Văn hóa giao thông là nói tới hình thức biểu hiện bằng hành vi chấp hành đúng pháp luật theo các chuẩn mực của xã hội về lẽ phải, cái đẹp, cái thiện của người tham gia giao thông.
Văn hóa giao thông là nói tới hình thức biểu hiện bằng hành vi chấp hành đúng pháp luật theo các chuẩn mực của xã hội về lẽ phải, cái đẹp, cái thiện của người tham gia giao thông.
Tháng An toàn giao thông (ATGT) năm 2010, Ủy ban ATGT Quốc gia tiếp tục phát động đợt tuyên truyền ATGT với chủ đề "Văn hoá giao thông" trong cộng đồng dân cư với mục đích nhằm tạo bước chuyển biến mới về nhận thức chấp hành pháp luật trật tự ATGT của mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn cả nước.
Trên cơ sở đó, từng bước hình thành "Văn hoá giao thông” trong mỗi người khi tham gia giao thông. Từ đây lôi cuốn cả cộng đồng tham gia có trách nhiệm cùng chung tay hạn chế tiến tới giảm dần tai nạn giao thông. Để làm rõ vấn đề chúng ta cần nhìn thẳng vào thực trạng "Văn hoá giao thông" trong tỉnh. Từ đó xác định những nội dung cần thiết đối với "Văn hoá giao thông" và trách nhiệm của cơ quan Nhà nước đối với tuyên truyền "Văn hoá giao thông".
Nói về văn hoá giao thông cũng rất phong phú, nhưng rất cụ thể. Mỗi khi con cháu ra đường cha mẹ thường dặn đi nhanh rồi về, chú ý cẩn thận. Trước cửa Phật ai cũng xin đi đến nơi về đến chốn an toàn... Có những điều chỉnh của cơ quan Nhà nước mà một số hành vi vi phạm tự triệt tiêu như: hành vi phe vé, trộm cắp trên tầu đã giảm hẳn.
Nhưng cũng có những hành vi chấp hành nghiêm chỉnh Luật Giao thông nhưng tai nạn chết người vẫn xảy ra. Đó là vụ tai nạn tầu hoả Lào Cai I xẩy ra hồi 4h 15' sáng ngày 6/9/2010 trên tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai tại Km195+900 xã Mậu Đông, huyện Văn Yên (Yên Bái), ba mẹ con bà cháu vì tầu đỗ nhanh không kịp tìm đúng toa nên đã lên toa hàng ngay sát đầu máy, hai bà cháu ngồi chờ con gái đi tìm toa thì tai nạn sập đất xẩy ra, hậu quả hai bà cháu chết.
Thực tế cho thấy việc tham gia giao thông đòi hỏi hành vi xử lý rất năng động và nhanh nhạy, trong từng trường hợp có thể vi phạm mà tính mạng vẫn bảo toàn. Về quy định của pháp luật giao thông có thể bị xâm hại nhưng mục tiêu không để xảy ra tai nạn vẫn được kiểm soát. Vấn đề ở đây là ý thức người tham gia giao thông phải được trang bị như thế nào để đạt tới kỹ năng hoàn chỉnh và tự có thể bảo vệ mình trong mọi tình huống khi tham gia giao thông. Từ đây ta có thể xác định được trách nhiệm của hai đối tượng: người tham giao thông và người quản lý về hoạt động giao thông.
Người quản lý về hoạt động giao thông có hai cách tác động tới người tham gia giao thông đó là giáo dục và cưỡng chế. Còn người tham gia giao thông có hai hành vi đồng thời là hiểu biết và chấp hành. Người quản lý tổ chức cung cấp thông tin tuyên truyền pháp luật, còn người tham gia giao thông phải tìm hiểu để chấp hành đúng pháp luật. Sự hiểu biết là khác nhau, do đó công tác tuyên truyền rất quan trọng đòi hỏi dễ hiểu và dễ thực hiện.
Như vậy, trách nhiệm của cơ quan Nhà nước là rất quan trọng trong định hướng tuyên truyền, giáo dục pháp luật. Nói về văn hóa giao thông là hình thức biểu hiện bằng hành vi chấp hành đúng pháp luật theo các chuẩn mực của xã hội về lẽ phải, cái đẹp, cái thiện của người tham gia giao thông. Xây dựng “Văn hóa giao thông” nhằm tạo thói quen cư xử có văn hóa, đúng pháp luật và ý thức tự giác tuân thủ pháp luật về bảo đảm trậy tự an toàn giao thông (TTATGT) như chuẩn mực đạo đức truyền thống, biểu hiện văn minh, hiện đại của người tham gia giao thông.
Điều kiện cần và đủ của “Văn hóa giao thông” là hiểu đúng các quy định của pháp luật về ATGT và tự giác chấp hành các quy định về TTATGT để bảo vệ mình và người khác khi tham gia giao thông. Khi hậu quả xảy ra, bình tĩnh xử lý để bảo vệ quyền lợi cho các bên, bảo đảm công bằng theo pháp luật và tinh thần thương yêu giúp đỡ lẫn nhau.
Hành vi đi đúng phần đường, làn đường, tuân thủ quy định về tốc độ, dừng đỗ xe đúng quy định; đội mũ bảo hiểm đúng quy cách khi đi mô tô xe máy, thắt dây an toàn khi đi ô tô; không uống rượu bia khi tham gia giao thông, chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông và hệ thống báo hiệu giao thông, có đầy đủ giấy tờ theo quy định khi điều khiển phương tiện giao thông, tự giác chấp hành quy định của pháp luật ATGT kể cả khi không có lực lượng tuần tra, không thực hiện các hành vi nguy hiểm cho bản thân và cho cộng đồng.
Đối với người thi hành công vụ: thực hiện đúng nhiệm vụ được giao với tinh thần trách nhiệm, xử lý đúng thẩm quyền, đúng người, đúng hành vi vi phạm, tận tình giúp đỡ người tham gia giao thông, không sách nhiễu tiêu cực khi thi hành công vụ.
Trách nhiệm của cơ quan Nhà nước đối với tuyên truyền "Văn hoá giao thông" là phải thường xuyên, liên tục, đa dạng, phong phú, ngắn gọn dễ hiểu, dễ nhớ bằng nhiều hình thức và mọi đối tượng, thích hợp với từng vùng, miền trong tỉnh; trang bị kỹ năng để xử lý các tình huống đối với người tham gia giao thông, gương mẫu chấp hành và đề cao trách nhiệm của cơ quan Nhà nước đối với công tác ATGT; nghiêm túc trong cưỡng chế thi hành luật vì người dân luôn đòi hỏi xử lý công bằng theo pháp luật đối với mọi đối tượng; Nhà nước tạo điều kiện về cơ sở vật chất để người tham gia giao thông có khả năng phát huy được "Văn hóa giao thông" của mỗi người tham gia giao thông bởi "Văn hóa giao thông" chính là đích mà chúng ta hướng tới.
Báo YBĐT