) với 9 vụ làm 7 người chết và 6 người bị thương, tăng 5 vụ, tăng 5 người chết so với cùng kỳ năm 2010.
Theo ông Nguyễn Hữu Phúc, Phó phòng CSGT (Công an tỉnh), một bộ phận thanh niên có biểu hiện chống đối lực lượng CSGT không chấp hành hiệu lệnh, khi bị phát hiện vi phạm người điều khiển phương tiện quay đầu bỏ chạy, phóng nhanh, lạng lách vượt mặt CSGT, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Trong những trường hợp này, CSGT buộc phải kết thúc việc truy đuổi để tránh gây tai nạn cho bản thân, cho người tham gia giao thông trên đường và cả chính đối tượng điều khiển phương tiện vi phạm trật tự ATGT. Điều đó cho thấy ý thức kém của một bộ phận lớp trẻ khi tham gia giao thông.
Văn hóa giao thông được hiểu là cách xử sự, thái độ, hành vi xử thế của người tham gia giao thông đối với các quy định của pháp luật về giao thông. Người tham gia giao thông có văn hóa giao thông là có ý thức tự giác, gương mẫu, chấp hành nghiêm, đúng luật, tôn trọng mình, tôn trọng mọi người, tôn trọng an toàn, trật tự công cộng, ứng xử văn minh, lịch sự khi tham gia giao thông. Hành vi thiếu ý thức, xả rác bừa bãi ra đường gây phản cảm, không chấp hành quy định pháp luật vượt đèn đỏ gây nguy hiểm, không đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông là những hành vi không có văn hóa giao thông đáng bị xã hội lên án. Những hành vi này xảy ra thường xuyên hơn tại những khu vực, địa điểm không có CSGT hay lực lượng chức năng tuần tra, canh gác. Để xây dựng văn hóa giao thông, nâng cao nhận thức pháp luật giao thông, cùng với phát huy tính tự giác của người tham gia giao thông, các lực lượng chức năng cần tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đẩy mạnh, đổi mới phương pháp tuyên truyền, giáo dục về an toàn giao thông, đưa kiến thức an toàn giao thông vào trường học, xây dựng nếp sống văn hoá ở KDC, tạo sức mạnh toàn xã hội cùng chung tay xóa bỏ những hình ảnh không đẹp, thiếu ý thức văn hóa giao thông.
Chinhpc(baohoabinh.com.vn)
Phạm Công Chính